Truyện ngắn

"Cô giáo ngoại"

Cập nhật, 10:00, Thứ Bảy, 20/11/2021 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

(VLO) 1. So với chị Ba, tôi và con Út thua đứt, từ khuôn mặt đến da dẻ, ngoại hình. Hai đứa tôi hay nói giỡn, hỏi mẹ chớ sao tụi con cùng mẹ cùng cha mà chị như thiên nga còn hai em như cóc ghẻ.

Tính ra mẹ rất “chịu chơi”, không giận khi mấy con giỡn hớt đâu nha, mẹ nói hồi đó leo núi, qua sông, “dô” đồng làm suốt. Hổng biết sao mà sanh con Ba đẹp dữ vậy. Mẹ nói xong cả nhà cùng cười.

Riêng chị Ba, mới cười xong đã trở nên u ám, nói bắt thương: “Cơ bản học hành nghề nghiệp chứ đẹp đẽ ăn ai”. Thấy chị nhanh chóng buồn rũ như vậy, tôi ái ngại vì câu đùa của mình bị hớ. Cả nhà đang huyên náo bỗng rơi vào nốt trầm, lặng im bối rối.

Hồi đó chị Ba học hết lớp 9 rồi nghỉ, chị nói học không vô nên ba mẹ cũng không ép. Nghỉ học, chị theo mẹ đi làm đồng nọ đồng kia, chân lấm tay bùn nhưng dậy thì ngoạn mục, chị thành “bông hậu” của làng.

Chị Ba lấy chồng. Trai tài gái sắc, đám cưới vui vẻ, ai cũng khen. Nhưng rồi nhanh chóng gãy gánh giữa đường. Anh rể vô sinh. Chắc vì quá thua buồn mà anh mất phương hướng. Anh bảo vợ chồng không con làm lụng chi, của nả mai mốt ai ăn.

Vì ý nghĩ đó mà bỏ dãi nhà cửa, nhậu nhẹt đàn đúm. Nếu vợ bày tỏ thái độ không muốn thì ảnh cự nự. Mâu thuẫn hết phương cứu vãn khi ảnh say rượu là đánh vợ. Đánh càng ngày càng nặng tay, chị Ba sau nhiều lần ôm tấm thân bầm giập về nhà mẹ, thì nộp đơn ly hôn.

Lấy anh rể thứ hai tuổi đã về chiều nhưng chị Ba liên tục sanh được hai thằng con trai. Anh Khiêm hiền lành, nhũn nhặn, tính rặt nhà quê nên chỉ biết làm và làm.

Nhưng khi thằng cu em được ba tuổi, anh tự dưng đổ bệnh, gánh nặng gia đình mình chị ôm hết. Mấy công ruộng, ít tiền để giành rồi cũng như hạt muối rớt giữa đại dương cuộc sống.

Thiếu trước hụt sau, mượn chỗ nọ vá chỗ kia. Khi hai nhóc đã lơn lớn, chị gửi bà ngoại, theo mấy “đồng nghiệp” của anh rể đi làm phụ hồ.

2. Tôi và con Út gọi mẹ là “cô nuôi dạy trẻ” từ ngày con COVID bắt đầu xuất hiện lác đác trong Sài Gòn. Chị Ba gọi điện bảo không ra khỏi công trình đang thi công được, nên chuyện về nhà với các con e chỉ là mơ ước.

Chiều nào chị làm xong, việc đầu tiên là gọi điện cho mẹ. Con gái gọi về cho mẹ nhưng cơ bản lo cho hai ông con vàng ngọc. Sợ nhất là con chuẩn bị vô năm học mà mẹ bị giam chân trong khu phong tỏa. Chị than, thằng nhỏ học xong mẫu giáo mà bảng chữ cái còn ất ơ, thằng lớn học hết lớp 2 mà đánh vần còn yếu ợt.

Chị hỏi mẹ trong xóm có cô giáo nào nhận kèm không. Mẹ nói thời cô vít này, có thầy cô nào dạy cua kèm mà học. “Phần tao có biết chữ to chữ nhỏ nào đâu mà chỉ. Thôi, học chữ nào hay chữ đó chứ đâu có nhét chữ dzô đầu được”- mẹ nói nghe mà thương!

“Phần tao có biết chữ to chữ nhỏ nào đâu mà chỉ”- mẹ nói vậy nhưng đâu thể ngó lơ với nỗi lo của con gái. Mẹ lúc nào cũng nói tội nghiệp chị Ba, so với tôi và con Út có công ăn việc làm, lương lậu ổn định- rồi cứ ngậm ngùi cho đứa con gái lớn. Mấy năm liền, hè nào chị cũng đem hai thằng nhỏ về gửi ngoại.

Hai thằng nổi tiếng nghịch ngợm, cả nhà ai chẳng biết chuyện chị Ba biết bao lần phải nổi điên, nổi quạu. Nên mỗi lần về nhà, thấy hai cháu mỗi đứa ngồi “phá” một góc, nhà cửa banh tành thì chị em tôi lo mẹ mệt, nhưng mẹ một hai nói không sao, cũng hơi mệt nhưng mà vui.

Mệt vì lo cơm nước, giặt giũ, dạy cái nọ, chỉ cái kia. Còn vui vì nhà lúc nào cũng rộn ràng. Ba thì than:

- Ba bà cháu, có thêm con vịt nữa thì thành cái chợ.

- Một cái chợ còn ít, lì kiểu tụi nó, không hét hô ai mà chịu được ? Phật trên bàn cũng lăn xuống hét chứ nói chi bà ngoại.

Hai thằng nhỏ chắc được ba mẹ hiếm muộn cưng nên hơi bị lì lợm thiệt. Tính bà ngoại rất nghiêm nên để đưa hai nhóc vào khuôn khổ, phải rất vất vả. Lúc bực hét um nhưng lúc cháu đang ngồi ăn thì bà ngoại cứ sờ đầu, nói nựng: Tội, nhỏ mà mẹ bỏ đi làm miết…

Chị Ba gọi điện về, nói vòng vo một chập cũng “về La Mã”. Chị kêu, mẹ ơi, mấy cháu còn nhỏ, học lớp một, lớp hai nên chắc bà ngoại cũng chỉ được… sơ sơ. Đứa lớn học chậm, trước nay kèm cặp mà còn yếu vậy. Còn thằng nhỏ thì sợ chữ nó cắn nên mới thấy mở sách là lắc đầu lia lịa.

Giờ học online, không có mẹ ngồi bên, chắc dốt quá!- Chị nói bằng cái giọng siêu rầu rĩ khiến người nghe cũng đâm lo, nhất là mẹ tôi.

Tôi nói chị yên tâm, phần học online của hai đứa nhỏ tôi sẽ về hướng dẫn- trẻ con học cách dùng điện thoại rất mau, và cả bà ngoại nữa- cách mở điện thoại cho cháu học. Tôi cũng nhận nhiệm vụ gọi điện cho hai cô chủ nhiệm, báo cụ thể tình hình của các cháu.

Dịch giã hoành hành, tôi là giáo viên nhưng bị rối loạn đông máu nên chưa thể chích ngừa. Tôi cũng muốn giữ gìn cho ba mẹ già nên không về thăm nhà luôn.

Chỉ định kỳ, cứ hai ba ngày tôi lại gọi điện một lần. Nhưng đầu năm học, phải làm giáo án, công văn, công tác đủ thứ, rồi lại chỉnh sửa theo yêu cầu giảm tải (cho phù hợp với tình hình dạy trực tuyến), thêm cái chứng đau lưng hành hạ nên khai giảng được hai tuần tôi mới gọi điện về cho mẹ.

Kinh ngạc chưa, tôi gọi điện về lúc đó chừng hơn bảy giờ. Mẹ bữa nay xài điện thoại thông minh coi bộ rất nhuyễn. Mẹ xoay điện thoại, quay cho tôi coi cảnh hai anh nhóc đang ngồi ngay ngắn học bài, rồi nói hổm rày, đêm nào cũng học dưới sự giám sát của “cô giáo ngoại”.

Mẹ kể sáng nào cũng ngồi bên cạnh cho hai nhóc học với cô giáo, bà ngoại cũng thành học trò luôn rồi. Buổi tối nhắc cháu học bài, cái gì nhớ thì bà ngoại nói lại, không nhớ thì thôi. Mở vở, bắt nhóc nhỏ tập tô rồi yêu cầu anh lớn làm toán, tập đọc.

Nói không biết chữ chứ mẹ cũng đọc được chữ cái và đánh vần… lâu lâu cũng được, giờ học online với cô nên cũng đủ sức chỉ nhóc nhỏ. Mẹ nói mà cười ha ha… Kệ, nó vô đầu được chữ nào được chứ giờ biết làm sao. Mắc cười nhất là ngoại và cháu ngồi học kề bên như “ đôi bạn cùng tiến”.

3. Sáng hôm đó, tôi bất ngờ vì nghe tiếng mở cổng nhà. Ủa, lúc dịch giã, làm gì có khách. Tôi lật đật chạy ra. Trời, mẹ đạp xe tới. Ôi, có việc gì mẹ cứ điện cho con, đạp xe đi đâu xa lắc xa lơ vậy không biết. Cái gì, sao mình mẩy lấm lem bê bết thế này?

Ôi, lại còn bàn chân cà nhắc nữa chứ. Tôi hỏi sao vậy, mẹ bị té sao, có sao không? Những câu hỏi dồn dập… Mẹ nói đang đạp xe đi thật chậm nhưng từ sau lưng, một cậu nhóc chạy xe đạp điện xô tới. Bà già ngã, thằng nhỏ chắc cũng sợ quá, chạy mất dép.

Tôi nhìn thấy bộ dạng đau đớn của mẹ thì hoang mang. Chết rồi, đang lúc dịch giã, phải bệnh đau nặng lắm mới vào bệnh viện chứ kiểu này biết làm sao.

Rụng một chiếc răng và ngón chân cái bị giập rồi. Trong lúc tôi còn đang mướt mồ hôi lo lắng thì chồng tôi đã dắt xe ra.

Anh bảo tôi ngồi sau ôm mẹ, ra chỗ bác sĩ Hưng. À, bác sĩ Hưng là con ông chú ruột, có phòng khám tư vẫn mở cửa phục vụ mà tôi hoảng quá không nhớ ra.

Bác sĩ Hưng khám, sát trùng, băng bó vết thương, xong xuôi chúng tôi đưa mẹ về nghỉ. Qua cơn hoảng hốt, chồng tôi hỏi mẹ có chuyện gì sao không gọi điện cho tụi con mà lại cùi cũi đạp xe đi. Mẹ ráng ngồi dậy, rướn qua bàn lấy cái túi xách, móc ra cái điện thoại.

- Bây chỉ mẹ cách gửi bài cho cô giáo. Thằng nhóc em bữa nay ghi chữ o tròn vo, ngay hàng thẳng lối. Mẹ muốn gửi cho cô giáo và mẹ nó xem mà không được.

- Trời ơi, thì gọi điện con về con hướng dẫn cho, nôn chi mà!

- Kệ, gửi cho cô giáo khen đặng nó mừng nó học!

Tôi cười như mếu khi thấy mẹ thiệt đau mà vẫn tươi cười sau khi đã làm được thao tác chụp ảnh, gửi bài online.

Chiều đó, đưa mẹ về là tôi gọi điện chị Ba liền- chị đang về quê theo những chuyến xe rước bà con ở Sài Gòn về của tỉnh. Thông báo chuyện các cháu đã có tiến bộ hơn. Hết cách ly thì về đón con, lo mà tri ân “cô giáo ngoại” đó nhe.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN