Nguyễn Huy Thiệp- nhà văn lớn đặc biệt trong lòng tôi

Cập nhật, 06:03, Thứ Ba, 30/03/2021 (GMT+7)

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.Ảnh: TTXVN
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.Ảnh: TTXVN

(VLO) Cần có độ lắng để tôi có thể bày tỏ tình cảm, sự yêu mến và lòng tôn trọng của mình đối với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi lẽ, ông là nhà văn đặc biệt, rất đặc biệt trong lòng tôi, trong cuộc đời học tập và nghiên cứu văn chương.

Trong nỗi buồn đau về sự ra đi của ông, có điểm sáng như niềm vui lớn, đó chính là thái độ của xã hội đối với sự nghiệp văn chương Nguyễn Huy Thiệp.

Cũng chính thái độ xã hội đã từng đưa ông và những tuyệt phẩm truyện ngắn của mình rơi vào những dòng tranh luận nghiệt ngã… Nhưng giá trị văn chương đích thực thì vẫn luôn tồn tại với thế giới này.

Nhớ lại truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp ra đời năm 1987, đó cũng là năm tôi được vào ĐH Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Kể từ đó, tất cả những tờ báo, tạp chí nào có đăng tải tác phẩm hay những bài viết liên quan đến Nguyễn Huy Thiệp, tôi đều cố gắng lưu giữ lại trong cái rương gỗ.

Đến năm học thứ hai, tôi đã dần hình thành ý tưởng thực hiện đề tài tốt nghiệp của mình là nghiên cứu văn chương Nguyễn Huy Thiệp, nhưng bằng phương pháp khoa học nào thì chưa đủ kiến thức, cơ sở lý luận để hình dung được.

Bởi chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp là câu chuyện của năm cuối đại học và thường là khoa sẽ đưa ra đề tài. Trong suốt quãng thời gian đó, với tôi, sự đón đọc từng tác phẩm của ông như niềm hứng thú, mê đắm khôn cùng.

Mà lạ lùng, có những truyện ngắn đọc xong… chả hiểu gì nhưng vẫn thấy cuốn hút, vẫn thấy mê; mãi sau này khi soi rọi dưới ánh sáng “thi pháp học” mới có thể lý giải một cách tương đối thỏa đáng.

Tác phẩm “Tướng về hưu” xuất hiện như tiếng sét giữa thinh không báo hiệu có sự xuất hiện không bình thường giữa bầu trời văn chương có phần đơn điệu; dù đó chưa phải là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông nhưng đã cho thấy một giọng điệu lạ xuất hiện với bút lực mạnh mẽ khủng khiếp và người ta chờ đợi.

Nó như cơn mưa rào giữa trời khô khát, nên được sự quan tâm bàn luận của nhiều người, nó không bình thường nên tạo nên những kẻ yêu, người ghét.

Cho đến truyện ngắn “Muối của rừng”; “Những người thợ xẻ” và “Những bài học nông thôn”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đủ trình làng một gương mặt văn chương mang phẩm chất, giọng điệu riêng biệt hoàn toàn khác với phần còn lại.

Nhưng điều đặc biệt, Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn đa giọng điệu với tầm hiểu biết sâu sắc văn hóa, lịch sử nước nhà, độ kiến văn quảng bác đã tạo nên dòng chảy riêng trong toàn bộ sáng tác của mình với những thể loại đề tài khác lạ.

Và ngay trong mỗi tác phẩm, mỗi câu văn cũng đã thể hiện tính đa tầng, đa nghĩa đầy ẩn ý. Phải có năng lực văn chương khủng khiếp, mới có thể thực hiện đa phong cách một cách xuất sắc đến thế.

Có những giọng điệu êm đềm, tha thiết tràn đầy cảm xúc mượt mà; khi lại nén chặt câu văn đến độ cụt lũn; có lúc văn chương mang vẻ thô kệch, gồ ghề của trường phái Ba- rốc… nhưng ẩn chứa trong sâu thẳm là nỗi đau đời, trái tim run rẩy sẻ chia những số phận, sự thăng trầm của lịch sử, thời đại. Sự biến ảo kỳ quặc đầu tiên chính là trình làng chùm truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát”.

Nhưng phải đến khi xuất hiện chùm 3 truyện ngắn: “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” thì khác nào “giọt nước tràn ly”, đẩy dư luận phê bình đi “đến hạn”. Chính lúc này, tôi càng kính phục Nguyễn Huy Thiệp ở sự sắc bén, sâu sắc trong những bài viết bày tỏ quan điểm sáng tác và cá tính nhà văn.

Chính ông đã bàn rất sâu về các loại văn chương “Vương đạo” và “Bá đạo”, tính “sống hết” của nhà văn và “Có một nỗi cô đơn không thể sẻ chia trong tâm hồn nhà văn”.

Nó như một duyên may khi chính trong giai đoạn 1986 đến 1990 là lúc Nguyễn Huy Thiệp sáng tác sung sức, ào ạt như sóng biển; cũng chính lúc này lần đầu tiên “Thi pháp học” được đưa vào dạy ở Việt Nam.

Một phương pháp nghiên cứu văn chương hoàn toàn mới, do thầy Lê Tiến Dũng phụ trách. Đó là lý do tôi đề nghị thầy Dũng hướng dẫn luận văn tốt nghiệp với đề tài nghiên cứu văn chương Nguyễn Huy Thiệp dưới góc nhìn thi pháp học.

Đó là phương pháp nghiên cứu tác phẩm, tác giả mang tính định lượng, với hình thái gần với toán học xác xuất thống kê, trình bày mổ xẻ vấn đề thông qua tần suất của hiện tượng để tìm ra bản chất của văn chương.

Một nhà văn hoàn toàn mới và sử dụng phương pháp lý luận hoàn toàn mới, nên trong suốt quá trình thực hiện luận văn tốt nghiệp, tôi chỉ “làm việc” với đống tài liệu trong cái rương gỗ của mình và một giáo trình Thi pháp học; hoàn toàn chưa có công trình nghiên cứu nào hay tài liệu khoa học nào có thể vay mượn từ thư viện trường hay Thư viện Quốc gia, trừ quyển sách lý luận văn học “gối đầu giường” của N.A Gulaiep (Nga).

Nhưng cái “liều mạng” ở chỗ là chọn đề tài Nguyễn Huy Thiệp lúc đó, khác nào… nhảy vào chảo lửa của dư luận. Được trình bày luận văn sau cùng nên các thầy về ngôn ngữ, văn học dân gian đến dự rất đông, làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt.

Sau này thầy Dũng kể lại, vào hội đồng quyết định điểm, khi thầy Dũng “xuống tay” 10 điểm cho luận văn về Nguyễn Huy Thiệp- nó như một sự thách thức và tranh cãi kéo dài.

Cuối cùng thầy Trần Chút- Phó Khoa Văn- lúc bấy giờ phán một câu: “Chỉ có tối đa điểm 10, không thôi tôi đề nghị 11 điểm”. Vậy là luận văn của tôi “thoát chết”.

Đó chỉ là một kỷ niệm của riêng tôi, luận văn tốt nghiệp chỉ là một bước đệm khởi đầu để sinh viên ra trường tiếp tục con đường nghiên cứu. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đương đại Việt Nam duy nhất tạo cho tôi một nỗi đam mê đến mức ám ảnh văn chương; ngoài 2 nhà văn nước ngoài là Gabriel Garcia Márquez (Colombia) và Harưki Mưrakami (Nhật Bản).

Đã có nhiều đánh giá sâu sắc của những nhà phê bình nghiên cứu, những nhà văn lớn, có nhiều bài báo viết về Nguyễn Huy Thiệp trong mấy ngày qua, cá nhân tôi chỉ là nhắc nhớ những kỷ niệm nhỏ nhưng thể hiện một tình yêu lớn, sự tôn trọng một đời đối với ông- nhà văn lớn đặc biệt trong lòng tôi mãi mãi. Cũng như những tác phẩm của ông mãi mãi còn là niềm cảm hứng, nỗi niềm đam mê đến mức ám ảnh cho nhiều thế hệ yêu mến văn chương Việt Nam sau này.

NGỌC TRẢNG