Đọc những vần thơ viết về mùa dịch bệnh

Cập nhật, 15:12, Chủ Nhật, 07/06/2020 (GMT+7)

Đại dịch COVID-19 đang lan tràn trên khắp thế giới với sự tác động tiêu cực vô cùng khủng khiếp. Trên bình diện thơ ca- một thể loại văn học đi vào lòng người trực tiếp và mãnh liệt nhất- cũng thực hiện đúng chức năng xã hội của mình, cất cao tiếng nói nhân văn để san sẻ những đau thương, mất mát, đồng thời cổ vũ và động viên những tâm hồn cao đẹp, những phẩm chất đáng quý, qua đó nhân lên phẩm hạnh và giá trị con người trong cuộc sống đương đại.

Các nhà thơ vốn khá nhạy cảm trước thân phận con người. Hiểu được sức mạnh và sự tàn phá kinh hoàng của con vi rút nguy hiểm chết người- SARS- CoV- 2, nhiều bài thơ đã cất lên tiếng nói cảnh báo loài người về những tai ương mà thế giới có thể oằn mình gánh chịu: “Kể cả hàng triệu quân/ Tên lửa xuyên lục địa/ Dù máy bay siêu âm/ UFO xoay hình đĩa/ Tất cả đều vô nghĩa/ Từ vi rút vô hình/ Chiến tranh không chiến trận” (“Đức hạnh”- Minh Đạo).

Thậm chí mượn lời con vi rút, có tác giả lên tiếng cảnh báo loài người về những việc làm đi ngược với tự nhiên, hủy hoại quá mức môi trường sống, xa rời nhân tâm vì cho rằng mình đang thống trị Trái đất nên sẽ gặp những tai ương ập xuống chính con người: “Loài người ạ, ngươi chỉ là một mảnh/ Giữa bao la ngươi nhỏ bé vô cùng/ Ngươi yếu đuối không thể nào so sánh/ Sức mạnh ta- con vi rút bé con” (“Lời nhắn Corona vi rút”- Tân Nguyễn). Vì vậy, đại dịch như một sự “chỉ dấu” đến với mọi người là hãy biết nguyện cầu và san sẻ yêu thương nhiều hơn.

Tác giả Thy Vinh động viên mọi người hãy hướng về gia đình, sống có tình nghĩa và trách nhiệm với người thân thiết. Triết lý ấy vừa tự nhiên nhưng cũng vừa rất nhân văn cao cả: “Về chăm mẹ kính cha/ Về yêu thương chồng vợ/ Chăm chút ngôi nhà nhỏ/ Dạy bảo con nên người” (“Chỉ dấu”).

Từ thương yêu gia đình đến tình cảm yêu nước trong cơn đại dịch là một quy luật tình cảm không sao khác được, vì vậy nhiều tác giả thơ thấy rằng con người sẽ cao đẹp hơn, sẽ hiểu nhiều hơn về tình nhà nợ nước. Vẻ đẹp nhân văn ấy được khơi gợi và kết đọng thắm thiết qua lời nhắn gửi của cô giáo Chu Ngọc Thanh với các thế hệ học trò mình: “Từ mái trường này em sẽ lớn lên/ Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước/ Sẽ nối những nhịp cầu mơ ước/ Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim” (Đất nước ở trong tim).

Nhờ đó ta hiểu vì sao bài thơ nhanh chóng được lan tỏa trong cộng đồng mạng, được Chính phủ ngợi khen về ý thức và trách nhiệm công dân, về giá trị nội dung tư tưởng tích cực mà tác phẩm mang lại cho người đọc.

Cùng với cô giáo Chu Ngọc Thanh, thầy Lương Đình Khoa có những cảm xúc thật chân thành khi ca ngợi những tấm lòng yêu thương, san sẻ cho nhau trong những ngày dịch bệnh. Theo tác giả, đó là bài ca ngợi ca sự sống, ngợi ca tình người trong gian khó nguy nan.

Lạc quan hơn, tác giả chắc chắn rằng dịch bệnh sẽ qua đi nhưng tình người thiết tha vẫn còn đọng lại thông qua mỗi hành động “lá lành đùm lá rách” của “người trong một nước phải thương nhau cùng”: “Khi đất nước cần chúng ta siết tay nhau/ Người góp của, người góp công, thầm lặng/ Một chút nhỏ nhoi với tâm tình hiến tặng/ Dìu nhau qua chút gian khó ngọt tình” (Dịch rồi sẽ qua, những bài ca ở lại).

Gân guốc và rắn rỏi như một lời hiệu triệu bằng thể thơ 5 chữ, tác giả Trương Thị Dân lại ca ngợi tình cảm quốc tế khi nhân dân và chính phủ các nước đã song hành, động viên và sát cánh cùng Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh: “Xin cảm ơn các bạn/ Song hành cùng Việt Nam/ Sẽ đẩy lùi đại dịch/ Giữ yên lành hành tinh” (Thắm tình người Việt Nam).

Trong những vần thơ tha thiết về mùa đại dịch COVID-19, có lẽ mạch cảm xúc viết về những con người nơi tuyến đầu chống dịch dễ làm chúng ta xúc động hơn cả. Nhiều nhà thơ chuyên nghiệp và các cây bút không chuyên hầu như tất cả đều cất lên tiếng nói trữ tình để động viên và ngợi ca những con người đẹp nhất, quả cảm nhất lúc này.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen có hẳn một chùm thơ viết về người chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch và người thầy thuốc áo trắng ngày đêm túc trực bên bệnh nhân: “Lá thư gửi vợ hiền ở hậu phương”, “Tâm sự người vợ lính nơi tuyến đầu”, “Bếp củi của mẹ”, “Những anh hùng áo trắng”,...

Mỗi bài thơ của chị là một nỗi niềm, một tâm sự, một cảm xúc đã được hóa thân bằng tình yêu, lòng cảm phục và sự biết ơn sâu nặng đối với những con người can trường nơi đầu sóng ngọn gió.

Cảm xúc trữ tình công dân chưa bao giờ đẹp hơn, cao quý hơn khi ngợi ca những phẩm chất hy sinh của người lính, người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch: “Chống dịch trận này vất vả phải không anh?/ Kiểm soát đường mòn/ Tăng cường chốt chặn/ Phòng độc khử trùng/ Chăm sóc người nhập cảnh/ Anh ở tuyến đầu phải chấp nhận hy sinh” (“Tâm sự người vợ lính nơi tuyến đầu”). Ở đó, có nỗi nhớ nhà khi nhìn khói bếp chiều qua kẽ lá; có nỗi nhớ mẹ cha, con thơ, vợ trẻ ở hậu phương.

Nhưng vì trách nhiệm, người lính phải xông pha những nơi hiểm nguy nhất để mang lại bình yên cho cuộc sống mỗi người, cho Tổ quốc yêu thương trước vô vàn hiểm nguy và đe dọa, đồng thời luôn hướng về phía quê nhà đang đợi mong niềm tin chiến thắng: “Anh đóng quân trên những miền xa/ Thấy khói bếp lam chiều qua kẽ lá/ Mùi khói bay thơm, mùi rơm rạ/ Biết quê nhà đợi khúc khải hoàn ca” (“Bếp củi của mẹ”).

Với người lính là vậy, người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch cũng hiểm nguy không kém, tác giả Kim Sen đã dành những tình cảm khâm phục và kính yêu trước những “anh hùng áo trắng”, luôn lắng lòng mình để nghe tiếng lòng của chính họ gửi về nhân dân giữa những gian khổ, hiểm nguy: “Đêm nay tôi nằm đây/ Nghe tiếng nói rất gần/ Rất thân thương của những anh hùng áo trắng/ Nhân dân hãy ngủ yên/ Đã có chúng tôi canh giấc/ Cho những bệnh nhân trong cuộc chiến sống còn” (“Những anh hùng áo trắng”).

Ngoài ra, có thể kể đến các tác giả Lê Anh Phong, Lê Chí, Huỳnh Thúy Kiều… đều có những vần thơ chứa chan cảm xúc khi viết về những con người dấn thân trong môi trường hiểm nguy để bảo vệ cho người bệnh trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” mà cả dân tộc đang đương đầu.

Tình cảm, cảm xúc của họ được nâng lên thành ý thức và trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc mến yêu bằng những thông điệp lớn lao mang cảm hứng sử thi. Tiếng nói mãnh liệt ấy một lần nữa góp phần hướng thơ ca đến cái chung trong tháng ngày dịch bệnh hoành hành khắp cả nước.

Đó cũng là tiếng nói nhân văn từ sâu thẳm của chức năng thơ ca, nó là lời của trái tim đến với trái tim để rồi cảm thông, thương yêu và hướng thiện, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng vì cái chung mãi mãi là bài ca đẹp nhất về con người Việt Nam trong những hoàn cảnh gian lao.

Nhà thơ Lê Anh Phong đã có bài thơ “Nghĩ về con từ khu cách ly dập dịch” rất cảm động. Đó là tình cảm của một người mẹ làm nghề y nhớ con mà không sao về được khi phải đang chịu cách ly để chữa cho người bệnh. Đứa con thơ dại chưa tròn tuổi đành phải bỏ bú mẹ nửa chừng để uống sữa bình, sữa hộp. Bất chợt một ngày người mẹ thảng thốt nhận ra: “Chợt thảng thốt/ Sữa căng lên bầu vú/ Thảng thốt từng cơn/ Nỗi thương nhớ dồn lên/ “Cách ly” mẹ, nhớ ngoan nhiều con nhé/ Trong cuộc chiến chống dịch này… có cả công con!” (“Nghĩ về con từ khu cách ly dập dịch”).

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều thấu cảm sâu sắc hơn với một chiều sâu tư duy- triết luận về đất nước, Tổ quốc trong mùa dịch bệnh qua hình tượng những người lính trẻ: “Những người lính trẻ măng ăn bụi nằm đường/ Những giấc ngủ chập chờn tạm qua đêm trắng/ Y- bác sĩ chung tay chung lòng với những ca bệnh nặng/ Không hề suy tính dân tộc màu da” (“Có bao giờ em nghĩ về Tổ quốc chưa?”).

Và tất nhiên, còn rất nhiều tác giả đã viết, đang viết và sẽ viết về đề tài đại dịch COVID- 19 bằng những vần thơ chắt ra từ máu tim mình để ngợi ca những gì tốt đẹp, thiện lương, những hy sinh thầm lặng của con người trên đất nước ta mà với bài viết nhỏ này không thể nào bao quát hết.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đặc biệt là sau công cuộc đổi mới của đất nước từ 1986, thơ ca mang khuynh hướng sử thi, hướng đến cái ta, hướng về đại chúng rộng lớn bắt đầu giảm dần, nó nhường chỗ cho những suy tưởng cá nhân, những cảm xúc đời tư được nảy nở trong một xã hội bộn bề riêng tư và hiện sinh của đời sống thường nhật.

Khi cả dân tộc hướng vào một mục đích thiêng liêng là chống dịch COVID-19, dường như sức mạnh cộng đồng, tình cảm hướng về đất nước, Tổ quốc lại trào dâng mãnh liệt qua văn chương nghệ thuật, trong đó có những vần thơ tràn đầy cảm xúc.

Đọc thơ của các tác giả chuyên và không chuyên trong những ngày gần đây trên báo chí, mạng xã hội được viết từ nỗi lòng của người sáng tác giữa mùa dịch bệnh, một lần nữa ta lại thấy tình cảm yêu nước thiết tha được nhân lên trong mỗi người dân nước Việt Nam. Qua đó, cũng thêm một lần để khẳng định rằng, thơ ca Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trên những tuyến đầu gian lao nhất.

LÊ THÀNH VĂN