Kết nối phố

Sao em biết người già không cô đơn?

Cập nhật, 12:53, Thứ Tư, 01/11/2017 (GMT+7)

Cuộc sống hiện đại, người cao tuổi ngày càng được gia đình, xã hội quan tâm hơn về đời sống vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, bên cạnh những người cao tuổi sống vui, sống khỏe… không ít người cao tuổi ở đô thị vẫn cô đơn trong chính ngôi nhà mình, đặc biệt là những người “rời quê lên phố thị”.

Nhiều người nói, người cao tuổi ở đô thị cô đơn hơn người cao tuổi ở thôn quê. Bởi lẽ, không gian làng quê là không gian mở, người cao tuổi có nhiều bạn bè là bà con, lối xóm.

Còn ở đô thị, không gian bó hẹp hơn với những ngôi nhà kín cổng, chỉ quanh quẩn trong nhà khi con cháu đi học, đi làm... Khi về nhà, con cháu cũng bận rộn với những “kế hoạch riêng”, “quên” giao tiếp với ông bà...

Con cháu cần thấu hiểu để sẻ chia, để giải tỏa cảm giác cô đơn của người cao tuổi, cần tạo điều kiện cho họ tham gia các sinh hoạt cộng đồng như: các CLB văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng và khiêu vũ… Hay đơn giản hơn, đưa người cao tuổi đi dạo ở công viên, gặp gỡ bạn bè…

Đặc biệt, quan trọng nhất và không thể thiếu, chính là: con cháu phải thể hiện lễ phép, kính trọng người lớn tuổi; thường xuyên hỏi han, bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc ân cần bằng hành động cụ thể; dành thời gian trong ngày để chuyện trò, lắng nghe tâm tư của người lớn tuổi.

Bởi lẽ, chỉ khi cảm nhận được tình thương của con cháu đối với mình, cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn của gia đình thì cảm giác cô đơn sẽ vơi đi (hoặc không có cớ để kéo đến).

Bên cạnh sự quan tâm từ phía gia đình, rất cần quan tâm nhiều hơn nữa từ phía xã hội, nhằm nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần của người cao tuổi.

NAM ANH