Dịch bệnh tăng cao, cấp bách phòng chống

Cập nhật, 04:49, Thứ Sáu, 04/08/2017 (GMT+7)

Thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm 6 tháng đầu năm 2017 của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): các bệnh ho gà, bạch hầu, liên cầu lợn, sốt xuất huyết,... tại nhiều tỉnh- thành có số mắc và tử vong đều tăng cao. Trong bối cảnh chung, tuy không có trường hợp tử vong, nhưng ở tỉnh Vĩnh Long nhiều bệnh cũng có số mắc tăng mạnh.

Tiêm chủng cho trẻ từ sơ sinh đến sau 1 tuổi là bắt buộc để tạo miễn dịch phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sau này.
Tiêm chủng cho trẻ từ sơ sinh đến sau 1 tuổi là bắt buộc để tạo miễn dịch phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sau này.

Nhiều bệnh tăng cao “đột biến”

Sau nhiều năm không ghi nhận, thì mới đây tại tỉnh đã ghi nhận 2 ca bệnh ho gà. Đó là một bé 3 tháng tuổi ở TX Bình Minh (bệnh hồi tháng 4) và một bé gần 2 tháng tuổi (bệnh lúc tháng 5).

Theo báo cáo từ cơ sở, 2 ca bệnh được phát hiện, điều trị và ổn. Trường hợp bé 3 tháng tuổi thì vừa mới được tiêm một mũi vắc xin có thành phần ngừa ho gà. Còn bé gần 2 tháng tuổi thì chưa đến thời điểm tiêm ngừa.

Theo quy định trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ từ đủ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm mũi vắc xin “5 trong 1” ngừa các bệnh ho gà- bạch hầu- uốn ván- viêm gan B- Hib.

Đối với tiêm chủng dịch vụ, mũi vắc xin “5 trong 1” sẽ ngừa bạch hầu- ho gà- uốn ván- bại liệt- Hib; còn mũi vắc xin “6 trong 1” có ngừa thêm viêm gan B. Sau trường hợp tiêm trên, trẻ khi đủ 3 tháng tuổi sẽ tiêm mũi thứ 2 và đủ 4 tháng tuổi sẽ tiêm nhắc mũi 3.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long (Sở Y tế): “Bất cứ trường hợp tiêm nào nói trên, 3 loại vắc xin cơ bản phòng bạch hầu- ho gà- uốn ván đều có để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ”.

Bên cạnh 2 trường hợp ho gà, bệnh viêm não vi rút cũng ghi nhận 5 ca và tăng “trăm phần trăm” so cùng kỳ.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay và so sánh cùng kỳ năm ngoái, bệnh thủy đậu tăng 138 ca (227/89), sốt xuất huyết tăng 328 ca (731/403), quai bị tăng 353 ca (482/129), tay chân miệng tăng 518 ca (892/374) và đặc biệt là viêm gan vi rút ghi nhận 547 ca bệnh so 6 tháng đầu năm ngoái không có ca bệnh nào.

Đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng: Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, số mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, quai bị, thủy đậu đều tăng cao ngay từ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, không có dịch lớn xảy ra và không có tử vong.

Phòng chống dịch bệnh  từ ấp- khóm

Sốt xuất huyết đang “sốt”. Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân hướng dẫn người dân ở xã Hiếu Thành phòng chống bệnh trên.
Sốt xuất huyết đang “sốt”. Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân hướng dẫn người dân ở xã Hiếu Thành phòng chống bệnh trên.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết, trước tình hình trên, lộ trình phòng chống dịch bệnh tới đây “đặc biệt chú trọng vào các bệnh đang gia tăng mạnh là tay chân miệng, sốt xuất huyết, quai bị, thủy đậu, khống chế giảm số mắc, nguy cơ tử vong”.

Do không có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, nên các chuyên gia y tế khuyên người dân nên tuân thủ các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng như: giữ gìn vệ sinh cho trẻ trong ăn uống, vui chơi hàng ngày ở trường, ở nhà, tránh tiếp xúc với trẻ bệnh; và với sốt xuất huyết: diệt lăng quăng, hạn chế môi trường sống và sinh sôi muỗi, tránh bị muỗi vằn chích gây bệnh.

Còn đối với bệnh thủy đậu, quai bị, do không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ tiêm dịch vụ, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân vẫn khuyên người dân nên cho trẻ đi tiêm ngừa.

Nếu có điều kiện, người dân có thể đưa trẻ đi tiêm mũi vắc xin đơn liều ngừa thủy đậu và mũi vắc xin tổ hợp sởi- quai bị- rubella tạo miễn dịch phòng bệnh.

Mới đây, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh- dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế giám sát trọng điểm sốt xuất huyết ở Vĩnh Long, đã yêu cầu thêm ngành y tế tỉnh chỉ đạo về tiêm chủng, nâng tỷ lệ tiêm đối với những bệnh có vắc xin phòng.

Nhìn nhận công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã nhiều cố gắng thời gian qua, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng đối với những bệnh nguy hiểm, dễ gây biến chứng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, hay các bệnh có số ca mắc cao như quai bị, thủy đậu,... không chỉ ngành y tế mà cần huy động tổng lực cộng đồng phòng chống.

Ở đó có vai trò của hệ thống chính trị ở địa phương mà “vai” của trưởng các ấp- khóm là rất quan trọng để tuyên truyền, giám sát, nâng hiệu quả phòng dịch bệnh...

6 tháng đầu năm, ngành y tế phát hiện và xử lý kịp thời 63/63 ổ dịch sốt xuất huyết, 39 ổ dịch tay chân miệng. Tăng cường tuyên truyền, giám sát tiêm chủng nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm ngừa, ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, thủy đậu, bạch hầu, ho gà, rubella... đang có chiều hướng bùng phát trở lại sau nhiều năm đã được khống chế.

Bài, ảnh: MINH THÁI