Tản văn

Nhớ mãi lời rao hàng

Cập nhật, 05:36, Thứ Bảy, 05/12/2020 (GMT+7)

Trong một lần về thăm quê hương sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, người bạn thân thời trung học đã làm tôi bật cười khi nhắc về lời rao hàng của ông già bán bánh tét cách nay hơn nửa thế kỷ…

Hồi ấy là những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, chúng tôi đang theo học năm cuối ở Trường Trung học Tống Phước Hiệp (Trường PTTH Lưu Văn Liệt ngày nay).

Lũ học trò quỷ quái chúng tôi lúc đó rất thích được học tại các lớp dọc theo đường Hùng Vương, bởi đây là con đường khá yên tĩnh chúng tôi có thể dễ dàng tập trung nghe thầy cô giảng bài, nhưng đồng thời cũng nghe được những động tĩnh của các sinh hoạt thường nhật ở bên ngoài trên con đường này.

Là học trò ai mà không vui mừng khi bất ngờ được nghỉ những tiết học do thầy cô bận và đặc biệt là cái thời khắc tan trường. Thầy cô bận thi thoảng mới có, nhưng cái thời khắc tan trường buổi chiều ngày đi học nào cũng đến mà hình như trong chúng tôi đứa nào cũng mong.

Ngày đó chúng tôi đều biết, chắc chắn trước khi hồi chuông điện reo báo hiệu tan trường một vài phút- thậm chí vài giây- là y như có tiếng rao ngoài đường Hùng Vương của ông già bán bánh tét.

Tiếng rao rất to và rất dứt khoát từng hồi ba tiếng: “Tét! Tét! Tét!” Và chỉ đợi có thế cả lớp chúng tôi cùng cười ồ lên khiến thầy giáo cũng phải bật cười theo, rồi ai nấy lục tục gom tập sách chuẩn bị ra về. 

Tiếng rao hàng của ông già bán bánh tét độc đáo thế nên hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao vật đổi sao dời, chúng tôi đứa còn đứa mất qua cuộc chiến tranh nhưng trong ký ức của những người còn lại thì đó đã là một trong những nỗi nhớ mênh mông về TP Vĩnh Long thân thương của mình…

Tuổi học trò chúng tôi ở TP Vĩnh Long còn thấm đậm những tiếng rao hàng đi theo cùng năm tháng. Đó là tiếng rao “Bánh rế! Bánh cay!” của ông già người Ấn.

Tiếng rao hàng vừa đủ nghe và thiếu cả âm thanh kéo dài lẫn tiếng “đây” thường có trong lời rao khiến người nghe trực nhớ cái cảm giác cay cay khi phải ăn nhanh nhanh loại bánh này.

Đó là những lời rao vội vã “Bánh mì đây!” chỉ gọn ba từ không thay đổi có lẽ có từ lúc loại bánh đó ra đời ở thành phố đầy dấu xưa này của người bán bất kể giới tính, trẻ hay già…

Đó là tiếng sáo trúc nhưng chỉ có độc hai âm thanh “Tò loét!”, “Tò loét!” của một người Hoa bán chổi lông gà, không nghe ông ấy rao hàng bao giờ, nhưng chỉ cần nghe âm thanh ấy người cần chổi biết ngay. Nó giống như đám học trò chúng tôi quen với tiếng chuông leng keng của những người bán kem que thường được gọi là “cà rem cây”!

Không kiệm lời, một ông người Hoa khác bán bột viên chiên lại có lời rao dài dòng như hát: “Bi don don, bi dòn dòn (giòn giòn)/ Bì dòn dòn ăn vô don don (ngon ngon)”, rồi một loạt những tiếng gì sau đó cũng trầm bổng không kém nghe như là “phành bao”, “xé bao” hay đại loại như thế…

Còn ghé “tiệm nước” Đồng Hính- một nhà hàng ăn người Hoa gần chợ lớn Vĩnh Long- dù một lần thôi cũng sẽ khó quên các âm điệu trầm bổng kéo dài nghe rất vui tai về số lượng và tên gọi các món ăn bằng tiếng Hoa của những người phục vụ chạy bàn theo yêu cầu của thực khách báo cho người pha chế trong quầy hàng, chẳng hạn như: “Dách cô phế nại!” (một ly cà phê sữa)…

Khách đông, yêu cầu của khách đa dạng nên những câu đặt hàng của các anh phục vụ cũng khác nhau: người thì hủ tiếu, người thì mì hoành thánh hay hủ tiếu mì, tuyệt nhiên không nghe tiếng kêu bánh bao hay xíu mại vì có bày sẵn trên bàn khách cứ thoải mái dùng.

Người phục vụ chỉ cần nhìn dĩa là biết để xướng câu tính tiền cho người ngồi ở quày thu ngân… Một người, rồi hai hoặc ba người phục vụ cùng lúc mạnh ai nấy xướng lên các yêu cầu của khách hoặc những câu tính tiền với những âm điệu trầm bổng khác nhau trong cái ồn ào của nhà hàng khiến thực khách nghe cứ ngỡ như họ hát trong lao động…

Còn nữa, ngày ấy khi đêm về thành phố mau mắn quay lại sự êm đềm một cách gượng gạo ở những ngày đầu của cuộc chiến tranh, nhưng đó là thời điểm tiếng rao của các gánh chè rong hay tiếng “cắc, cụp” của xe mì gõ vang xa đến lạ lùng…

Lời rao hàng rồi cũng thay đổi theo năm tháng: ngày nay TP Vĩnh Long tiến bộ và cũng xinh đẹp hơn, cùng với sự phát triển của kỹ thuật và sự phong phú của hàng hóa nên những lời rao hàng cũng biến hóa theo.

Người bán không chỉ rao hàng bằng lời theo cách truyền thống mà còn dùng những chiếc loa tay, máy phát băng… Lời rao cũng biểu lộ rõ ràng sự phát triển của kinh tế thị trường qua các mặt hàng, cách tiếp cận giữa người bán và người mua, có điều đâu đó có những lời rao nghe như thiếu hẳn cái hồn…

Có lẽ đã là thời của kỹ thuật số nên có những lời rao kỳ lạ đối với người mới đến thành phố này bởi nó chỉ toàn là những con số: 05, 34, 19 hoặc 2 con số bất kỳ nào đó của đạo quân bán vé số dạo hay như lời rao của những người bán bánh dạo bằng xe gắn máy: “Bánh cam, bánh còng 10 ngàn 3 cái, 10 ngàn 4 cái!” hoặc gọn đến nỗi không đủ từ: “Khoai lang 10 ngàn” nghe hoài rồi người ta cũng hiểu đó là cái giá lúc đó của 1 ký khoai lang.

Đó còn là lời rao từ một kiểu buôn bán của những người bán nệm bằng xe bốn bánh: “Nệm cũ đổi nệm mới đây!” hay cộng thêm một kiểu khác khích lệ vào tâm lý người tiêu dùng: “Hàng hạ giá, 200 ngàn một tấm nệm mua xài cô bác ơi!”...

Buổi sáng vào chợ lớn Vĩnh Long chúng ta sẽ được nghe nhiều lời rao rất lạ, rất tếu: “Vào rồi không có ra!” Người lạ sẽ không biết anh chàng ấy đang bán các miếng “keo dính chuột” hay những kiểu rao hàng ra giá nửa ký lô của các cô nàng bán cá, tép; cũng có kiểu rao hàng bán theo lố hay 3, 4 hoặc 5 món của các người bán khăn, quần áo may sẵn, đồ dùng nhà bếp,…

Cuộc sống muôn vẻ xen lẫn những vui buồn với bao kỳ vọng nên những lời rao hàng của người bán cũng gửi gắm nhiều tâm tình…

HỒNG VÂN