Câu chuyện nông thôn

Kiểu làm "ăn chắc, mặc bền"

Cập nhật, 09:25, Thứ Tư, 05/04/2017 (GMT+7)

Có hai người bạn nông dân, mà qua cách làm của họ, Hai Lúa tui học hỏi được nhiều bài học quý báu.

Cả hai người đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng họ không tập trung trồng một loại cây, hoặc nuôi một loại con nào cả và cũng không “chạy đua” theo những mô hình mới một cách vội vã.

Một anh bạn có vài công sầu riêng, khi bò có giá anh cũng bỏ vốn đầu tư nhưng chỉ nuôi vài con thôi. Mới đây, có dự án nuôi dê anh cũng tham gia nhưng cũng nuôi vài ba con... cho vui.

Không phải vì thiếu vốn, nhưng anh giải thích cách làm của mình: Nuôi ít thì dù khi bò xuống giá anh cũng không vội lo vì đó không phải là nguồn thu duy nhất. Mà phân bò được sử dụng nuôi trùn quế, lấy trùn quế làm mồi nuôi cá chạch lấu, giá cá chạch lấu cũng được trên 700.000 đ/kg.

Mới đây, đầu tư nuôi mấy con dê, thì anh có thêm dịch vụ phối giống. Mỗi lần phối giống cũng được 100.000- 150.000đ, tùy theo hình thức. Coi như thị trường có lên xuống thế nào thì anh cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Trường hợp thứ hai là anh bạn người dân tộc Khmer, có trên chục công ruộng làm “nền”, tận dụng nuôi chuồng heo nái, mấy năm trước đi học tập kinh nghiệm về mở ra nuôi lươn giống, còn ao cá cũng không nhiều mà nuôi theo mô hình khép kín tự nhiên, nên không lo ảnh hưởng giá cả lên xuống, khi cần thì xúc bán trực tiếp từng đợt.

Với cách làm chủ yếu là đa dạng nhiều giống, vật nuôi, nên khi “thất con này, thì còn con khác kéo lại” thu nhập sẽ không cao lắm nhưng được cái rất bền, mà theo dân gian mình hay nói là “ăn chắc, mặc bền”.

Hai Lúa tui chỉ nêu ra 2 trường hợp cụ thể, mang tính cá nhân để một số bà con có thể tham khảo, tùy theo hoàn cảnh mỗi người mà có thể áp dụng cho phù hợp mà thôi.

Hailua@.com