"Ông Bụt" của người nghèo

Cập nhật, 20:48, Thứ Năm, 01/06/2017 (GMT+7)

Ông là người “đặc biệt”, luôn làm những công việc đặc biệt và để lại nhiều ấn tượng cũng hết sức đặc biệt. Người khuyết tật nặng, bệnh nhân nghèo và những trẻ em cơ nhỡ khó khăn… đều biết đến ông và xem ông như là “Bụt” hiện thân giúp kẻ nghèo khó.

Ông là Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ) sinh năm 1932, hiện là Chủ tịch danh dự Hội Về người khuyết tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long (xin gọi tắt là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo).

Ông Ngô Ngọc Bỉnh (người ngồi thứ 2 bên trái) cùng đoàn công tác thăm các đối tượng khuyết tật nghèo được hội trợ giúp đã thoát nghèo.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh (người ngồi thứ 2 bên trái) cùng đoàn công tác thăm các đối tượng khuyết tật nghèo được hội trợ giúp đã thoát nghèo.

Kỳ 1: Ông Sáu Bảo trợ!

Dù đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, nhưng sức khỏe và trí tuệ của ông Sáu Kỳ vẫn rất minh mẫn. Đó thật sự là một điều tuyệt vời đối với người cao tuổi, càng tuyệt vời hơn khi ông vẫn đang cống hiến cho xã hội ở cương vị lãnh đạo một tổ chức xã hội có những thành tích rất xuất sắc.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh trở lại thăm chị Trần Thị Kim Nguyên- một trong những người được trợ giúp mổ tim đầu tiên nay đã khỏe mạnh, trẻ trung hơn xưa rất nhiều.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh trở lại thăm chị Trần Thị Kim Nguyên- một trong những người được trợ giúp mổ tim đầu tiên nay đã khỏe mạnh, trẻ trung hơn xưa rất nhiều.

Từ “ông Sáu 01” đến “ông Sáu Bảo trợ”

Gần 70 năm tham gia cách mạng- vào lúc đã có thể nhìn lại sự nghiệp cuộc đời- ông nhận thấy: lĩnh vực mà mình đạt được nhiều thành tích nhất chính là trong công tác dân vận và xây dựng thực lực ở cơ sở.

Một trong những cống hiến to lớn đó là việc góp phần gầy dựng, chỉ đạo thắng lợi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng” theo Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy. Và từ phong trào đó, ông được cán bộ và nhân dân thương mến đặt cho cái tên “ông Sáu 01!”

Đến tuổi 73, ông mới “chính thức” được nghỉ hưu. Nhưng một lần nữa, Tỉnh ủy Vĩnh Long lại yêu cầu ông hỗ trợ cho công tác nhân đạo xã hội. 

Thành lập từ năm 2002, nhưng sau nhiều năm hoạt động, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) của tỉnh vẫn là tổ chức hội “4 không”: không kinh phí hoạt động, không trụ sở, không cán bộ chuyên trách và không thuộc Hội Trung ương. Năm 2005, sau khi ông về giữ chức Chủ tịch, hoạt động Hội BTBNN bắt đầu khởi sắc.

Một năm sau, gánh trách nhiệm bảo trợ thêm 2 đối tượng là người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC)- hoạt động của hội cũng ngày càng mở rộng: mổ tim, mổ mắt; cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; xây dựng bếp ăn miễn phí…

Và chỉ sau thời gian ngắn, tất cả NKT, TMC trên địa bàn đều được hướng dẫn, hoàn tất các thủ tục để hưởng các chính sách bảo trợ xã hội; cơ bản xóa được mù cho người nghèo; phẫu thuật miễn phí cho trẻ dị tật, mang lại trái tim khỏe cho BNN và xây dựng được mạng lưới bếp ăn từ thiện ở tất cả các bệnh viện trong tỉnh…

Chị Trần Thị Kim Nguyên (ấp Phước Thới C, xã Bình Phước- Mang Thít) là 1 trong gần 900 người được Hội BTNKT-TMC và BNN- trợ giúp mổ tim đã cảm động nói: “Chú Sáu như “ông Bụt” của người nghèo.

Nếu không có chú Sáu và hội bảo trợ giúp đỡ, tôi đã chết từ lâu. Tôi luôn coi chú như người cha thứ hai của mình!” và “Nhờ được mổ tim, nay tôi khỏe nhiều, đi làm lại được để có tiền cùng chồng lo cho 2 con nhỏ dại tiếp tục tới trường”. Chị Bùi Thị Út Chính cũng ở Bình Phước đã chia sẻ như thế.

Bà Nguyễn Ngọc Truyền- nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, hiện là Phó Chủ tịch hội- người đồng sự cùng ông Sáu tâm đắc: “Tôi học được rất nhiều ở chú Sáu.

Cụ thể là trong những lần đi thực tế, chú tìm hiểu, thăm hỏi đời sống của đối tượng rất kỹ và qua những lời động viên rất chân thành, rất thuyết phục- đối tượng cảm thấy lạc quan, muốn sống hơn.

Đây còn là điều kiện để chú tiếp cận, kiểm tra công việc ở cơ sở. Từ đó giúp chú nảy sinh nhiều ý tưởng, nhiều chương trình mới nhân văn, sâu sắc và “sát sườn” với nhu cầu của những người yếu thế”.

Đó là chương trình trị bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo, xây nhà vệ sinh và khám chữa bệnh tại nhà cho NKT nặng; tặng thẻ BHYT cho hộ khuyết tật cận nghèo; hỗ trợ sinh kế như: dạy nghề, giới thiệu việc làm thủ công mỹ nghệ và tặng xe lắc để đi bán báo, bán vé số cho NKT còn khả năng lao động...

Do tính chất công việc luôn phục vụ cho đối tượng yếu thế, các ban ngành địa phương và những người được ông trợ giúp lại tặng thêm cho ông biệt danh đầy tính nhân văn: “ông Sáu Bảo trợ!”

Những kết quả… ngoài sức tưởng tượng!

Tổng kết nhiệm kỳ hơn 10 năm (2005- 2016) hội của “ông Sáu Bảo trợ!” đã hoàn thành vượt gấp hàng chục lần các chỉ tiêu đề ra:

Vận động trợ giúp phẫu thuật cho 880 trường hợp bệnh tim bẩm sinh; điều trị và phẫu thuật gần 700 trường hợp bệnh phụ khoa; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho trên 22.400 người mù nghèo; cấp 6.800 xe lăn, xe lắc cho NKT, 70 xe cho TMC bị bại não; hỗ trợ sửa chữa, xây mới 750 căn nhà cho các đối tượng; hỗ trợ xây 1.500 công trình vệ sinh tự hoại trong nhà cho NKT nặng; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm hơn 2.500 lượt và hỗ trợ vốn sinh kế cho gần 2.500 trường hợp NKT còn khả năng lao động…

Song song, hội còn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gần 4.000 NKT, TMC đủ điều kiện theo quy định các nghị định của Chính phủ; vận động trao gần 10.000 suất học bổng, trên 2.700 xe đạp, nhiều tập sách giáo khoa và đồng phục cho học sinh khuyết tật, mồ côi nghèo; vận động trợ giúp gạo và tiền hàng tháng cho gần 19.000 lượt NKT, bệnh nhân nghèo, người cao tuổi không còn khả năng lao động, không người chăm sóc, nuôi dưỡng; hỗ trợ trên 60,2 tỷ đồng cho bếp ăn miễn phí phục vụ người bệnh nghèo tại các bệnh viện tỉnh, huyện; phối hợp trạm y tế cơ sở khám định kỳ tại nhà cho trên 3.800 trường hợp NKT nặng không đủ điều kiện đến trạm y tế địa phương;...

Đây chưa phải là toàn bộ kết quả mà ông Sáu Kỳ- Ngô Ngọc Bỉnh cùng các nhà hảo tâm, các đồng sự của mình dốc tâm, dốc lực thực hiện được trong thời gian qua nhưng phần nào đã minh chứng được tính nhân văn sâu sắc đến từ “Hội Bảo trợ!”

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: TRẦN ÚT- BÍCH VÂN