Giúp hộ nghèo "cần câu cơm"

Cập nhật, 13:26, Thứ Ba, 04/04/2017 (GMT+7)

Tại xã Hòa Hiệp (Tam Bình), Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa tổng kết 2 năm thực hiện Dự án hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo do Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ.

70 con bò giống được trao cho những hộ nghèo, cận nghèo thiếu phương tiện sản xuất, chí thú làm ăn tại 3 xã Hòa Hiệp, Hòa Lộc (Tam Bình) và xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) giúp các hộ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Niềm vui của hộ nghèo được nhận bò giống.
Niềm vui của hộ nghèo được nhận bò giống.

Quyết tâm thoát nghèo

Đối với những bà con nghèo, khó khăn ở 3 xã trên được nhận bò như được nhận “chiếc cần câu cơm” với hy vọng thoát nghèo.

Là người may mắn được trao bò từ đợt đầu tiên và được trao bò giống lại cho các hộ khác trong đợt này, anh Phạm Hữu Tánh (Ấp 10, xã Hòa Hiệp) luôn miệng cười: “Tui mới cắt cỏ cho bò ăn xong là chạy lên đây liền để giao bò nè”- anh Tánh cười xoa xoa đôi bàn tay còn dính bùn.

Gia đình anh Tánh có đông anh em, sống chung với cha mẹ già ngoài 80 tuổi, anh nói: “Nhờ dự án cho con bò, tui nuôi nó đẻ được 1 con bò nghé cái, giờ đem con nghé đó cho bà con khác, con bò cái là của mình luôn rồi”.

Là hộ nghèo, chỉ có hơn công ruộng nên gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang (Ấp 10, xã Hòa Hiệp) gặp nhiều khó khăn khi phải lo cho 2 con ăn học.

Chồng chị làm “thợ đụng”, ai kêu gì mần đó. Chị ở nhà nội trợ, đưa rước 2 con đi học và nhận đầu hộp quẹt về gia công, mỗi ngày kiếm chừng 20.000đ. Vợ chồng dù cố gắng làm cũng không sao tích góp được vốn để mua bò nuôi. Vì vậy đối với chị, con bò “là tài sản lớn nhất trước giờ”.

Được hỗ trợ bò, chị mướn nửa công ruộng trồng cỏ, chăm sóc bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y. “Phải chi bò đẻ bê cái là tui giao bò cho hộ nghèo khác rồi, đằng này nó đẻ con đực nên vợ chồng tui lấy tiền tích cóp rồi mượn thêm mua lại luôn. Nuôi cho ăn riết mến tay mến chân lắm.”- chị Trang chất phác nói.

Sẽ thêm nhiều hộ thoát nghèo

Theo bà Đỗ Thị Tuyết Phượng- Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lộc- việc xã nhận hỗ trợ 25 con bò cái giống vừa là niềm vui của bà con nhận bò vừa là niềm vui chung của xã, bởi nó góp phần cho xã giải quyết tiêu chí hộ nghèo và thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

“Cái hay lớn nhất mà dự án đem lại sau 2 năm không phải là kinh tế mà là ý thức người dân được nâng lên, đó là ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Khi chọn đối tượng nhận bò, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề hộ đó có khả năng nuôi bò không, để trao đúng đối tượng”- bà Phượng cho biết.

Ông Trần Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT)- đánh giá cao kết quả của dự án. Sau 2 năm thực hiện, 80% bò cái lên giống đã là tốt. Ông cũng khuyến cáo nông dân nên cho bò ăn đầy đủ chất, luân phiên rơm- cỏ để đảm bảo đủ dinh dưỡng khi bò mang thai. Lưu ý nguồn phân chuồng rất lợi ích mà lâu nay chúng ta chưa tận dụng hết.

Không chỉ trao “cần câu” mà còn trao “mồi câu” cho hộ nghèo. Phần việc còn lại là sự cần mẫn, chí thú làm ăn của nông hộ. Dịp này, các hộ dân nhận hỗ trợ bò giống ban đầu cũng đã chuyển giao bê cái giống đủ tiêu chuẩn cho 30 hộ tiếp theo. Và, các hộ hứa sẽ thực hiện tốt theo dự án, quyết tâm thoát nghèo bền vững.

Nhận được bò giống từ chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo, cận nghèo của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, anh Phan Văn Quốc (Ấp 2, xã Hòa Lộc) mừng rơn: “Có bò mừng lắm, hạnh phúc lắm. Chứ mần cắt củm biết khi nào có tiền mua bò. Tui sẽ ráng mần để nhà hổng còn nghèo. Tui chăm bò thật kỹ, để nó đẻ ra bê thì tui sẽ giao bê lại cho chương trình để giúp hộ nghèo khác”.

Ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trao bò cho hộ nghèo.
Ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trao bò cho hộ nghèo.

Theo ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, đánh giá của Ban quản lý dự án, tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra, đa số bò giống được các hộ chăm sóc tốt, bò khỏe mạnh và đã sinh sản được 30 bê con.

Việc hỗ trợ bò giống giúp các hộ tiếp cận với mô hình chăn nuôi hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mở rộng kiến thức, thay đổi cách làm ăn để xóa đói giảm nghèo vươn lên khá giàu, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

 

Mỗi hộ được nhận 1 con bò giống lai Sind có trọng lượng từ 150- 160kg trị giá 20 triệu đồng. Tổng kinh phí dự án hơn 1,6 tỷ đồng do BIDV tài trợ. Sau khi bò mẹ đẻ ra bê cái, hộ dân đó sẽ nuôi bê con từ 6- 10 tháng tuổi rồi giao cho hộ khác. Còn nếu đẻ bê đực thì ban quản lý thu hồi thanh lý để mua bò cái khác giao cho hộ tiếp theo. Chủ hộ nuôi ban đầu có thể mua lại bê đực với giá thị trường.

 

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN