Truyện ngắn

Cung đường huyền thoại

Cập nhật, 05:24, Thứ Bảy, 08/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Khoảng nửa đêm, trăng thượng tuần vừa xuống khỏi chòm cây phía xa thì Đại đội 1 Thanh niên xung phong do Tùng phụ trách đã đến điểm tập kết hàng. 

Anh ra lệnh toàn đội tạm nghỉ. Những thùng đựng vũ khí, lương thực, thuốc men lần lượt được đặt xuống, kê tạm trên những thân cây tràm kết lại, cao hơn mặt đất ẩm ướt khoảng hai tấc.

Đôi vai của mỗi người như được giải phóng. Mỗi thùng hàng nặng khoảng đôi ba chục ký thôi, người khỏe thì vác thùng to, yếu hơn thì chọn thùng hai chục ký hoặc nhẹ hơn nữa.

Hai chục ký thì không nặng lắm, nhưng đi đường xa rồi mới biết, nó cứ cấn vào thịt, khứa vào da, rồi trọng lượng thì dường như mỗi lúc một nặng thêm theo khoảng đường xa đầy trắc trở. 

Đó là chưa kể người nào cũng phải thủ sẵn khẩu AK, lựu đạn, mấy băng đạn quấn quanh người. Thời gian gần đây, mỗi đại đội đều phải biên chế từ một đến hai tiểu đội chiến đấu, ngoài súng AK còn mang theo B40, B41, súng phóng lựu, M79, pháo cối 60, pháo 82 ly…

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Trước kia, thanh niên xung phong chỉ mang vác hàng là chủ yếu, nhưng từ ngày địch phát hiện được tuyến đường 1C này, chúng càn quét, bắn phá dữ dội.

Ác liệt không kém gì đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn hiểm trở. Đủ loại máy bay, đủ loại đạn pháo ngày đêm nổ rền trời.

Máy bay trực thăng thì quần đảo có khi suốt cả ngày, không đổ hàng ngàn quân tập kích thì cũng bắn phá dữ dội nơi nào chúng tình nghi có người.

Có những thời điểm tàu chiến của chúng ken dầy cả kinh Vĩnh Tế để ngăn đường vận chuyển vũ khí từ đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh về miền Tây Nam Bộ.

Anh em Đại đội 1 vừa vượt qua một đoạn đường nhọc nhằn, đầy khó khăn, người nào cũng cần nghỉ ngơi giây lát.

Thường là những tháng ngày cuối năm, tức là mùa nắng hoặc đầu mùa mưa, tải hàng rất cực, đường đi thì nước không ra nước, khô cũng không ra khô; chứ nếu khô ráo, đất tương đối cứng thì dùng xe trâu, xe bò, dùng cộ…; nếu ngập nước thì dùng xuồng; còn đàng này nó cứ nhão nhẹt, lầy lội, xăm xắp nước, chỗ khô, chỗ ướt, chỗ thì phải lội nước tới gối.

Thôi thì chỉ có nước đi bộ, rồi khuân vác hàng trên vai. Đại đội 2 xuất hiện kịp lúc để nhận hàng, mọi người mừng rỡ, chào hỏi rối rít.

Trong ánh sáng lờ mờ và những cơn gió lành lạnh lùa qua rừng tràm, cả hai đại đội có mười phút nghỉ ngơi trước khi giao và nhận hàng, họ không có thời gian nghỉ nhiều hơn. Chiến trường đang cần vũ khí trên những đôi vai chưa kịp tròn của anh chị em.

Đại đội trưởng Đại đội 2 nhắc nhở:

- Anh em nhớ lời tôi dặn, lội bộ khoảng hai cây số thì tới cánh đồng ngập nước. Chất hàng lên xuồng xong, chúng ta phải vượt nhanh qua cánh đồng đó trước khi trời sáng.

Anh chị em ngồi tựa trên những thân cây, có người phải ngồi xổm vì nước lắp xắp, tranh thủ nhai một nắm cơm khô với muối. Trong ánh sáng lờ mờ, anh Tùng-Đại đội trưởng- nhìn từng bóng đồng đội thân thương đang làm các động tác thư giãn, nghỉ ngơi.

Thu Đào- Đại đội phó- ở bên kia gốc tràm đang ngồi bệt trên lùm cỏ. Tùng và Thu Đào cùng quê ở Ngã Bảy- Hậu Giang, nơi sản sinh ra bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” bất hủ; lớn lên cả hai học chung trường ở Cần Thơ.

Thu Đào vừa hai mươi tuổi, nhưng là người lớn tuổi nhất trong số hai phần ba nữ của đại đội. Đại đội anh nữ đông hơn nam, em nào em nấy còn trẻ măng, có em tham gia lực lượng thanh niên xung phong khi mới mười lăm, mười sáu tuổi, có em phải trốn gia đình theo đơn vị.

Anh chị em tạm biệt quê hương, từ giã gia đình thân yêu, mái trường quen thuộc để dấn thân vào chiến trường. Mà đây là chiến trường đặc biệt của đoàn quân cũng thật đặc biệt, chiến trường kéo dài từ lộ Cái Sắn, Cà Mau đến kinh Vĩnh Tế.

Tùng nhìn từng người đồng đội để mà thương, mà cảm; bởi trên mười ngày nay, anh em tải hàng liên tục, mỗi ngày chỉ được nghỉ vài ba giờ. Gần phân nửa số quân lại đang bệnh.

Có người vừa bệnh, vừa đói, nhưng cũng ráng sức đến gục xỉu dọc đường. Như cách đây mấy hôm, có hai em đuối sức té gục xuống mương nước, may là có anh chị đi gần kéo lên kịp, cho nằm tạm trên một khoảng trống nhỏ đầy cỏ của mấy gốc tràm; rồi phải cử người ở lại chăm sóc…

Thời gian không nhiều, vừa nghỉ ngơi, vừa trao đổi tình hình trong thoáng chốc rồi hai đội tiếp tục lên đường.

Đại đội 2 vác hàng đi về phía Nam, Đại đội 1 nhanh chóng đến điểm tập kết hàng để nhận chuyến hàng mới, nếu đi liên tục không nghỉ cũng phải mất khoảng trên dưới mười tiếng đồng hồ mới tới điểm. Hôm nào có máy bay địch bắn phá hoặc pháo bầy, pháo dập thì thời gian kéo dài hơn.

Anh em cứ đi, và cứ đi giữa những lối mòn của rừng tràm thân thương. Cây tràm như những người bạn, người hùng bảo vệ lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường rực lửa.

Không có những cánh rừng tràm bạt ngàn này, khó mà hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực và các loại thuốc men, khí tài khác cho các chiến trường Tây Nam Bộ.

Đoạn này tương đối an toàn nên anh em vừa đi vừa nói chuyện cho đỡ buồn ngủ. Tùng kể cho anh em mấy kỷ niệm với chị Xuân thời còn ở Đại đội 2.

Hai năm trước, Tùng mới vào lực lượng thanh niên xung phong, còn chị tham gia trước cả năm. Quê chị tận Cà Mau, cuộc sống thuở nhỏ gắn liền với rừng đước, rừng mắm, với con sông Trèm Trẹm và những rừng dừa nước xanh mướt bạt ngàn. Đại đội anh hiện giờ cũng có gần hai mươi người quê ở Cà Mau.

Chị Xuân lớn hơn Tùng hai tuổi, sự từng trải và chịu đựng gian khó của chị khiến Tùng nể phục:

- Lúc mới vào thanh niên xung phong, mọi việc đối với anh đều lạ và mới cũng như mấy em bây giờ, không lường trước những khó khăn, hiểm nguy đang rình rập. Chị là người truyền lửa, là người hướng dẫn đầu tiên đối với anh.

Lúc đầu chị cũng rất bỡ ngỡ, nhưng rồi thích nghi nhanh chóng với mọi gian khổ. Chị kể có những lần, nhận hàng xong là 5 giờ chiều rồi phải quay về ngay trước khi trời sáng; tranh thủ ăn uống để lấy sức. Để rồi hôm sau lại phải gom xuồng đi tiếp.

Có những đợt cao điểm, các chị phải đi liên tục cả tháng để kịp tải vũ khí. Khi vác hàng, khi bơi xuồng, mưa nắng gì cũng phải đi, cả người lúc nào cũng ướt nhem ướt nhẹp.

Chuyện té xuống nước khi xuồng va chạm là chuyện bình thường, có ngày té cả chục lần. Quần áo không lúc nào được khô.

Theo như lời kể của Tùng thì đại đội nào cũng nếm trải những chuyện như vậy cả rồi. Bấy lâu nay, anh chị em cứ đi, hết mùa mưa rồi đến nắng. Mưa dầm thì lạnh và ướt, nắng gay gắt thì ướt đẫm mồ hôi.

Vai nặng, đường trơn mà vẫn cứ đi. Mùa nước, mỗi xuồng thường chở được từ ba bốn trăm ký vũ khí, đạn dược, gặp chỗ nước ít thì người đẩy, người kéo; có khi đẩy suốt năm sáu cây số mới đến chỗ có thể bơi xuồng được.

Bước chân của họ đã dẫm lên biết bao nhiêu bàu lung, lau lách sình lầy, biết bao nhiêu đồng cỏ, đưng, lác. Có những đoạn anh em vận chuyển phải trầm mình dưới nước, đẩy xuồng mà đi, quần áo bị cỏ gai cắt rách bươm, da thịt rướm máu.

Vừa trầm mình dưới nước đẩy xuồng, vừa quan sát tránh né phi pháo, toàn thân ướt đẫm ngày đêm. Cũng có những chuyến hàng, anh em phải lội bộ đẩy xuồng, người thì dùng dây kéo; gặp đoạn đất khô quá kéo xuồng không được, đành phải chất hàng xuống bờ đất rồi vác đi.

Chiếc xuồng trống nên nhẹ, kéo đi được; đến chỗ xăm xắp nước lại chất hàng lên xuồng, tiếp tục kéo đẩy. Cứ như vậy mà chất lên, rồi chất xuống cho kịp chuyến hàng.

- Còn chuyện này nữa, ai cũng ngán, nhưng không ai tránh khỏi, anh em biết chuyện gì không?

Một bạn lên tiếng:

- Anh muốn nói tới ghẻ lác chớ gì?

- Ờ, đúng rồi. Đố ai thoát khỏi cái đó.

Câu trả lời làm nhiều bạn chỉ nhớ tới thôi đã nổi gai ốc. Mình mẩy, tay chân đầy ghẻ lác. Chân thì bị gai đâm, cỏ bắc thì cắt trầy ngang, trầy dọc, đau rát, ngứa ngáy thành mủ, bùn sình bám vô khó chịu dữ dội. Nhiều khi để vậy cả ngày, nước còn không có uống nói gì đến nước rửa chân.

- Nhắc chuyện này vừa thấy ớn vừa thấy tội nghiệp mấy bạn nữ quá.

...

Phía Đông, trời ửng sáng, bầu trời một màu hồng tươi, nắng vàng xuyên qua những tàng cây lung linh huyền dịu. Phía trước là một cánh đồng trống trải đầy cỏ và bụi cây thấp.

Nếu đi ban đêm thì xuyên qua được, còn ban ngày thì phải vòng qua hướng Tây khoảng cây số để nhờ rừng cây che chở.

Một đồng đội chợt phát hiện một cây lạ, đây chính là “cây thu tiếng động” của quân đội Mỹ. Cây này đã gây nhiều thiệt hại cho lực lượng thanh niên xung phong trong thời gian gần đây mà toàn đội đã được phổ biến phải cảnh giác. Anh hoảng hốt la lên như tiếng hét thất thanh:

- Tất cả lui ra khỏi khu vực này.

Anh nhanh chóng vô hiệu hóa cái cây rồi nhổ lên, vùi ngay xuống vũng bùn lầy gần đó rồi lật đật rút lui. Liền sau đó, có tiếng đạn pháo rít lên như gió bị xé toạc ra, rồi hàng chục tiếng nổ đinh tai, rung rinh cả rừng cây. Nhiều cây tràm bị gãy đổ.

Lẫn trong khói lửa và cây đổ, Tùng thấy hai đồng đội ngã xuống, anh đau đớn trong lòng, hét thật to bảo anh em rút thật nhanh. Đạn pháo nổ long trời, hết đợt này đến đợt khác, dồn dập, dồn dập. Nhưng hầu hết đại đội đã kịp rút ra khỏi tọa độ lửa do “cây Mỹ” chỉ điểm.

Nhiều mét vuông rừng tràm bị gãy đổ tan hoang. Pháo vừa dứt thì hai chiếc máy bay trực thăng bay đến quần đảo bắn phá, phóng pháo dữ dội vào khu vực xung quanh.

Những cây tràm thân to gãy đổ ngang dọc vô tình làm chỗ trú ẩn an toàn cho anh em. Tùng nấp thật kỹ dưới mấy tán cây. Chiếc trực thăng đang bay vòng trở lại. Một đồng đội đang bị kẹt phía dưới những tàng cây tua tủa, cầm khẩu CKC đẩy lên cho Tùng.

Tùng cầm chắc khẩu súng, đoán đường bay của chiếc trực thăng rồi chờ đợi. Chiếc máy bay hung hăng nã đạn, Tùng nín thở xiết cò; chiếc trực thăng trúng đạn bốc cháy, loạng choạng một đoạn rồi rớt ầm xuống.

Nhiều anh em không giấu được nỗi mừng vui, reo lên. Chiếc còn lại trút bừa một loạt đạn nữa rồi bay mất. Anh em trong đội đi tìm nhau. Tùng phổ biến nhanh:

- Địch không dễ chịu thua đâu, anh em cảnh giác. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu.

Đúng như nhận định, địch điều sáu chiếc máy bay đến ném bom. Xung quanh khu vực có cây thu tiếng động, bom bừa hết đợt này đến đợt khác. Tiếng bom nổ rung chuyển cả đất trời. Cả vạt rừng tràm xanh mướt giờ trở nên xơ xác, cây gãy đổ ngổn ngang.

Từ khi phát hiện ra tuyến đường 1C, địch đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn. Bọn Chỉ huy Vùng 4 biết rõ con đường này là “sinh mệnh” của chiến trường miền Tây, là vận mệnh của chúng nên đã dốc toàn lực đối phó, với đủ loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao.

Chúng đã huy động nhiều sư đoàn với nhiều binh chủng phối hợp, sử dụng đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại tràn ngập chiến trường.

Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế, Bảy Núi, Ba Hòn, Tám Ngàn, Cái Sắn, mà trung tâm là những cánh rừng với những địa danh như Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây,... đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Có những lần chúng đã phá hủy hàng chục tấn hàng, hàng chục tấn vũ khí của bộ đội.

Sau các đợt bom ác liệt, trên mười chiếc máy bay trực thăng với nhiều lượt bay kéo đến đổ quân. Địch quyết ăn thua đủ với lực lượng tải hàng để chặn đứng dòng tiếp tế đầy bất lợi cho chúng. Một trận đánh không cân sức, một bên là cả tiểu đoàn với đủ súng ống, trang thiết bị hiện đại, một bên không tới bảy mươi người với vũ khí cầm tay.

Tùng, Đào hội ý nhanh với các trung đội trưởng, nhanh chóng điều quân bố trí lực lượng chiến đấu.

Các chiến sĩ nấp vào các gốc tràm, thân tràm ngổn ngang theo dõi bước tiến của địch, khi nghe súng lệnh của Tùng thì nổ súng. Tốp quân đầu của lính Sư đoàn 9 đã vào tầm.

Loạt đạn đầu tiên của Tùng cũng là hiệu lệnh, các chiến sĩ đồng loạt nổ súng. Địch bị thiệt hại nặng ngay loạt đạn đầu, tốp chết, tốp bị thương nằm la liệt.

Chúng củng cố lại lực lượng rồi bắn trả quyết liệt. Địch sử dụng cả đại liên bắn như mưa. Những thân tràm, gốc tràm to khỏe, dù có ngã ngang ngã dọc nhưng vẫn đủ sức che chắn đạn thù. Địch tấn công hết đợt này đến đợt khác nhưng vẫn không tiến lên được.

Địch quá đông nên anh em phải sử dụng cả B40, AT tăng để chống lại. Chúng bị thiệt hại nặng nên cụm quân ra xa. Tùng nói với hai đồng đội:

- Thông báo cho anh em biết chuẩn bị đối phó với pháo.

Quả nhiên, địch tạm lui quân để dập pháo. Một số anh em bị thương và hy sinh trong đợt pháo này. Dứt pháo, địch lại tổ chức tiến công, quân rải dài trên trận tuyến. Trận đánh kéo dài, các chiến sĩ phải dè sẻn từng viên đạn; họ không phải là lực lượng tác chiến chuyên nghiệp như bộ đội nên trang bị không nhiều. Trận đánh giằng co kéo đến quá trưa thì địch đã lấn được vào rừng tràm. Chỉ huy Đại đội phân công một số chiến sĩ bám trụ cầm chân địch, số còn lại do Thu Đào chỉ huy, vừa tải thương binh vừa rút về tuyến sau để bảo toàn lực lượng. Địch có hai mũi thọc sâu vào trong, đội hình của thanh niên xung phong bị chia cắt làm ba. Hàng chục tên địch đang tiến đến, một chiến sĩ sử dụng súng phóng lựu bắn một phát, hàng chục tên địch ngã xuống, hướng tấn công của chúng tạm bị chặn đứng. Ở một hướng rút quân, Đại đội phó Thu Đào sử dụng B40 bắn vào một nhóm tiến công của địch, đạn trúng thân cây nổ tung, diệt gọn hàng chục tên.

Bác Hồ và các cháu thiếu nhi vui liên hoan văn nghệ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1969.  Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Trời chiều dần, rừng tràm tranh tối tranh sáng. Đến lúc này thì địch ra lệnh lui quân, chúng không dám mạo hiểm đánh đêm trong rừng. Máy bay trực thăng tấp nập như bầy chuồn chuồn đến chở số bị thương và bọn lính còn lại rút lui.

Anh em đại đội lạc nhau từng nhóm, người này không biết người kia ở đâu, sống chết ra sao. Tùng kêu tìm đồng đội. Có tiếng trả lời, anh chạy lại, thấy Hải đang ngồi cạnh Hương. Hương bị thương nặng nằm thoi thóp, mình mẩy đầy bùn sình nhem nhuốc. Hải nói:

- Hương bị đạn bắn gãy nát chân trái, một viên trúng ngay mình, đạn còn nằm trong xương sống.

Hải đã tạm lấy mấy miếng vải dù quấn ngang qua lưng, bụng và chân. Việc của hai người hiện giờ là cấp tốc chuyển Hương về trạm xá dã chiến. Khẩu súng của Hương đã hết đạn chứng tỏ Hương đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Hai người bẻ, cắt những nhánh tràm lớn nhỏ buộc lại làm thành một cái cáng, lột vỏ tràm lót lên. Trạm xá nằm trên đường vận tải hàng. Nhưng bây giờ không biết ở hướng nào, cách đây bao xa. Phải hình dung lộ trình từ sáng đến giờ, đi đâu, chạy đâu, đánh trận ra sao để đoán hướng. Sau khi thống nhất phương hướng, hai người cẩn thận khiêng Hương đặt lên cáng rồi khiêng đi. Người nào cũng loạng choạng vì đói và mệt, nhưng tình thương đồng đội như thương một đứa em gái bé bỏng tạo thêm sức mạnh cho họ.

Mò mẫm đi tới nửa đêm thì hai người kiệt sức, không cất bước được nữa, đành đặt võng xuống nghỉ. Chỗ nghỉ gần bìa rừng, có bãi đất trống xăm xắp nước kề bên. Vậy là có nước uống, Hải cầm bình vịn từng thân tràm ra mé nước. May mắn làm sao, dưới nước có cả rau muống, Hải ngắt một mớ đem lên. Hai người uống vài ngụm nước rồi ăn rau muống cầm hơi. Tùng mò trong thắt lưng, còn một nắm cơm duy nhất, anh bẻ làm hai chia mỗi người một nửa. Hương vẫn nằm thiêm thiếp, vẫn thở nhưng không cựa quậy, nhúc nhích gì. Nhìn người đồng đội tuổi chưa tới hai mươi đang chịu đau đớn, mà anh em không biết phải làm sao cứu giúp, chỉ biết cố gắng khiêng về trạm xá; lòng người nào cũng đau như xát muối. Hương cùng xóm với Hải, ở vùng quê mía Tam Bình (Vĩnh Long); cả hai cùng tham gia lực lượng thanh niên xung phong một ngày. Hương và Hải đều có người thân hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Tùng và Hải ngồi bệt xuống cỏ, tựa lưng vào thân tràm tạm nghỉ.

Gần bên bãi đất trống, có một cây tràm lớn, cao to khoảng năm, sáu mét gì đó, thân bị xé toạc mấy chỗ vì đạn. Nhìn cây tràm, Tùng nhớ lại một chuyện đau lòng xảy ra cách đây khoảng hai năm, cũng kề bên gốc tràm này. Mỗi lần đi ngang nhìn thấy, anh lại ra nước mắt. Câu chuyện như một tia chớp lướt qua thật nhanh trong đầu của anh. Lúc đó, anh thuộc Trung đội 2 của Đại đội 2. Thời kỳ này, địch càn quét bắn phá dữ dội, đổ quân phong tỏa khắp nơi, việc tiếp tế lương thực cho lực lượng thanh niên xung phong vô cùng khó khăn. Có nhiều trường hợp anh em hy sinh khi đi mua gạo cứu đói. Nhiều khi chỉ đủ gạo nấu nồi cháo cho cả chục người ăn. Thành ra, anh em tận dụng những gì có thể ăn được thì ăn để duy trì sự sống mà làm nhiệm vụ. Nếu đào được củ sắn, củ khoai hoặc bắt được con cá, con tép thì quá quý. Nhiều lúc anh em phải ăn rau muống, cù nèo trừ cơm, rồi ăn cả củ môn, củ chuối, đọt giác; lắm lúc kẹt quá ăn luôn cây chuối nước. Nước thì không hợp vệ sinh, lại ăn uống như vậy nên rất nhiều người bị bệnh tiêu chảy, bị đau bụng; có thuốc uống thì tạm đỡ, nhưng nhiều khi không đủ thuốc để uống. Anh em mất sức, tay chân bủn rủn, lắm lúc đi còn không nổi nói chi vác hàng. Thỉnh thoảng gặp được mật ong rừng thì anh em lấy ăn cho đỡ đói, sức khỏe được cải thiện mà lại trị được bệnh đường ruột. Vì vậy, trên đường đi nhìn thấy mật ong, anh em cố gắng lấy cho bằng được.

Lúc đó, trên cây tràm này, có mấy nhánh đâm thẳng ra, có một tổ ong thật to; đang lúc đói vì thiếu gạo, anh em quyết lấy cho được tổ ong để bồi dưỡng. Mấy em bắt chước đàn anh, lột vỏ tràm bó thành đuốc, rồi lấy ống quẹt đốt. Một em ngậm trong miệng leo lên bẻ nhánh cây gạt cho khúc mứt trong tổ ong rớt ra. Một số anh em đứng dưới đất trải vải cao su ra hứng. Nhưng đứa em chưa có kinh nghiệm, lại đang mất sức vì đói, nó gạt tới gạt lui mà khúc mứt chưa rớt, còn bầy ong thì túa ra đánh. Nó đau quá tuột nhanh xuống, mình mẩy bầm giập đầy máu me. Lũ ong rừng hung hăng nhào đến đánh loạn xạ. Anh em vừa chạy nhanh ra bãi cỏ vừa lấy mùng chung vô tránh ong. Lo chạy ong nên đâu ai còn nghĩ tới mối hiểm họa khác là kẻ địch hung hăng gấp ngàn lần. Lúc đó có hai chiếc cán gáo từ trường huấn luyện Chi Lăng bay dọc về, nhìn thấy bên dưới có người chạy lúp xúp, nó sà xuống bắn. Bọn chúng gọi thêm năm chiếc nữa. Cả thảy là bảy chiếc máy bay bắn phá dữ dội suốt mấy tiếng đồng hồ, khói lửa mù trời. Thời điểm này, anh em chưa được trang bị vũ khí nên chỉ biết chạy và núp. Trận đó, có mười ba em hy sinh, nhiều em bị cháy đen hết cả mình, thân thể không nguyên vẹn. Trung đội bạn được tăng cường đến để tìm thi thể anh em, tìm tới khuya mới đủ số. Đồng đội bó cao su đem chôn trong rừng rồi làm dấu để sau này đi tìm. Trong số anh em hy sinh, nhiều người chưa tới mười tám tuổi. Đó là một chuyện rất đau lòng, chỉ vì đói mà anh em phải thiệt thân như vậy. Chứng kiến tận mắt cảnh hy sinh của đồng đội, Tùng không thể nào quên được, nó sẽ theo anh đến trọn đời, mỗi lần nhớ mỗi lần ra nước mắt. Còn bây giờ, anh và Hải phải hết sức mình để cứu Hương.

Nghỉ ngơi giây lát, chưa kịp khỏe, hai người lại tiếp tục khiêng Hương đi. Phải liều mình băng qua bãi đất trống. Nửa đêm, trăng non đã lặn xuống những tán cây đầy bóng tối ngoài xa. Đoạn này thật nguy hiểm nếu máy bay địch phát hiện. Bởi thỉnh thoảng ban đêm, trực thăng cũng soi đèn lùng sục tìm kiếm. Dù mệt, nhưng cả hai đều quyết tâm vượt qua bãi đất trống lắp xắp cỏ, gai và nước, mặc cho gai đâm đau buốt rỉ máu từ đầu gối trở xuống. Một giờ sau, họ đến rừng cây, vừa đặt cáng xuống, hai người nằm vật xuống cỏ rồi thiếp đi vì quá đuối sức.

Những tia nắng ban mai vàng rực rỡ soi xuống bìa rừng, vài tiếng chim hót lạc lõng buồn thương, hai anh em tỉnh dậy. Nếu như những buổi sáng bình thường thì màu nắng này đẹp biết bao, nhưng bây giờ thì không ai còn lãng mạn được nữa. Hai anh em cố gắng ăn miếng rau muống, uống miếng nước đìa cầm hơi rồi khiêng đi tiếp. Họ đã đi đúng đường, nếu không có gì trở ngại thì không đầy nửa ngày sẽ tới trạm xá. Trên đường đi, gặp vài ba anh em cũng đang tải thương binh về trạm. Qua tin tức từng nhóm báo lại, đại đội có mười hai anh em bị thương và hy sinh, phần lớn là do bom và đạn pháo.

Hương vẫn nằm thiêm thiếp, em như đang chịu nỗi đau tột cùng. Lúc đặt cáng xuống nghỉ, Hải ngồi cạnh Hương nói nhỏ động viên: “Cố lên em ơi, gần tới rồi” dù không biết Hương có nghe hay không. Cuối cùng thì cả nhóm cũng tới được trạm xá, gặp thêm hai nữ cứu thương của đại đội tham gia trận đánh hôm qua cũng vừa dìu thương binh tới. Nhưng trước mắt mọi người là cảnh tan hoang, trạm xá đã bị nổ tung và đốt cháy. Mấy cái giường kết bằng thân tràm bị gãy vụn, cháy xém loang lở đầy than đen. Anh em còn đang ngỡ ngàng thì hai cô gái mặc áo bà ba đen xuất hiện. Họ nhận ra Cúc và Thủy- y tá của trạm. Không kịp nói với nhau lời nào, cả hai đặt súng xuống rồi mở thùng sắt đựng dụng cụ y tế chăm sóc ngay cho thương binh, người còn khỏe thì phụ trợ. Cúc tiêm ngay cho Hương một mũi thuốc khỏe và một mũi thuốc hồi sinh. Hương mở mắt nhìn mọi người, đôi môi khô như muốn mấp máy điều gì đó nhưng không ra lời. Em lại đang bị sốt, người nóng bừng, tình hình rất xấu. Cúc lấy chai nước biển truyền ngay cho Hương; Hải ngồi kề bên cầm cái chai. Rồi em lấy bông băng và chai oxy già để rửa các vết thương. Những vết thương trên chân của Hương hơn một ngày lẫn trong bùn đất và máu, bây giờ đã bốc mùi. Tình hình này chỉ sơ cứu mà thôi, trước sau gì cũng phải phẫu thuật, còn chân thì có khả năng phải cắt bỏ. Vừa băng rửa các vết thương, Cúc vừa kể lại cảnh tan hoang của trạm xá. Thì ra bọn biệt kích địch đã phát hiện trạm xá nên đổ quân bắn phá. Các chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa tải thương binh của trạm về nơi an toàn. Trong số các y tá ở đây, một người đã hy sinh, riêng Cúc và Thủy thì bám trụ chờ nhận thương binh. Kho hàng của Đại đội 1, Đại đội 2 cách đây khoảng ba cây số cũng bị địch tập kích. Dường như có nội gián chỉ điểm, địch mới biết nên tổ chức tấn công cùng một ngày. Hai tiểu đội giữ kho hàng đã chiến đấu quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch bảo vệ kho hàng.

Sơ cứu cho Hương xong, lại phải khiêng tiếp về trạm Quân y của Liên đội. Một đồng đội cùng khiêng với Hải, còn Tùng ở lại để tập họp anh em, sắp xếp lại lực lượng. Cúc đi theo để tiện chăm sóc vì tình trạng thương tật của Hương quá ngặt nghèo. Đi được một đoạn, lại phải nghỉ giây lát. Cúc chích thêm cho Hương mũi thuốc hồi sinh để cầm cự, rồi tiếp tục đi. Nhưng khi chỉ còn cách trạm vài cây số thì Hương đã ra đi, em không còn đủ sức chịu đựng nữa. Hải nhìn người em, người đồng đội thân thương mà rưng rưng nước mắt. So với ngày còn ở quê, mưa nắng gian khổ vẫn không làm phai nước da ngọt như mật của cô gái quê mía Tam Bình, chỉ có mái tóc thì không còn tươi xanh đầy đặn như trước vì mấy trận sốt rét quái ác hành hạ.

Trong khi đó, Tùng đang cùng anh em che trại tạm cho số thương binh nằm lại; rồi anh cùng đồng đội về kho hàng. Kho hàng được di dời đi nơi khác để tránh địch. Đoạn này trước kia lầy lội và cây ken dày, nhưng anh em đã chặt bớt những cây tràm to bằng cườm tay trở lên, nhánh nhỏ nhánh lớn phủ xuống cho bánh xe bò lăn lên. Lâu ngày thành đường mòn, tiện lợi cho việc vận chuyển bằng xe trâu, xe bò, đỡ mất sức người mà lại chuyển được nhiều hàng. Nhưng bọn biệt kích đã bí mật gài trái nổ lúc tấn công kho hàng, vì vậy lúc dời kho, có mấy trái phát nổ khi bánh xe bò cán lên, hy sinh bốn người. Địch gài một chỗ ba, bốn trái nên tầm sát thương rất cao.

Ban chỉ huy các đại đội có liên quan đến kho hàng khẩn cấp họp kín, xem xét, cân nhắc kỹ từng tình huống để tìm tên nội gián. Cuối cùng, khi đã chốt được đối tượng, cử người theo dõi thì đã tìm ra, giao cho an ninh xử lý. Nội gián lắm lúc còn nguy hiểm hơn “cây thu tiếng động” của Mỹ bội lần.

Đại đội 1 vẫn còn năm người đi lạc chưa về, trong đó có Thu Đào. Tùng phải cắt cử hai người đi tìm. Mấy ngày sau tìm được năm em, người nào người nấy xơ xác, đói khát, quần áo rách bươm.

Đại đội được bổ sung quân số, tiếp tục chuyến hàng mới, không một ngày ngưng nghỉ.

*

* *

Câu chuyện chỉ phản ánh một phần nhỏ hoạt động của một đại đội thanh niên xung phong, với việc tải hàng và chiến đấu diễn ra trong thời gian hơn 2 ngày đêm.

Trong thực tế, lực lượng thanh niên xung phong từ khi hình thành đến ngày giải phóng năm 1975 đã hoạt động suốt 8 năm với trên 3.000 ngày đêm gian khổ.

Năm 1966 là thời kỳ cao trào cách mạng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, phong tỏa, đánh phá gắt gao nên việc vận tải vũ khí chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ gặp nhiều khó khăn. Phương tiện chiến tranh từ miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã về đến miền Đông Nam Bộ. Muốn chuyển các loại phương tiện này đến các tỉnh Tây Nam Bộ, phải cấp tốc tổ chức lực lượng vận chuyển. Lực lượng thanh niên xung phong và tuyến đường 1C ra đời trong hoàn cảnh đó.

Giai đoạn đầu có khoảng 500 quân; sau năm Mậu Thân 1968, các tỉnh bổ sung thêm, quân số được hơn 800 người, phần lớn là nữ.

Ngày đêm bám trụ trên tuyến đường máu lửa, các chiến sĩ đã đưa đón hơn 30.000 lượt cán bộ, bộ đội, thương binh, vận chuyển hơn 20.000 tấn vũ khí cùng hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men, đánh địch trên 200 trận. Gần phân nửa số quân đã nằm lại và được chôn cất rải rác ở các địa phương dọc theo tuyến đường, đến nay vẫn chưa quy tập được hết hài cốt.

Đường Hồ Chí Minh trên bộ không chỉ là con đường vượt Trường Sơn qua núi rừng hiểm trở; mà đó còn là con đường vượt qua đồng bằng với nhiều sông, kinh, rạch, ao, vũng, lung, đồng... Tuyến đường bị địch phong tỏa gắt gao, đánh phá ác liệt, nhưng vẫn không ngăn được bước chân của lực lượng thanh niên xung phong. Đôi vai và bước chân của họ đã góp phần cho chiến thắng chung của cả nước.

(Truyện được sắp xếp, kết nối từ những câu chuyện kể của các cựu Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C huyền thoại; tên nhân vật đã được thay đổi)

VĂN HIẾN VĨNH