NHÂN NGÀY KHUYẾT TẬT VIỆT NAM 18/4:

Giúp “cần câu” cho người khuyết tật

Cập nhật, 06:31, Thứ Năm, 18/04/2013 (GMT+7)


“Chú sống lạc quan, vui khỏe để không là gánh nặng cho vợ con”, chú Thanh chia sẻ về công việc mưu sinh hàng ngày của mình.

Tuy được xã hội, Nhà nước quan tâm nhưng người khuyết tật (NKT) vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, đại đa số vẫn phải phụ thuộc vào người thân. Với phương châm “Giúp cần câu hơn là cho con cá”, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ NKT và gia đình họ có việc làm, phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững và hòa nhập với cộng đồng.

 “Giúp cần câu hơn là cho con cá”

Vợ chồng chú Trương Văn Trương (ấp Thái Bình, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) và cô Dương Thị Nga trước đây thuộc diện nghèo, không việc làm ổn định. Con gái chú Lê Thị Cưng (25 tuổi) bị cơn sốt bại liệt khi vừa tròn thôi nôi.

Cô bán hết tài sản trong nhà, vay mượn khắp nơi để lên Sài Gòn trị bệnh cho con nhưng không khỏi. 25 tuổi, Cưng nhỏ bé như trẻ lên 3, ngày ngày chỉ lật qua lật lại trên chiếc giường nhỏ. Công việc “ai thuê gì mần đó” của cô chú cũng bấp bênh, bữa có bữa không nên cuộc sống còn lắm khó khăn.

Sẻ chia khó khăn, Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (NTT-TMC-BNN) tỉnh hỗ trợ máy xe lõi lác, 200kg lác nguyên liệu cho cô và 9 hộ gia đình khuyết tật nghèo trong xã. Nhờ vậy, thời gian nông nhàn cô Nga có thêm thu nhập từ công việc này.

Cô Nga tâm sự: “Nhà tui mang ơn chính quyền đã giúp đỡ từ nhà ở, tiền hỗ trợ cho bé Cưng hàng tháng, rồi được tặng máy xe lác nữa. Tui mừng lắm!”

Khuôn mặt khắc khổ, đầy những nếp nhăn, bàn tay chai sần, đen đúa bởi công việc làm khoai mướn nên trông cô Phan Thị Thanh (55 tuổi, ấp Mỹ Trung B, xã Mỹ Thuận- Bình Tân) già hơn so với tuổi. Nhà có hơn công ruộng, vợ chồng cô túc tắc lên liếp trồng sơ ri để mỗi tháng kiếm chừng 700 ngàn đến 1 triệu đồng.

Chú Đồng Văn Đúng (59 tuổi) gầy gò, khắc khổ tâm sự: “Tui bệnh đau triền miên, nên gánh nặng đều lên trên vai bả hết. Vừa lo thuốc men cho tui, vừa phải trông chừng 2 đứa nhỏ”. Rồi chú chỉ tay về phía vườn- một em gái đang đút cỏ cho bò ăn thấy người lạ bẽn lẽn, mắc cỡ.
 
Chú cho biết: “Con gái giữa tui đó, tên Hà Em, 23 tuổi rồi mà cứ ngơ ngơ như con nít vậy đó. May là nó biết nói ú ớ, biết nghe, phụ hợ cho bò ăn đỡ hơn thằng anh 30 tuổi không nói được, bệnh nặng hơn. Tụi nó bị thiểu năng trí tuệ, người ta nói do nhiễm chất độc da cam”.
 
Nhà nghèo, các con đang vào tuổi lao động nhưng cô chú vừa phải lao động vừa phải trông con. Đầu tháng 12 vừa qua, gia đình cô chú được Hội Bảo trợ NTT-TMC-BNN cho số vốn 7 triệu đồng để mua con bò.
 
Chú tâm sự: “Nhờ có nó mà vợ chồng tui cũng có hy vọng, ráng nuôi nó lớn, bán kiếm tiền mua bò cái về nuôi, để gầy đàn bò luôn. Con bé Em có bò làm bạn cũng vui hơn, biết cắt cỏ cho bò phụ giúp tui nữa đó”.

Theo bà Lê Thanh Xuân- Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT-TMC-BNN tỉnh Vĩnh Long, phần lớn các đối tượng NKT đang sống trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa thể tự tìm ra lối thoát do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu phương pháp làm ăn.
 
Hội triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ sinh kế cho NKT” do Trung ương Hội hỗ trợ với tổng kinh phí là 100 triệu đồng nhằm giúp NKT có điều kiện thoát nghèo bền vững và hòa nhập với cộng đồng. Để dự án đạt được kết quả cao, hội đã chọn phương thức hỗ trợ là trao “cần câu” cho NKT, tức là tạo cho họ có được việc làm phù hợp với nhu cầu thực tế và điều kiện sức khỏe của bản thân.
 
2 mô hình được chọn để thực hiện gồm: hỗ trợ máy xe lõi lác và tiền mặt để mua nguyên liệu sản xuất ban đầu (4,5 triệu đồng/hộ) cho 10 hộ NKT nghèo ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) và hỗ trợ mua bò nái giống (6 triệu đồng/hộ) cho 10 hộ tại xã Mỹ Thuận (Bình Tân). Qua đánh giá bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo thu nhập ổn định và tạo niềm tin cho NKT.
 

Xoa dịu khiếm khuyết

Hình ảnh chú Nguyễn Văn Thanh (66 tuổi) bán vé số với nụ cười hiền, phúc hậu đã trở nên quen thuộc với mọi người khi đi siêu thị Co.opmart.

Chú tâm sự: “Chiến tranh đã cướp đi đôi chân của chú, trước chú cứ quẩn quanh ở quê nhà (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) với đôi ghế ngồi lê lết. Con cái lớn rồi mà mình thì tàn phế, không phụ hợ được gì, tấm tức lắm. Rồi chú được tặng xe lăn, chú liền lấy vé số về bán.

Bán ở quê không được là bao, chú lên TP Vĩnh Long bán dạo ngày cũng kiếm được sáu, bảy chục ngàn”. Không mưu sinh đơn độc, vợ chú- cô Nguyễn Thị Ngọc Nga- lên Vĩnh Long thuê nhà để lo cơm nước, chăm sóc cho chú.

Chú tâm sự: “Vợ chồng già hủ hỉ cũng vui. Tuy tật nguyền không lao động được như người khỏe mạnh nhưng chú luôn lạc quan để sống vui khỏe. Có sức khỏe mới đi bán để không là gánh nặng cho vợ con”.

Bà Lê Thanh Xuân cho biết: Đối với NKT, việc tham gia lao động không chỉ tạo nguồn thu nhập, nuôi sống bản thân mà qua đó còn giúp họ tìm thấy niềm vui trong công việc, trong cuộc sống, là cơ hội để khẳng định giá trị bản thân và hòa nhập cùng cộng đồng.

Năm 2013, Hội Bảo trợ NTT-TMC-BNN tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện tốt nhất cho NKT còn khả năng lao động được học các nghề thủ công như: cắt tóc, đan thảm lục bình, đan túi xách nylon, xe lõi lác, buôn bán nhỏ, chăn nuôi…

Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ về vốn, phương tiện sản xuất, phương tiện di chuyển để NKT có điều kiện phát triển ngành nghề, tự lực vươn lên trong cuộc sống.


Hà Em cắt cỏ, cho bò ăn giúp cha mẹ.

Trong năm 2012, tỉnh Vĩnh Long có nhiều chương trình từ thiện giúp NKT vượt qua khó khăn, hòa nhập vào cộng đồng. Hội Bảo trợ NTT-TMC-BNN của tỉnh đã vận động phẫu thuật thay thủy tinh thể cho gần 1.300 người mù, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho 130 NKT vận động, tặng trên 860 xe lăn, xe lắc; lắp 46 chân giả cho NKT; xây 15 nhà vệ sinh cho NKT;… với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

Chương trình “Thần tài gõ cửa” là chương trình được khán giả yêu thích nhất hiện nay của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long- đã giúp đỡ trên 40 người nghèo chẳng may bị khuyết tật, có tay nghề và ý chí lao động cần cù, biết vượt lên gian khó với số vốn từ 30- 40 triệu đồng để phát triển tay nghề. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long đã vận động gây quỹ trên 1 tỷ đồng giúp đỡ trên 2.600 nạn nhân.

Những chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn này mang đến niềm vui, ước mơ cho những người nghèo khuyết tật vốn chịu nhiều thiệt thòi sẽ tự tin hòa nhập vào cộng đồng.

 Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG