Chấn hưng văn hóa- nhận thức từ gốc rễ, bên trong

Cập nhật, 10:09, Chủ Nhật, 28/11/2021 (GMT+7)

 

 Nền tảng gia đình góp phần làm nên nét văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: TRẦN PHƯỚC    Hình ảnh quê nhà luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người.  Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Nền tảng gia đình góp phần làm nên nét văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu hai ý: tâm thế xã hội quá coi trọng đồng tiền và vấn đề giáo dục đối với cuộc chấn hưng văn hóa. Nên soi rọi từ bản chất vấn đề mới có thể đi đến nhận thức cốt lõi, căn cơ của công cuộc chấn hưng văn hóa.

Khi Bác Hồ nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, cũng chính là Bác nói về cái hồn cốt, cái khí chất được hun đúc, kết tinh từ quá trình hàng ngàn năm của dân tộc. Trên nền tảng quan điểm đó, chúng ta mới có nhận thức rằng công cuộc chấn hưng văn hóa nó phải mang tính “xoay chuyển” tâm thế toàn xã hội.

Tức là cả một quá trình chuyển biến lâu dài từ ý thức tự hào quay về với những giá trị cội rễ của dân tộc làm cái nền móng, từ đó mới có thể tự tin hướng đến những giá trị mang tính nhân loại, toàn cầu nghĩa là dung nạp, tiếp thu cái mới một cách có chắt lọc.

Nếu những giá trị nền tảng của dân tộc bị lãng quên hay mờ nhạt, thì việc hội nhập có nguy cơ đổ vỡ, nói hình tượng là làm mới bên ngoài, cơi nới, lên tầng một lâu đài ngày càng to, càng đẹp mà không chú trọng gia cố nền móng, làm sạch bên trong vậy.

Do đó, mở đầu phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những tâm tư, tâm tình khi nêu ra những cuộc trò chuyện với các bạn sinh viên trẻ, rằng: “Sao xã hội ngày nay quá coi trọng đồng tiền”.

Hệ lụy của tâm thế đó đã diễn biến ngày càng phức tạp, ngày càng mang tính lấn át. Đương nhiên, một gia đình không thể hạnh phúc trong đói nghèo, một quốc gia không thể phát triển phồn thịnh khi trụ cột kinh tế quá èo uột.

Kinh tế, xã hội nhất định phải luôn luôn được phát triển, phồn vinh, nhưng vật chất không thể lấn át, che mờ đạo lý, chất nhân văn, nhân ái. Khủng hoảng kinh tế có thể phục hồi nhanh hoặc chậm, nhưng khủng hoảng văn hóa, đạo đức xã hội thì mất mấy thế hệ và dễ dẫn tới nguy cơ sụp đỗ. Ở góc độ nào đó, văn hóa không chủ yếu tạo ra tiền, nhưng văn hóa là nền tảng, là “bệ đỡ” cho toàn bộ hệ giá trị kinh tế- xã hội của một quốc gia.

Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nói văn hóa là nói đến con người mà xây dựng con người thì cần nhắc đến trọng tâm của giáo dục. Ý nghĩa giáo dục ở đây không phải chỉ là ngành giáo dục, cũng như ý nghĩa chấn hưng văn hóa dân tộc không có nghĩa chỉ là công việc của riêng ngành văn hóa.

Giáo dục phải nuôi dưỡng từ nền tảng của “nếp nhà”, từ ứng xử nhân ái, nghĩa tình ở xung quanh cộng đồng nhỏ, ra đến cái tâm thế chung của toàn xã hội, đất nước. Rồi được chăm bồi, phát triển trong môi trường giáo dục lành mạnh. Giáo dục con người có được sức mạnh nội sinh, thì sẽ vững vàng, có được “bộ lọc” khi đón nhận, tiếp thụ cái mới một cách bình tĩnh, chắt lọc tinh hoa. Tâm lý thần tượng lệch lạc, tâm thế trọng tiền hơn trọng tình của xã hội xuất phát từ gốc rễ giáo dục là như thế.

Một đứa trẻ đứng xếp hàng, từ chối bước lên trước khi nhận quà cứu trợ thiên tai, thì chắc chắn đứa trẻ đó phải được lớn lên trong một gia đình có văn hóa, có giáo dục chuẩn mực, trong một cộng đồng xã hội có văn hóa, giáo dục chuẩn mực. Mới thấy câu chuyện văn hóa không phải là chuyện “ngày một, ngày hai”, có thể dễ dàng “xoay chuyển” từ những phong trào văn hóa nào đó.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian nói về nếp nhà, về vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống và đọc bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính, đặc biệt là đọc thuộc cả bài thơ dài Việt Bắc của Tố Hữu. Đó là một trong những tác phẩm hay nhất viết về Bác, khắc họa trong hoàn cảnh “về xuôi” sau kháng chiến thành công, vẫn thủy chung nhớ thương vùng đất dưỡng nuôi, che chở cách mạng thuở ban đầu gian khó.

Hình ảnh quê nhà luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Hình ảnh quê nhà luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Trong hạnh phúc, sung sướng, không phụ bạc, quên lãng nghĩa tình. Đó chính là cái gốc của văn hóa dân tộc, cái gốc của con người Việt Nam. Trong khoảnh khắc hội nghị vỗ tay, vui vẻ, Tổng Bí thư đã hỏi: “Mọi người có thủy chung không?”- sự thâm thúy của câu hỏi là nhắc nhở bản chất con người, dân tộc Việt Nam không dễ dàng để cho vật chất lấn át đạo lý, nghĩa tình.

Bản chất, cội nguồn ngàn đời của dân tộc không thể nào mất đi đâu cả; nhưng hiện hữu nỗi lo là có sự “đứt gãy”, lu mờ trong giai đoạn nhất định. Sau 75 năm từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta “gióng lên tiếng chuông” cảnh tỉnh, khơi dậy cội nguồn, tự tình dân tộc, đồng lòng, quyết tâm cuộc chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mới thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, vững vàng bước vào cuộc hội nhập toàn cầu.

NGỌC TRẢNG