Câu chuyện nông thôn

Khởi nghiệp từ số vốn nhỏ

Cập nhật, 07:00, Thứ Tư, 06/01/2016 (GMT+7)

Chuyện tìm việc của người trẻ ngày càng gian nan, đến khi tìm được việc cũng chưa chắc đảm bảo đủ cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, cũng có những người trẻ năng động, không cần phải bon chen lên các đô thị lớn, họ vẫn có thể tự tạo việc làm cho mình.

Thằng cháu của Hai Lúa tui, ra trường hồi 3 năm trước rồi trở về quê, sau 1 năm mới xin được việc ở UBND xã. Trong thời gian chờ việc, nó đã chủ động đi học lớp hoa kiểng, rồi tự lên mạng mày mò học thêm, nhưng ban đầu đâu có vốn để sắm những cây nguyên liệu mắc tiền, nên nhảy qua nghiên cứu hoa lan.

Thỉnh thoảng nó lôi về một mớ lan đủ loại, nhưng chỉ tốn vài trăm ngàn đồng, rồi từ từ nhân giống ra, sau 1 năm đã có được giàn lan khá phong phú chủng loại. Mỗi chậu lan nhỏ nó bỏ mối cho người ta giá rất rẻ chỉ có 10.000- 20.000đ, dần dần số lượng bán tăng lên, rồi uy tín cũng tăng lên. Vậy là sau mỗi tháng, tính lại nó bỏ túi cũng 4- 5 triệu bạc, mà chi phí bỏ ra không có bao nhiêu.

Ngoài thời gian đi làm, nó tiếp tục chăm sóc vườn lan; giờ đây khi có vốn nó bắt đầu đi săn lùng cây nguyên liệu về sửa theo lối bon sai.

Chịu khó tham gia các câu lạc bộ, kết bạn học hỏi thêm, cộng với năng khiếu nó đã trở thành một nghệ nhân trẻ, có trong tay vườn lan, kiểng được đáng giá hàng trăm triệu đồng. Sau 4 năm ra trường, nó đã nghỉ hẳn việc làm ở xã, để tập trung nghiên cứu, nhân giống vườn cây của mình.

Vườn lan tiếp tục là nguồn thu nhập thường xuyên lo cho chi phí gia đình, dư ra thì đổ vào cây kiểng, theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, tính ra mỗi năm từ khoảng sân nhỏ mà có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Hai Lúa tui thấy, trong cái khó khăn chung, nếu những ai năng động, chịu khó tìm tòi học hỏi, chủ động tự tạo việc làm cho mình thật đáng khen ngợi. Đây cũng là tấm gương đáng học hỏi cho tuổi trẻ nông thôn ngày nay.

Hailua@.com