Truyện ngắn

Tiếng trống lân

Cập nhật, 06:09, Thứ Bảy, 30/01/2021 (GMT+7)

 

Múa lân, nét đẹp văn hóa không thể thiếu ngày tết.
Múa lân, nét đẹp văn hóa không thể thiếu ngày tết.

(VLO) Tùng phinh / tùng phinh / tùng phinh, tùng phinh, tùng phinh /

Tùng phinh / tùng phinh / tùng phinh, tùng phinh, tùng phinh /

Tiếng trống múa lân (bằng miệng) của ba tôi hàng ngày cứ vang lên đều đặn kể từ khi ông có đứa cháu nội đầu tiên. Ông vốn rất thương con, cháu. Khi đứa cháu nội được tròn tuổi là ông nhận trông cháu để con cái lo việc ruộng, vườn.

Ông không biết hát, còn hò, vè thì ông lại càng không. Ông dỗ cháu ngủ bằng cách riêng của mình. Chỉ hai tiếng “tùng phinh” mà ông ngắt nhịp đơn, nhịp ba lúc nhanh, lúc chậm, lúc cao, lúc thấp thành tiếng trống múa lân. Ông rất kiên nhẫn, miệng liên tục đánh trống cho đến khi nào cháu ngủ mới thôi.

Tôi nhớ tết năm tôi được tám, chín tuổi gì đó, tôi được ba dẫn đi xem múa lân bên đình. Nhà tôi ở cù lao, đình bên đất liền. Từ nhà tôi qua hai con sông rộng mới đến được đình.

Năm nào tết đến, đình cũng tổ chức múa lân, nhưng vì đường xa, đi lại khó khăn nên xóm tôi cũng rất ít người đi xem múa lân. Năm ấy ba nói dẫn tôi đi xem một lần cho biết. Trong lòng háo hức chờ đợi, tôi nghĩ múa lân chắc sẽ vui lắm đây.

Ba tôi chèo xuồng đến đình lúc trời mới vừa tờ mờ sáng. Nhiều người còn đến sớm hơn, bến sông đặc ken ghe, xuồng neo đậu. Ba xách giỏ trái cây mang theo cúng đình và dắt tôi lên bờ. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ đến nơi nào mà người ta đông đến vậy. Tôi nắm lấy vạt áo ba tôi vì sợ lạc.

Đập vào mắt tôi đầu tiên đó là cái cổng đình. Cổng có hai trụ cột to được vẽ hoa văn rất đẹp. Phía trên hai trụ là hai con lân bằng sành. Qua cái cổng là cái sân đình rộng thênh thang, được lót gạch sạch sẽ. Trước sân đình có hai tượng voi khá to giương cặp ngà trắng nhọn hoắt.

Mái đình lợp bằng ngói, bốn góc uốn cong như cây đao. Trên nóc đình chạm hai con rồng to và dài. Bên trong đình có nhiều cột gỗ tròn, to, thẳng tắp (hèn gì người ta thường ví to như cái cột đình), chính giữa có bàn thờ, thờ một vị thần (ba tôi nói là Thành Hoàng). Ba tôi đặt trái cây lên bàn thờ, đốt nhang vái lạy, tôi cũng bắt chước làm theo.

Một hồi trống vang lên, tôi thấy mọi người kéo về tụ tập trước sân đình. Họ bảo nhau là chuẩn bị múa lân, múa sớm để thôi nắng gắt thì người múa lẫn người xem đều mệt.

Mọi người chen nhau để được đứng trước xem cho rõ hơn. Bọn trai trẻ thì trèo lên những nhánh cây xung quanh đình, ngồi vắt vẻo xem chừng vừa ý với cái vị trí đó lắm, vì ở trên cây thoải mái, không phải chen lấn. Một vài người mặc áo dài khăn đóng, đứng ra sắp xếp, ổn định đám đông.

Họ bố trí cho trẻ nhỏ ngồi phía trước cho dễ thấy, người lớn thì lùi lại phía sau, nhưng phần đông trẻ em không dám rời ba mẹ nên cũng đứng ngồi xen kẽ chứ không trật tự lắm.

Ba ẵm tôi đưa lên vai, ba tôi cao gần mét tám, tôi ngồi trên vai ba cao thêm một chút nữa, nên dù ba tôi đứng ở cuối sân tôi vẫn không bị che khuất tầm nhìn.

Tiếng trống, tiếng chiêng bắt đầu vang lên. Ông Lân, ông Địa và ông Tề Thiên xuất hiện. Mỗi ông có một cách biểu diễn riêng nhưng có lẽ ông Địa được trẻ con chú ý nhiều nhất.

Nhìn hình dáng ông Địa là đủ vui mắt rồi, cái bụng to tròn, luôn phe phẩy cái quạt để đi chọc phá ông Lân, thỉnh thoảng còn sà vào đám đông bẹo má trẻ con làm chúng hoảng sợ la chí chóe.

Ông Tề Thiên thì tay, chân không ngừng nghỉ, ông xoay cây thiết bảng một cách điệu nghệ, vừa xoay, vừa tung lên cao, vừa đón chụp mà không trật cái nào.

Ông Lân nổi bật nhất trên sân, ông có bốn chân và cái đầu rất khác lạ. Ông múa rất hay, lúc cao trào mọi người thót tim tập trung xem ông trèo lên cây cao để lấy tiền lì xì.

Túi tiền được treo cao để thử thách tài nghệ của ông Lân. Khi ông Lân chạm được túi tiền thì mọi người thích thú, vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.

Mặt trời đã lên cao, buổi múa lân cũng kết thúc. Mọi người tản ra về, gương mặt ai cũng hả hê, tươi rói. Ba tôi cũng đã mỏi vai nên thả tôi xuống đất, dắt tay tôi đi chầm chậm. Vừa đi ba vừa hỏi:

- Vui không con?

- Dạ vui ba!

- Trong ba ông: ông Lân, ông Tề Thiên, ông Địa, con thích ông nào?

- Dạ, con thích ông Địa!

Vừa dứt tiếng, một bàn tay từ phía sau đưa tới trước nựng cằm tôi:

- Thích ông Địa hả?

Quay lại, tôi thấy ông Địa to đùng, cái bụng to như cái trống, cái mặt bự tổ chảng, tay cầm cây quạt to đi sát bên tôi. Rồi ông đi nhanh lướt qua tôi, nhưng chợt nhận ra người quen, ông đi chậm lại hỏi lớn:

- Chú qua đây sớm hông chú Tám?

Ba tôi hỏi lại:

- Bây là đứa nào mà biết chú?

- Con là Út Chót, con ông Hai trại mộc ngoài vàm nè chú!

Ông Hai trại mộc với ba tôi là bạn tri kỷ. Mỗi lần có việc phải đi qua sông, ra tới vàm, nếu thấy sóng to, gió lớn là ba tôi đậu xuồng dưới bến, lên nhà ông Hai chuyện vãn đến khi trời êm ba tôi mới đi tiếp, nên những người con của ông Hai đều biết ba tôi.

- À, Út Chót hả? Chú qua đây lúc trời mới vừa hừng sáng. Bây vô đoàn múa lân lâu chưa?

- Hai bữa trước thằng Tư ông Địa đi ruộng đạp dây chì gai bị gỉ sét, vết thương làm độc, nó mượn con làm thay. Gì chứ làm ông Địa thì dễ, con nhận liền, chứ kêu con làm ông Lân hay Tề Thiên là con từ chối rồi.

Nói rồi, ông Địa đưa tay nựng cằm tôi lần nữa. Tôi sợ quá, hai tay bấu chặt chân ba, mếu máo:

- Ba ơi! Đi dìa lẹ lên ba!

Ba ẵm tôi lên, trấn an:

- Ông Địa cũng là người ta thôi, có gì đâu mà con sợ.

Tôi giấu mặt vào vai ba không dám nhìn ông Địa, miệng hối thúc ba về nhanh. Thấy tôi sắp khóc tới nơi, ba tôi nói:

- Bây gỡ cái mặt nạ ra cho nó hết sợ coi Út Chót!

Ông Địa gỡ cái mặt nạ cầm tay, kéo tay áo chậm chậm mồ hôi trên mặt, vuốt lại mái tóc, miệng nở nụ cười thật tươi. Mặt tôi vẫn giấu trên vai ba, nhưng mắt tôi hí hí nhìn trộm ông Địa.

Thì ra, ông Địa cũng là người bình thường mà, còn trẻ giống như anh Ba của tôi thôi. Đó là lần đầu tiên tôi xem múa lân và vén được “bí mật” ông Lân, ông Địa hay ông Tề Thiên cũng chỉ là người thường đeo mặt nạ, có gì đâu phải sợ?!.

Hôm sau, ba dẫn tôi về bên ngoại chúc tết. Tôi khoe với mấy đứa em con cậu, con dì trạc tuổi tôi, rằng tôi được xem múa lân, rằng ba tôi là chú của ông Địa, rằng ông Địa thương con nít lắm, ổng nựng cằm tôi nữa, rằng ông Địa đẹp trai như anh Ba tôi vậy,… Kết lại, tôi nói cho tụi nó biết ông Địa là con người chứ chẳng có gì lạ.

Mấy đứa em con cậu, con dì xúm lại chăm chú nghe tôi nói. Nhìn mắt chúng nó, tôi đoán biết là nó không tin tôi.

Tụi nó nói nhà nào cũng có bàn thờ ông Địa, ổng là thần thánh chứ phải người ta đâu mà là cháu của ba tôi, biết thương yêu con người đâu mà nựng tôi, cái bụng chang bang, cái mặt bự chảng, cái miệng chành bành mà nói là ông Địa đẹp trai,… Không tin được chút nào?!

Bị tụi nó cho là nói dóc, tôi tức lắm, định chạy vô nhà nhờ ba tôi nói cho tụi nó tin, nhưng người lớn đang nói chuyện nên tôi không dám xen vô.

Tôi nhìn thấy mấy cái tàu cau của bà ngoại phơi trước sân để bó chổi quét nhà. Tôi nhớ tới chuyện “Thằng Bờm có cái quạt mo”, mắt tôi sáng lên, nghĩ: “Cái tàu cau này làm cây quạt cho ông Địa được nè!” Tôi tự tin nói với tụi nó:

- Tụi bây không tin, để tao làm ông Địa tại đây cho tụi bây coi!

Tôi lấy một cái mo cau cắt vòng tròn có chừa tay cầm làm cây quạt; lấy một cái mo cau khác cũng cắt vòng tròn làm khuôn mặt ông Địa. Tôi khoét hai cái lỗ ở vị trí hai con mắt, lấy cây son của dì Út tô hai cái gò má và cái miệng ông Địa đỏ lòm, đục lỗ luồn cọng dây thun để đeo vào đầu.

Tôi chọn thằng ú nhất trong đám con nít, lấy miếng mo cau úp vào bụng nó, lấy cái áo rộng thùng thình của ông ngoại cho nó mặc, cột dây ngang bụng lại, nó đeo mặt nạ, tay cầm cây quạt phe phẩy giống hệt… ông Địa. Tụi con nít nhìn ông Địa khoái chí, nó khen tôi tấm tắc. Thấy vui vui, tụi nó đề nghị tôi bày trò múa lân.

Có niềm tin rồi nên tôi biểu gì chúng cũng làm theo. Tôi chọn đứa làm ông Lân, đứa vũ đuôi Lân, đứa làm Tề Thiên, đứa đánh trống (thùng thiếc), đứa đánh chiêng (nắp xoong nồi). Những tiếng động của dụng cụ xen lẫn tiếng nói, tiếng cười giòn tan vang lên trong xóm nhỏ.

***

Những đứa trẻ rồi cũng sẽ lớn lên, người lớn tuổi rồi cũng trở về cát bụi, nhưng vũ trụ thì vẫn tồn tại bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đến hẹn, tết lại đến và tiếng trống múa lân lại vang lên rộn ràng đón chào năm mới.

Trong giờ khắc thiêng liêng ấy, tết luôn mang đến cho chúng ta hoài niệm về những gì đã qua, nhắc chúng ta nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã đưa ta đến với thế giới này.

THANH HUYỀN