Về Phú Lộc nghe chuyện thoát nghèo

Cập nhật, 05:57, Thứ Tư, 28/06/2017 (GMT+7)

Chúng tôi về xã Phú Lộc (Tam Bình) vào mùa đông ken, máy gặt đập liên hợp chạy đầy các ngã đường, chốc chốc phải dừng xe cho một chiếc “Kobuta- hiệu của máy gặt đập liên hợp” chạy qua.

Một anh tài xế nói với tôi: “Đến mùa gặt mà ngay ngày chủ nhật nữa, nên chịu khó chờ chút nhe!” Bởi bà con ở đây đa phần vừa làm nông vừa làm công nhân nên chủ nhật là ngày gặt lúa “xôm tụ” nhất. Và cũng chính những nông dân làm công nhân ấy, đã làm tăng thu nhập giúp gia đình thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ làm công nhân

Câu chuyện đi làm công nhân ở xã Phú Lộc nhanh chóng trở thành đề tài rôm rả khi chúng tôi đến. Bởi, theo thống kê sơ bộ, khoảng 70% số hộ trong toàn xã có người làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú.

Một anh công tác bên mặt trận xã vui vẻ giới thiệu một lượt gần chục hộ: cả gia đình đi làm mua ruộng đất cất nhà ngon lành; vợ đi làm công nhân, chồng mần ruộng mới cất nhà; hộ khuyết tật nhờ con làm công nhân mà thoát nghèo…

Bí thư Chi đoàn ấp Phú Tân Tô Hoàng Hớn dẫn chúng tôi đi trên con đường rải đá, vui vẻ nói: “Ở ấp này, chuyện đi làm công nhân rồi thoát nghèo hay khá lên thì thiếu gì”.

Điển hình nhất là gia đình chú Dương Văn Cừ và cô Văn Thị Bé Bảy, vài năm trước là hộ nghèo, nay đã thoát nghèo. Chú Cừ là người khuyết tật, không có khả năng lao động.

Cô Bé Bảy cũng nay ốm mai đau lại phải nuôi 3 con nhỏ. Từ khi 2 con Dương Minh Tùng và Dương Thị Lắm lớn lên, đi làm công nhân, gia đình mới thoát nghèo.

Em Lắm đón chúng tôi bằng nụ cười hiền khô: “Em 20 tuổi, đi làm công nhân 2 năm rồi, từ hồi tốt nghiệp 12 xong là em đi làm luôn, chung với anh Hai”.

“Cực thì cũng cực lắm” nhưng anh em Lắm đều rất vui vì trở thành trụ cột gia đình, thay mẹ chăm sóc cha và em gái. Lắm nói: “Từ hồi đi làm tới giờ, mua được bộ ghế này, cái tivi và chiếc xe máy”.

Cũng nhờ anh chị mà em gái út Yến Nhi được tiếp tục ước mơ vào đại học. Yến Nhi bẽn lẽn: “Em mới thi THPT quốc gia xong, chắc được khoảng 17 điểm!”

Tổ ấm nhỏ của anh Hào và chị Thúy.
Tổ ấm nhỏ của anh Hào và chị Thúy.

Phía bên kia sông là gia đình anh Dương Văn Hào và chị Thanh Thúy. Căn nhà tường cất theo kiểu mới sáng trưng, rộng hơn 90m2, kinh phí xây dựng hơn 200 triệu đồng. Anh Hào niềm nở: “Có được cái nhà này là nhờ vợ chồng đi làm công nhân dành dụm mới cất được đó”.

Anh Hào 36 tuổi, đã là công nhân được 11 năm còn trước đó thì ở nhà chuyên vác lúa mướn. Việc vác lúa vốn bấp bênh mà ruộng đất thì chỉ có vỏn vẹn 2 công nên rất khó khăn về kinh tế.

Rồi khi Khu công nghiệp Hòa Phú hình thành là anh đi làm liền, anh cười: “Mình ruộng vườn ít, nếu không đi làm công nhân thì không biết chừng nào mới cất được cái nhà đàng hoàng”.

Gia đình nông- công

Ở Phú Lộc có rất nhiều gia đình có chồng làm nông dân và vợ làm công nhân. Bởi với diện tích đất sản xuất không nhiều, một người khó có thể đảm đương được. Thêm vào đó, Phú Lộc là xã gần khu công nghiệp nên đi làm ở đây cũng thuận tiện.

Chị Nhung bên vườn rau nhỏ.
Chị Nhung bên vườn rau nhỏ.

Trong căn nhà cao ráo, rộng rãi và thoáng mát, chị Đào Thị Ngọc Nhung đang chuẩn bị buổi cơm trưa. Chị xởi lởi, giọng Nghệ An: “Ông xã tôi đi làm lúa rồi, tôi thì đang chuẩn bị cơm trưa để chiều đi làm ca 2”.

Chị nói thêm: “Hôm nào có tăng ca chủ nhật vầy, tôi mừng lắm”. Bởi cái tính chịu thương, chịu khó và cái tật “ở không chịu không nổi” nên khi lấy chồng về Vĩnh Long thì chị vô làm ở khu công nghiệp ngay. Chị nói: “Vợ chồng tui được có nửa công vườn, ở nhà làm thuê thì bấp bênh lắm, lấy gì nuôi con”.

Vậy là chồng chị thuê 7 công ruộng, lúc rảnh thì đi phụ hồ, còn chị vẫn đều đều đi làm công nhân cả chục năm nay.

Chị Nhung đi làm theo ca (mỗi ca 8 tiếng, ca 1 từ 6- 14 giờ, ca 2 từ 14- 22 giờ) nên có thời gian chăm sóc gia đình và trồng thêm ít rau cải đủ cho bữa ăn 4 thành viên.

Chú Phan Thành Long vừa làm ruộng vườn vừa chăn nuôi, còn cô Châu Thị Út Nhỏ đi làm ở khu công nghiệp.
Chú Phan Thành Long vừa làm ruộng vườn vừa chăn nuôi, còn cô Châu Thị Út Nhỏ đi làm ở khu công nghiệp.

Với gia đình cô Châu Thị Út Nhỏ và chú Phan Thành Long ở Ấp 3B thì dù có 10 công ruộng với 3 công vườn, cô vẫn đi làm công nhân. Cô Út Nhỏ nói: “Làm ruộng bây giờ cũng nhẹ công lắm, mình chồng tui làm được rồi. Tui đi làm công nhân có thu nhập ổn định mỗi tháng để thêm tiền nuôi con”.

Cô chú có 3 người con: con gái lớn nhất học đại học năm 3, con gái kế chuẩn bị vào đại học, con gái út lên lớp 9 nên những khoản chi cũng nhiều hơn.

Cô Út Nhỏ nhẩm tính: “Thu nhập 3 mùa lúa thì đóng tiền học cho con và chi tiêu đám tiệc, tiền tôi đi làm hàng tháng thì lo cho mấy đứa nhỏ đi học hết. Tuy chỉ khoảng 4 triệu/tháng nhưng nếu tôi không đi làm cũng khó khăn lắm”.

Những câu chuyện thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ khi có khu công nghiệp đã trở thành chuyện hiển nhiên ở xã Phú Lộc và nhiều xã khác ở huyện Tam Bình. Nhiều bà con tâm đắc, cho rằng nhờ tỉnh phát triển công nghiệp mà dân mình mới yên tâm làm ăn, có thu nhập ổn. Tuy nhiên, những công nhân này cũng mong sao có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập khá hơn để thoải mái tinh thần làm việc tốt.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc Trần Công Khánh cho biết: Toàn xã có khoảng 70% hộ có người lao động ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng lên và nhiều hộ đã thoát nghèo, một số hộ còn vươn lên khá giàu.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN