Bảo tồn di sản cho mai sau

Cập nhật, 06:56, Thứ Hai, 22/11/2021 (GMT+7)

 

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường với nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy di sản của tiền nhân.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường với nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy di sản của tiền nhân.

(VLO) Suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước cùng với quá trình lao động, sáng tạo, tổ tiên, cha ông ta đã để lại gia tài vô giá cho hậu thế. Việc bảo tồn, tiếp tục vun bồi di sản của tiền nhân là trách nhiệm, mà thiêng liêng hơn là sứ mệnh cao cả của hôm nay và mãi mãi mai sau.

Những giá trị vật thể, phi vật thể là niềm tự hào làm nền tảng lịch sử, văn hóa của dân tộc và sự nghiệp bảo tồn, phát huy vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài và liên tục qua từng thế hệ tiếp nối.

Đất nước, con người luôn tiến về phía trước, nhưng di sản là con đường dẫn dắt chúng ta trở về với nguồn cội tổ tiên.

Đó là gốc rễ, là bản sắc quốc gia, dân tộc và nó mang tính bao quát, bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống con người. Cho nên trách nhiệm gìn giữ, tôn vinh không thuộc về lĩnh vực, tổ chức nào, nó là câu chuyện của toàn dân.

Những nhà quản lý, những người có trách nhiệm về di tích, di sản ở Vĩnh Long nhiều năm qua đã làm rất tốt việc này, âu cũng là điều may mắn cho vùng đất từng là trung tâm lịch sử, văn hóa của phương Nam từ thuở đầu khai mở.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì hiện Vĩnh Long có 11 di tích cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích phi vật thể là lễ hội Lăng Ông Điều bát thống chế (Trà Ôn) và 55 di tích cấp tỉnh.

Mỗi một di tích được công nhận sẽ giúp cho việc chăm sóc, tôn tạo, giữ gìn thuận lợi, hiệu quả. Do đó, những người làm công tác khảo sát, nghiên cứu, đến xây dựng hồ sơ luôn đề cao tính trách nhiệm, khoa học nghiêm cẩn.

Mỗi một phát hiện, mỗi đề xuất mới sẽ góp phần vào việc cứu vãn những di tích thoát khỏi cảnh lãng quên và trở thành những phế tích. Nó đòi hỏi tầm nhìn chuyên sâu và cần những tấm lòng biết yêu quý những giá trị lịch sử, để có thể luôn giữ lửa nhiệt huyết, bền bỉ và thường là sự cống hiến thầm lặng.

Mỗi lần đứng trước di tích được công nhận và những di tích chưa được công nhận, tôi luôn cảm nhận sâu sắc về những người đang làm việc tích cực trên lĩnh vực này.

Mỗi khi chứng kiến lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử- văn hóa trên quê hương mình là bao nhiêu niềm vui xen lẫn tự hào. Và phía sau thành quả đó, mấy ai biết được những nhọc nhằn, công sức, trí tuệ biết bao người lặng lẽ.

Câu chuyện làm nhớ lại di tích chùa Minh Sư, mà trải qua hơn 15 năm trời dai dẳng, vì nhiều lý do mà cho đến nay vẫn chưa có hậu. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, đến hội thảo khoa học năm 2017 đi đến sự nhất trí đồng thuận cao, thì tới nay chúng ta vẫn chưa công nhận được di tích tầm vóc, quan trọng này.

Một khu phế tích cỏ cây rậm rạp nằm giữa lòng đô thị. Đứng trước di tích này, thế hệ mai sau sẽ nghe kể về những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng.

Đây là nơi diễn ra sự kiện lịch sử, kết nạp 3 thanh niên đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, từ đó dẫn đến việc thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Ngã Tư Long Hồ, còn gọi là “Chi bộ Ngã Tư”.

Và cũng từ đó, tổ chức Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Vĩnh Long ra đời vào tháng 8/1929, là nền tảng để tháng 2/1931, Tỉnh ủy Vĩnh Long đầu tiên được thành lập. Rồi những sự kiện qua hai thời kỳ kháng chiến.

Đó cũng chỉ là những nét tóm lược trong cả quá trình hình thành và gắn bó với tiến trình lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.

Còn nhiều vấn đề thú vị như liên hệ với phong trào Đông Du, những tác phẩm “Canh tân học luận” bằng chữ quốc ngữ, “Việt Nam Bửu giám” bằng chữ Nho của ông Ngô Hoằng Hóa để lại, cùng nhiều sáng tác thơ văn khác…

Minh chứng nhỏ để chúng ta cùng nhìn nhận và cảm nhận, sự nghiệp bảo tồn, phát huy cũng như tìm tòi, phát hiện để cứu vãn những di tích nó không hề đơn giản, nó không chỉ là câu chuyện của kinh phí, tiền bạc.

Hiểu thế để thấy rằng, trách nhiệm chung của tất cả những ai đang thừa hưởng, thụ hưởng gia tài quý báu của tiền nhân. Hiểu như thế để hôm nay và mai sau bớt đi sự nguội lạnh, thờ ơ với văn hóa, lịch sử dân tộc, trong khi nhiều, rất nhiều người trẻ lại dễ dàng vồ dập, tôn thờ những điều xa lạ tận đâu đâu.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG