Hay làm như chú Thạch Tám

Cập nhật, 08:31, Thứ Ba, 15/08/2017 (GMT+7)

Chúng tôi đến nhà chú Thạch Tám- thương binh 2/4 ở ấp Cần Súc (xã Loan Mỹ- Tam Bình) vào buổi chiều vần vũ mây đen. Vậy mà khi đến nhà thì không thấy chú Tám đâu, gọi mấy tiếng mới nghe chú lên tiếng ngoài vườn cam.

Chú Tám bị thương cụt mất 1/3 chân trái, phải mang chân giả nhưng vẫn siêng lao động, bằng ý chí và nghị lực của mình đã vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình.

Chú Thạch Tám chăm sóc vườn cam.
Chú Thạch Tám chăm sóc vườn cam.

Thương binh Thạch Tám tham gia chiến trường Campuchia từ năm 1984, lúc “mới cưới vợ 6 tháng”. So với những đồng đội cùng chiến đấu ở chiến trường K, chú có ưu thế là người dân tộc Khmer nên có thể làm thông dịch viên cho bộ đội với người dân bản xứ. Chú Tám cười: “Dân người ta thương mình lắm, có gì ăn thì người ta cũng cho mình hết á”.

Là người con của ruộng đồng, chú Tám đã quen với những công việc nặng nhọc nên những chuyện hành quân vất vả không làm ngại bước chân.

Chú Tám nói chú đi chiến trường ở giai đoạn mà quân ta đang trên đà thắng lợi. Mỗi khi giặc Pol Pot tràn vào xóm, bà con lại bí mật ra báo cho cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, quân đội ta nhanh chóng tóm gọn chúng.

“Nói vậy chứ chiến tranh thì sao tránh khỏi cái chết, tiểu đội tôi cũng hy sinh 4 người”- chú Tám nói.

Tháng 8/1986, chú Tám bị thương do trúng mìn giặc, được chuyển về bệnh viện cứu chữa. Hơn một năm được xuất viện, khổ nhất của người lính giờ đây không phải là đối diện cái chết khi ở chiến trường mà là những mất mát cơ thể tạo nên khiếm khuyết, có thể là gánh nặng của vợ con sau này.

Năm 1987, chú Tám về quê với chân giả tập tễnh, tập đi lần thứ hai. Chú chia sẻ: “Tụi tui đi đánh giặc thì đã lường trước hy sinh nhưng mà thương tật thì cũng xót xa lắm. Phải qua 3 lần phẫu thuật cái chân trái của tui mới được như bây giờ.

Vết thương của chú Tám cứ mỗi khi trái gió trở trời lại nhức nhối từng cơn nhưng không gì có thể ngăn được ý chí, nghị lực của người lính năm xưa. Vợ chồng chú Tám đã “túc tắc mần từ ruộng vườn đến nấu rượu nuôi heo, mần không lơi cái tay”.

Ngôi nhà tường 3 gian sơn màu xanh mát rượi, nền lót gạch men màu xanh ngọc đi mát chân. Trên bàn thờ lớn, ảnh Bác Hồ trang trọng đặt giữa nhà. Khó có ngôi nhà ở vùng quê nào lại sạch “như lau như li” đến vậy.

Vợ chú Tám- cô Thạch Thị Lợi- bẽn lẽn ngồi cạnh chồng cười tươi, nhắc chúng tôi uống nước. Thấy chúng tôi khen nhà sạch đẹp, cô cười: “Tụi tui mần nhà hồi năm 1992 lận á, kiểu cũ rùi”.

Chú Tám nói “ban đầu tui buồn dữ lắm, đi đứng cũng té tới té lui” nhưng nay thì làm việc cũng không thua gì người lao động khỏe mạnh khác. Rồi vợ chồng chú ki cỏm làm ăn. Có dư chút đỉnh thì nuôi heo, nuôi bò. Heo bò lớn thì bán mua đất đai, làm nhà cửa. Đến nay, chú Tám đã có khoảng 20 công ruộng vườn.

Chú Tám cười: “Tui đâu có bí quyết gì đâu, siêng năng làm việc và không phung phí thì có dư vậy thôi. Vợ chồng tui có duy nhất đứa con trai 30 tuổi cũng siêng mần lắm”.

Trong cuộc sống, cố gắng phấn đấu để vượt qua nghèo khó bằng nghị lực của bản thân là một điều rất đáng quý.

Càng đáng quý hơn khi phẩm chất tốt đẹp đó xuất phát từ người thương binh dân tộc Khmer như chú Thạch Tám. Dù thân thể khiếm khuyết, sức khỏe hạn chế do bom đạn, hậu quả của chiến tranh nhưng chú vẫn tự lực vươn lên làm giàu từ sức lao động của mình.

Chú Thạch Tám là 1 trong 43 người có công tiêu biểu vượt khó của tỉnh Vĩnh Long được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

 

 

 

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN