Xã hội hóa xóa nhà tạm

Cập nhật, 07:36, Thứ Năm, 07/01/2016 (GMT+7)

Từ bao đời nay, an cư lạc nghiệp là mơ ước chính đáng, bình dị của mỗi người, mỗi gia đình. Nhận thấy được điều đó, chính quyền xã Tân Phú (Tam Bình) đã tích cực tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực xã hội để xóa hết nhà tạm bợ trong xã.

UBND xã cùng Nhóm Vòng tay yêu thương bàn giao nhà cho chị Võ Thị Hiếu (ấp Phú Yên).
UBND xã cùng Nhóm Vòng tay yêu thương bàn giao nhà cho chị Võ Thị Hiếu (ấp Phú Yên).

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Trong những ngày đầu xuân, chúng tôi cùng nhóm Vòng tay yêu thương và cán bộ xã đến bàn giao các căn nhà mới hoàn thành xong ở xã Tân Phú. Đến thăm hộ gia đình anh Nguyễn Văn Ngà (ấp Phú Yên), chúng tôi nhận thấy rõ niềm vui, sự ấm cúng trong căn nhà mới.

“Hồi trước, mỗi khi trời mưa là dột tùm lum, có khi gió lớn không dám ở nhà phải qua nhà kế bên trú tạm. Giờ đi làm về có nhà chắc chắn để ở, vợ con ở nhà cũng yên tâm. Tôi cảm ơn rất nhiều, hứa cố gắng mần cho có cuộc sống tốt hơn với người ta”.

Đi thêm đoạn đường gần 5km, chúng tôi đã đến được căn nhà mới của anh Huỳnh Văn Tài (ấp Phú Long), thế nhưng chỉ gặp được 2 con của gia đình anh ở nhà. Các em nhỏ chạy quanh nhà, như mừng như tủi vì niềm vui hôm nay ở trong căn nhà mới nhưng hơi buồn vì “ba mẹ con phải đi làm ở tận TP Hồ Chí Minh”. Chòm xóm đến rất đông, mừng cho em: “Từ giờ chúng nó được ngủ ngon mỗi khi trời mưa gió”.

Không giấu được niềm vui và cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là tấm lòng của những nhà hảo tâm.

Anh Nguyễn Thành Của (ấp Phú Thành) không giấu sự vui mừng: “Mừng quá trời quá đất, nghe người ta mai vô làm nhà là từ đêm hôm qua đã không ngủ được cứ trông hoài. Hồi trước, tôi cũng làm kinh tế phụ giúp gia đình bình thường. Từ hồi gặp tai nạn, mắt không nhìn thấy rõ nên tôi chỉ có thể làm những việc làm có thu nhập thấp. Kiếm miếng ăn đã khó chớ nói gì đến mái nhà lành lặn”.

Bùi ngùi một hồi lâu, anh Của nói tiếp: “Giờ có nhà, tôi mừng dữ lắm, không thể nào diễn tả được cứ như mơ. Xin cảm ơn chính quyền địa phương, quý nhà hảo tâm rất nhiều”.

Trao đổi với chúng tôi buổi trao nhà, bà Phan Thị Loan- Chủ tịch UBND xã Tân Phú chia sẻ:

“Đối với những hộ nghèo, nỗ lực để có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống hàng ngày đã là một việc khó khăn. Có được một ngôi nhà kiên cố để ở, làm chỗ dựa vững chắc để vươn lên thoát nghèo càng khó hơn. Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua, xã Tân Phú luôn đặc biệt quan tâm công tác vận động xây cất nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã”.

Tạo lòng tin với Mạnh thường quân

Xã Tân Phú có khoảng 70% hộ dân sống bằng nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn, xã còn rất nhiều nhà tạm bợ. Thế nhưng bằng tất cả nỗ lực, cố gắng từ các cấp chính quyền địa phương, sự chung tay của cộng đồng cùng sự đồng lòng của nhân dân trên địa bàn, xã đã hoàn thành tiêu chí nhà ở trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Để hoàn thành tiêu chí nhà ở, trước tiên từ đầu năm 2015 UBND xã cùng BCĐ nông thôn mới và Phòng Công thương huyện Tam Bình tiến hành khảo sát từng hộ, nắm từng hoàn cảnh, phân loại các đối tượng theo thứ tự ưu tiên và tiến hành họp dân công khai. Sau đó tiến hành vận động Mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, khi Mạnh thường quân đồng ý hỗ trợ xây dựng nhà thì UBND xã sẽ tiến hành họp dân để triển khai.

Khi chúng tôi hỏi làm sao quen biết nhiều Mạnh thường quân để hỗ trợ xã thì Chủ tịch UBND xã Tân Phú- Phan Thị Loan vui vẻ: “Chúng tôi quen biết qua bạn bè giới thiệu hay tự đến để làm quen thể hiện thiện chí muốn họ giúp đỡ và sẽ tận dụng hết tất cả các cơ hội có thể có để hỗ trợ cho địa phương mình.

Về phần UBND xã, phải chọn đúng đối tượng, rõ ràng, công khai, minh bạch và phải xúc tiến thật nhanh khi được đồng ý hỗ trợ. Cứ như thế sẽ tạo được lòng tin của Mạnh thường quân, khi họ có nguồn hỗ trợ là sẽ nhớ đến địa phương mình”.

Do thế mà có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã ủng hộ cho xã Tân Phú như: Nhóm Vòng tay yêu thương (TP Hồ Chí Minh), Hội Doanh nghiệp Quận 10 (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Tỷ Xuân, ông Sáu Lục (Trà Ôn), Tổ cất nhà từ thiện phường Trung Kiên (quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ),…

“Ở xã lúc nào cũng phải dự nguồn tiền đối ứng được trích ra từ khai thác các nguồn thu để cuối năm tạo nguồn kết dư ngân sách cho xây dựng nông thôn mới. Nguồn này dùng để đối ứng khi Mạnh thường quân yêu cầu vì họ thường chỉ hỗ trợ 1/2 hay 2/3 căn nhà, phần còn lại là địa phương và người được thụ hưởng lo”- chị Loan cho biết thêm.

Ông Võ Quốc Thông- Trưởng Nhóm Vòng tay yêu thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng rất nhiều căn nhà cho những địa phương của tỉnh bạn. Thế nhưng ở Vĩnh Long đến hôm nay mới bắt đầu triển khai được.

Để làm được đều này, ngoài sự sẵn lòng giúp đỡ của những thành viên trong hội cần có sự chủ động về vốn đối ứng của xã cũng như sự quan tâm của lãnh đạo địa phương. Nhìn những căn nhà mới ấm cúng, rất dễ thương làm chúng tôi cũng phấn khởi lây, đã có mái nhà chắc chắn bà con sẽ an tâm chăm lo làm ăn phát triển kinh tế”.

Ông Văn Thanh Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú chia sẻ: “Ở xã rất hoan nghênh tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ đã đóng góp cho sự phát triển của xã. Trong năm 2015, chính quyền xã vận động trên 1 tỷ đồng (chưa kể vốn đối ứng của xã) để xây cất 32 căn nhà mới theo dạng xã hội hóa và hoàn thành tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới. Như vậy, xã đã hoàn thành được 13/19 tiêu chí và phấn đấu hoàn thành hết các tiêu chí còn lại trong năm 2017”.

Có thể khẳng định chương trình xóa nhà tạm, dột nát là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói nghèo bền vững. Chủ trương xóa nhà tạm thể hiện ý nghĩa nhân đạo, sự quan tâm sâu sắc của chính quyền đến đời sống người dân gặp hoàn cảnh khó khăn. Cái được lớn hơn trong việc xóa nhà tạm, dột nát là tạo sự gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU