Thương mại hóa các sản phẩm công nghệ xử lý chất thải y tế

Cập nhật, 06:32, Chủ Nhật, 31/03/2013 (GMT+7)

Làm gì và làm thế nào để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải bệnh viện gây ra đang là vấn đề đáng quan tâm của ngành y tế. Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, đã đưa ra một số sản phẩm góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

 Kiểm tra dây chuyền xử lý nước thải tại Bệnh viện Quân dân y Ðồng Tháp.

Xử lý ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng ở bệnh viện lâu nay có không ít đơn vị, công ty tiến hành.

Ngay Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) đã có hai, ba viện cùng tham gia, nhưng đưa các kết quả nghiên cứu thương mại hóa thành công các sản phẩm, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm khu vực bệnh viện không phải nhiều.

Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, Phó Viện trưởng Công nghệ môi trường cho biết: Khoảng năm năm trở lại đây, nhất là năm 2012, Viện đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và sản phẩm cho một số ngành và địa phương. Trong đó chiếm phần lớn là các thiết bị phương tiện phục vụ xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng hệ thống bệnh viện trong cả nước.

Với các loại công suất từ 5 kg đến 20 kg/ mẻ, lò đốt chất thải rắn độc hại VHI-18B do Viện Công nghệ môi trường thiết kế sản xuất, đến nay đã có gần 60 bệnh viện và cơ sở công nghiệp chế biến trong nước sử dụng.

Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên giải thích: Lò đốt VHI-18B, áp dụng nguyên lý đốt đa vùng đang được sử dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới. Chất thải rắn y tế được đưa vào buồng đốt sơ cấp, duy trì ở nhiệt độ từ 500oC đến 800oC. Không khí được cấp bằng biện pháp cưỡng bức cho quá trình đốt thiêu hủy.
 
Khói bốc lên từ buồng đốt sơ cấp, (rác cháy chưa hết, chứa nhiều bụi và chất độc hại) được hòa trộn với không khí theo nguyên lý vòng xoáy và được đưa tiếp vào buồng đốt thứ cấp.

Ở buồng đốt thứ cấp, các loại rác cháy chưa hoàn toàn (chứa cả đi-ô-xin và Fu-ran) tiếp tục được phân hủy và đốt cháy ở nhiệt độ cao (từ 1.050oC đến 12000C) với thời gian lưu cháy đủ lớn.

Tiếp đó khói từ buồng thứ cấp được đưa qua hệ thống xử lý khí thải để loại trừ bụi, kim loại nặng và các thành phần khí gây ô nhiễm khác như NOx, SOx, HCL, HF... Kết quả kiểm định của cơ quan chức năng cho thấy, khói sau khi xử lý không mầu, không mùi, không gây ảnh hưởng môi trường chung quanh và đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

Việc vận hành lò đốt cũng đơn giản, giá thành thiết bị chỉ bằng một phần ba hoặc 50% so giá nhập khẩu, cho nên năm năm trở lại đây đã có 30 bệnh viện tuyến huyện từ Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình đến Kon Tum sử dụng lò đốt rác thải y tế VHI-18B.

Nước thải bệnh viện là một nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì có hàm lượng hữu cơ, các vi khuẩn, vi-rút gây bệnh cao. Những năm qua đã có một số công nghệ xử lý nước thải bệnh viện như bể sinh học tiếp xúc hiếu khí, lọc sinh học ngập nước, công nghệ AAO... Tuy nhiên các công nghệ này đòi hỏi đầu tư cao, vận hành gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2010 đến nay, nhiều đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện và một số cơ sở sản xuất sữa hợp đồng với Viện Công nghệ môi trường để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải lỏng với các công suất từ 150 đến 360 m3/ngày đêm. Ðây là công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cải tiến cấp khí tự nhiên.

Lọc sinh học nhỏ giọt là loại bể lọc sinh học với vật liệu tiếp xúc không ngập nước. Nước thải được chia thành các màng nhỏ chảy qua vật liệu đệm sinh học và nhờ các vi sinh vật phân hủy hiếu khí có trên lớp màng vật liệu mà các chất hữu cơ trong nước thải được loại bỏ.

Nước thải sau khi được xử lý sẽ được loại bỏ tách bùn trong bể lắp; sau đó được khử trùng bằng Natri hypoclorit (phương pháp điện hóa). Chất khử trùng Natri hypoclorit được điều chế từ nước muối.

Do sử dụng phương pháp xử lý sinh học diễn ra trong tháp dạng khí có thông khí tự nhiên, cho nên người sử dụng không phải sục khí bằng máy bơm như các công nghệ khác trước đây thường gây tiếng ồn, và có thể phát tán vi khuẩn gây bệnh ra môi trường.

Hệ thống thiết bị và vật liệu được sản xuất trong nước, cho nên việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc thay thế chi tiết khi cần được thực hiện một cách thuận lợi; chi phí vận hành thấp nên phù hợp với các bệnh viện có từ 300 đến 500 giường điều trị.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, chi phí giá thành phù hợp, Viện Công nghê môi trường mấy năm qua đã thi công, lắp đặt hàng chục dây chuyền công nghệ "lọc sinh học nhỏ giọt cải tiến cấp khí tự nhiên" cho một số bệnh viện và cơ sở công nghiệp chế biến thực phẩm trong cả nước.

Với chất lượng xử lý đạt QCVN28:2010 (mức A), suất đầu tư cho hệ thống khoảng 12 triệu đồng/giường bệnh (bằng 50% so định mức của Bộ Y tế và bằng một phần năm so công nghệ nhập khẩu), năm 2013, Viện Công nghệ môi trường tiếp tục lắp đặt thêm hàng chục dây chuyền công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp mới này cho các bệnh viện và cơ sở chế biến thực phẩm.

Theo NDĐT