Nghĩ về lễ Vu Lan

Cập nhật, 07:28, Thứ Ba, 01/09/2020 (GMT+7)
Một nghi thức truyền thống thường gặp ở mùa Vu Lan.
Một nghi thức truyền thống thường gặp ở mùa Vu Lan.

Đến hẹn lại lên. Cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm thì có rất nhiều người dân Việt Nam lại chuẩn bị mọi động thái để chào đón mùa Vu Lan (dân gian còn gọi là mùa Vu Lan báo hiếu).

Cũng có một số nơi còn gọi là tháng 7 “cô hồn”, ngày 15/7 âl là ngày “Xá tội vong nhân”. Tuy nhiên theo quan niệm của Phật giáo thì không có tháng “cô hồn”, không có ngày “xá tội vong nhân” mà đây chỉ là sự suy diễn của một số người và được truyền miệng từ hàng ngàn năm qua.

Lễ Vu Lan là lễ của Phật giáo, là mùa báo hiếu, cầu nguyện cho cha mẹ đã khuất bóng. Lễ này mang đầy ý nghĩa tâm linh sâu sắc để tôn vinh, ghi nhớ công ơn của các đấng sinh thành; khuyên con người làm nhiều việc thiện, làm lành, lánh dữ.

Tục cúng Vu Lan có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập sang Việt Nam từ rất lâu với câu chuyện báo hiếu của Mục Kiền Liên (có nơi gọi là Mục Liên) khi mẹ mình là bà Thanh Đề bị bắt xuống địa ngục chịu nhiều nhục hình tra tấn do gây ra nhiều tội ác ở dương trần.

Đây chỉ là câu chuyện huyền thoại để giáo dục con người làm thiện, lánh dữ, hiếu thảo với đấng sinh thành. Sau đó theo dòng thời gian, người ta mới nghĩ ra động tác cài bông hồng lên áo với những ai đang còn mẹ; bông hồng trắng với người mất mẹ. Riêng người đang quy y thì cài bông hồng vàng.

Lý giải về việc cài bông hồng vàng nhân ngày lễ Vu Lan, nhiều bậc chân tu cho biết: Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Về nghi thức cài hoa hồng lên áo nhân ngày lễ Vu Lan, theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nghi thức này xuất phát từ một áng văn viết về mẹ mình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Lễ Vu Lan là dịp để bản thân mình tự vấn đã sống như thế nào, đã làm gì, đã báo hiếu ra sao với những người đã tạo ra mình, đã vất vả nuôi mình khôn lớn. Cạnh đó, mùa Vu Lan còn là thời điểm rất tốt lành, thuận lợi để người lớn giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, sự tha thứ, quan niệm sống tốt với mọi người xung quanh.

Trong những ngày này, nhiều người tìm đến cửa phật để đọc kinh cầu nguyện cho cha mẹ được nhiều sức khỏe (nếu còn sống); vong linh cha mẹ phiêu diêu nơi miền cực lạc (nếu đã qua đời).

Cạnh đó, còn diễn ra rất nhiều hoạt động nhân ái, từ thiện như: tặng quà cho người nghèo; phát thức ăn chay cho người khó khăn. Nhiều cơ sở kinh doanh mua bán không thu tiền ăn uống với thực khách. Cạnh đó, còn nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chủ đề nhân ái, hiếu thảo,… Nhiều gia đình tổ chức chúc phúc ông bà, cha mẹ; đưa người lớn đi nghỉ dưỡng, tham quan…

Tuy nhiên, nhiều người vẫn hết sức bức xúc và lo âu bởi xã hội vẫn còn tồn tại những trường hợp ngược đãi cha mẹ, thiếu quan tâm chăm sóc, thậm chí có cả trường hợp sát hại cha mẹ ruột do không thỏa mãn yêu cầu đặt ra của bản thân. Bên cạnh đó nhiều người tuy mang tiếng đi chùa nhưng tâm địa xấu xa, tàn độc; đi chùa để lấy tiếng là người hiếu thảo nhưng trên thực tế họ sống ngược lại.

Song song đó, nhiều người đi chùa không hiểu thấu đáo ý nghĩa của mùa Vu Lan; ăn mặc thiếu nghiêm túc, cư xử thiếu văn hóa, văn minh. Ngoài ra, nhiều người còn tổ chức đốt vàng mã rất lãng phí với suy nghĩ: càng đốt nhiều thì càng có hiếu với người đã khuất. Đau lòng hơn đã có nhiều trường hợp bất hiếu với song thân trong thời gian dài nhưng khi cha mẹ quy tiên thì tổ chức đám tang rình rang để lấy tiếng với dư luận và mỗi khi mùa Vu Lan về lại tổ chức rất hoành tráng, xa xỉ.

Thiết nghĩ, tổ chức cầu nguyện cho cha mẹ được hạnh phúc, sống lâu là việc làm tốt đẹp nhân văn của dân tộc ta cần duy trì, phát huy nhưng không vì thế mà tham gia những hoạt động vô bổ, mê tín, dị đoan, lãng phí, tốn kém thời gian và tiền bạc. Có như vậy mọi người mới có được một mùa Vu Lan đầy đủ ý nghĩa.

Bài, ảnh: TRẦN TRẤN GIANG