Truyện ngắn: Tìm mình trong ký ức

Cập nhật, 09:08, Chủ Nhật, 28/03/2021 (GMT+7)

NGUYỄN LINH

Mặt trời xuống chậm nơi chòm cây xa tít cuối cánh đồng. Hai Nhớ trên đường đi thăm ruộng về. Ở cái tuổi trên sáu mươi, nghĩ về thằng con trai duy nhất tuổi chỉ mới mười ba và người vợ hiền thục đang chờ bữa cơm ở nhà, chú cười thầm trong niềm vui, hạnh phúc. Nhưng cái hạnh phúc hiện tại có thật sự là hạnh phúc? Chú lại nghe đầu mình ong ong: Mình là ai? Tên gì? Từ đâu tới?... Hàng loạt những câu hỏi đến bạc đầu mà vẫn chưa có lời giải đáp.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Không ai biết chính xác Hai Nhớ bao nhiêu tuổi. Hơn hai mươi năm trước, có một người đàn ông trung niên quảy chiếc túi xách, dáng phong trần tới xóm này. Ngó bộ dạng bỡ ngỡ, mọi người hỏi ở xứ nào, tên gì, bao nhiêu tuổi, anh lắc đầu ý nói hổng biết. Dân trong xóm thấy lạ, tưởng người bị bệnh tâm thần.

Nhưng không, anh ta rất tỉnh. Tuy nhiên, anh không biết gì về ký ức và khi nói chuyện thì hai, ba phần là tiếng Việt hơi lơ lớ, còn lại là giống tiếng Khmer. Mọi người nghĩ vậy vì các xóm ấp lân cận ở nơi này thỉnh thoảng có những sóc tập trung người Khmer sinh sống hoặc sống xen với người Kinh. Cho nên một số người dân ở xóm này nói được vài ba câu xã giao bằng tiếng Khmer là chuyện bình thường.

Ông già Bảy hỏi thử: “Xua sờ đây” thì đôi mắt anh ta sáng lên, chấp hai tay trước ngực theo thói quen đáp lại: “Xua sờ đây”. Ông Bảy lại hỏi tiếp: “Tâu na bòn?”, anh ta trả lời một hơi, dài ngoằng. Ông Bảy lắc đầu, cười: “Tao chịu thua mầy luôn!”. Biết mọi người không hiểu, anh ta cố gắng giải thích rành rọt từng chữ: “Tìm công việc làm”.

Cuối cùng, qua lời kể và sử dụng thủ ngữ, mọi người chỉ biết loáng thoáng anh ta ở một nơi rất xa. Nơi ấy, người ta không nói tiếng Việt và anh đã rong ruổi khắp nơi hy vọng tìm lại được người thân, quê quán của mình. Ông già Bảy thương tình xin ông từ chùa Ông cho anh ở nhờ nhà khói của chùa và hứa giới thiệu cho anh những công việc lao động chân tay.

Giúp người thì giúp cho trót. Thấy anh giỏi giang lại thiệt thà, mấy ngày sau, ông già Bảy chạy qua sóc ở xã bên rước về bà thím người Khmer, nhờ nói chuyện với anh ta mong rằng sẽ biết thêm điều gì đó để giúp đỡ người đàn ông kỳ lạ này.

Trao đổi qua lại mới có mấy câu, bà thím giật mình: “Í dà, chú em này chắc... là người bên Campuchia”. Thấy mọi người sửng sốt, bà giải thích: “Con gái của tui đi mần ăn bên Nam Vang cả chục năm rồi. Lâu lâu về thăm nhà, nó có dắt về mấy đứa bạn, tụi nó nói chuyện giọng y chang như chú em này luôn. Ở bển người ta nói một số từ lạ, hổng giống như tiếng của đồng bào Khmer ở đây, khó hiểu lắm!” Và sau khi nghe hết sự tình bằng tiếng Campuchia, thím thuật lại cho mọi người nghe cuộc đời của anh ta.

... Năm đó, anh còn rất trẻ, hình như là sau một lần bệnh rất nặng, kéo dài không biết bao lâu với cảm giác khi tỉnh khi mê. Đến khi tỉnh hẳn anh thấy mình đang ở trong một ngôi nhà rất lạ, những người trong nhà cũng lạ.

Ngày nào họ cũng hái lá rừng sắc thuốc cho anh uống và chăm sóc tận tình nhưng họ nói chuyện anh không hiểu gì cả. Anh nói tiếng Việt (lúc này anh chưa biết đó là tiếng Việt), người ta cũng không hiểu. Mà cũng lạ, ngay cả tiếng Việt anh cũng chỉ bập bẹ, không nhớ và nói được nhiều. Sức khỏe đã bình phục, dân trong làng giúp anh cất một căn nhà lá sát bìa rừng, học nói, học cách trồng trọt, chăn nuôi như bao người hàng xóm khác.

Hơn mười năm trôi qua, vốn tiếng Việt vốn ít ỏi không có dịp giao tiếp nên đã dần quên. Anh đã quen cuộc sống mới với những người dân nghèo mà giàu tình cảm nhưng cái ký ức trống rỗng rằng mình là ai, ở đâu,... khiến anh từ chối tình cảm của các cô gái. Anh không chịu lấy vợ.

Cuối cùng, anh xin phép mọi người ra thành thị làm ăn sinh sống. Từ đó, anh làm đủ mọi nghề, phiêu bạt khắp nơi. Anh muốn được tiếp xúc với nhiều người với hy vọng tìm gặp, dù rất mong manh một điều gì đó trong ký ức.

Một lần, chắc nhờ trời phật phù hộ đã đưa bước anh tới được biển Hồ-nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống. Họ nói được cả hai thứ tiếng cho nên sống với họ một thời gian, học tiếng Việt, tâm sự về hoàn cảnh của bản thân, anh chắc chắn rằng mình là người Việt Nam. Vì vậy, với vốn ngôn ngữ tiếng Việt còn ít ỏi nhưng anh đã nôn nóng tìm cách vượt biên giới đường bộ trở về Việt Nam. Dù không biết phải bắt đầu từ đâu nhưng anh luôn hy vọng một ngày nào đó bản thân sẽ biết được mình là ai, gốc gác ở nơi nào.

Nghe bà thím thuật lại hoàn cảnh, mọi người có mặt đều thấy mủi lòng. Ông già Bảy ứa nước mắt: “Cuộc đời của thằng này thiệt là... sao long đong, trắc trở y hệt trong tuồng cải lương hà! Con người ta mỗi khi xa quê, chỉ nghe hướng gió thổi thôi là đã nhớ nhà, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn đến héo ruột, héo gan.

Vậy mà... nó... Tao có thằng con trai, ngó mặt mũi, tướng tá tụi bây chắc cũng cỡ tuổi nhau. Năm nay nó vừa tròn bốn mươi, vậy mầy... coi như cũng bốn mươi tuổi luôn đi! Còn... cái tên gì đó ở Campuchia... mầy là người Việt Nam, thôi thì tao đặt cho tên mới, tên Nhớ, hy vọng một ngày nào đó mầy sẽ nhớ lại tên tuổi, quê nhà và nguồn cội tổ tiên.

Từ nay đừng đi đâu nữa, cứ sống ở đây, có gì bác (hay kêu bằng tía- tía Bảy cũng được) nhờ bà con phụ giúp một tay. Quan trọng là mầy nhớ được chuyện cũ. Không nhớ được, đi hoài kiểu này giống như mò kim đáy biển, con ơi!” Tuy không hiểu hết lời ông già Bảy nói, nhưng nhìn thái độ và tình cảm của ông và ánh mắt trìu mến của mọi người, anh lấy tay lau vội mấy giọt nước mắt và khẽ gật đầu.

Hơn mười năm sống ở Campuchia, mấy tháng trời rong ruổi ở miền Tây, cuối cùng thì anh đã có được cái tên Việt Nam là Nhớ mà sau này mọi người đều quen gọi Hai Nhớ. Ông già Bảy vận động bà con rồi xin ông từ cất nhờ phần đất sau chùa Ông cho Hai Nhớ một căn nhà nhỏ. Từ đó, anh đã bám trụ lại xứ này.

Cũng chính ông già Bảy là người đã đứng ra cưới vợ cho Hai Nhớ. Năm ấy, chú rể bốn mươi lăm tuổi, cô dâu bốn mươi hai, mồ côi, là gái lỡ thời, có tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm. Năm năm sau, dù muộn, nhưng kết quả của những tháng ngày hạnh phúc là thằng con trai bụ bẫm, dễ thương chào đời. Và nếu tính theo tuổi mà ông già Bảy “ban cho” thì cái anh chàng trung niên Hai Nhớ ngày nào đã trở thành chú Hai Nhớ, sáu mươi ba tuổi, mái tóc muối nhiều, tiêu ít vì nhiều đêm thức trắng, trằn trọc cố tìm mình trong ký ức.

Khuya, Hai Nhớ ra ngồi uống trà ở hàng ba, lại không ngủ được. Đã nhiều lần bao ký ức tưởng chừng đã ngủ yên theo năm tháng chợt bắt đầu tỉnh dậy. Mình là ai? Từ đâu tới? Không hiểu sao trong đầu chú cứ thoắt ẩn, thoắt hiện một căn nhà vừa lạ lại vừa quen, có hàng lu chứa nước, có con rạch ngoằn ngoèo trước cửa, có mấy đứa nhỏ hụp lặn đùa giỡn dưới rạch,... Cố nhớ thêm thì đầu óc bỗng trở nên trống rỗng. Có đêm chú chiêm bao thấy máu, thấy lửa cháy, tiếng người khóc,... chú kêu lớn, giật mình.

Ngày trước, khi mới đặt chân đến biển Hồ, nghe người ta trao đổi, tuy không hiểu rõ họ đang nói gì nhưng tim chú bỗng đập lùm bùm, lung tung như loạn nhịp trong niềm sung sướng rất khó lý giải. Linh tính như mách bảo giữa chú và họ có một sự liên quan rất mật thiết, thân tình.

Sau đó chú biết được họ là người Việt Nam và... chú cũng là người Việt Nam. Điều ấy đã thôi thúc chú dù chưa rành tiếng Việt nhưng đã tìm đủ mọi cách để trở về. Giờ đây, chú đã được sống trên đất mẹ, được nói tiếng mẹ đẻ.

Song... không có cách nào, không một manh mối nào, dù nhỏ. Nhiều lần đi thăm đồng, chân chú cứ bước vô hồn, quẩn quanh đến quên cả lối về. Nhiều, rất nhiều hôm chú nói dối vợ, khi thì đi đám giỗ nhà ông bạn xóm trên, khi lại nói có hẹn nhậu với ông bạn xóm dưới... để đi mà không biết phải đi đâu.

Có lẽ chú muốn đi tìm một căn nhà vừa lạ lại vừa quen, có hàng lu, có con rạch ngoằn ngoèo trước cửa, có mấy đứa nhỏ hụp lặn đùa giỡn dưới rạch cứ thỉnh thoảng xuất hiện trong giấc mơ chập chờn. Nhưng cả hàng trăm con sông, hàng ngàn con rạch- chỉ tính riêng ở miền Tây Nam Bộ này thôi- thì như ông già Bảy đã nói, giống mò kim đáy biển.

Và bao đêm chú Hai thức trắng thì vợ chú cũng đâu tròn giấc. Thím đang sống hạnh phúc bên người chồng chịu khó, thiệt thà, thương yêu vợ con. Nhưng lòng thím luôn xót xa vì hiểu được tâm trạng của người đầu ấp tay gối sống mà không biết mình là ai, sống mà chỉ biết hiện tại còn quá khứ thì mịt mờ. Hình ảnh những giấc mơ chập chờn, chắp vá chứa miền ký ức của chồng, thím không biết phải làm gì ngoài việc chia sẻ, an ủi bằng trái tim đồng nhịp của người vợ.

Ký ức của chú Hai đã dần hồi phục. Lúc đầu là loáng thoáng những cái tên của người thân, rồi đến những địa danh quen thuộc,... Góp nhặt những mảnh ký ức chắp vá, vợ chồng thím đã lặn lội đi tìm. Chưa bao giờ thím thấy chồng mình vui, hồi hộp và đặt nhiều hy vọng đến như vậy. Thím cũng vui, cũng hy vọng nhưng thật lòng trong thím đang ẩn chứa một nỗi lo mà chỉ có những người trong hoàn cảnh mới hiểu.

Cuối cùng thì Hai Nhớ đã tìm được chính mình, gặp lại người thân nhưng hạnh phúc ấy không trọn vẹn vì kẻ còn người mất. Chú tên thật là Bình- Lê Quốc Bình, sinh năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy, từng nhập ngũ sang Campuchia giúp nước bạn chống lại nạn diệt chủng và gia đình đã nhận được tin báo tử.

Chú nức nở bên bàn thờ có bức chân dung người liệt sĩ của... chính mình. Cha mẹ đã qua đời, chỉ còn lại anh chị và các cháu. Người anh thứ Hai đã bảy mươi bốn tuổi run rẩy như một người cha già ôm chặt đứa em út- Út Bình- vào lòng để thỏa nỗi nhớ nhung của mấy mươi năm xa cách mà tưởng chừng như đã tử biệt sinh ly.

Hai Nhớ ở lại để hội ngộ với bà con nội, ngoại, bạn bè và láng giềng thân thuộc. Thím trở về báo tin vui cho “tía Bảy”, hàng xóm rồi sắp xếp việc nhà để dắt thằng con trai đi nhận tổ tông.

Màn đêm buông xuống, thím Hai ra hàng ba ngồi đúng nơi người chồng tựa lưng trong những đêm không ngủ. Thím là người đàn bà thôn quê bình thường, yêu chồng, thương con, biết “hỷ nộ ái ố” chứ đâu phải thánh nhân. Làm gì? Phải làm gì cho đúng? Lòng thím đang rối như mớ bòng bong. Ông trời đã gây ra cảnh trớ trêu thôi thì thím đành phó mặc cho ý trời. Thím khóc.

Chú Hai đã có vợ trước khi nhập ngũ. Và... người đàn bà góa chồng, không con ấy bao năm qua vẫn... sống cô đơn trong ngôi nhà cũ để... chờ đợi... đến tóc đã phai màu. Cô đã tròn đạo dâu con, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng cho đến phút lâm chung. Nhìn cái dáng gầy gầy của người đàn bà đáng thương, vô tội, là vợ của chồng mình, thím khóc. Thím cũng có tội tình gì? Có mấy ai hiểu và xót cho hoàn cảnh của thím?

Do trời? Thím trách ông trời? Không phải! Chiến tranh! Bởi chiến tranh!