Trúc Phương với hình ảnh "Đời người, Đời chiến sĩ, Đời văn"

Cập nhật, 12:11, Chủ Nhật, 10/05/2020 (GMT+7)

KIM LANH

Bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam ta chính là tình yêu đối với quê hương đất nước.

Hòa bình từ đâu có? Độc lập, Tự do, Hạnh phúc từ đâu ra? Là con cháu của nước Việt Nam anh hùng, có khi nào thế hệ trẻ chúng ta thật sự nghiêm túc tìm hiểu đáp án cho câu hỏi trên. Tất cả là chính từ nước mắt, máu xương của những người lính anh dũng, người mẹ, người vợ kiên trung đã đánh đổi cho Tổ quốc thân yêu.

Là một nhà văn đa tài, sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trúc Phương từng trải qua và chứng kiến tất cả những đau thương mất mát ấy. Hơn ai hết nhà văn rất thấu hiểu, đặc biệt luôn canh cánh bên lòng, sợ sự nhạt nhẽo của thời gian làm phai dần những hy sinh cao quý ấy.

Chính vì thế! Đề tài cuộc chiến tranh xưa, hình ảnh người lính và những người đẻ ra người lính,… luôn là cảm hứng chủ đạo trong từng trang sáng tác của ông. Tác giả muốn nhắc nhở và truyền tải đến thế hệ sau, những con người may mắn sinh ra trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, phải luôn ghi nhớ và tri ân sâu sắc sự hy sinh của những người đi trước.

Trên nền cảm hứng chủ đạo ấy, tập truyện “Chim không hót lúc bình minh” là tiếng lòng của chính tác giả. Ông đã dùng gần như hết cuộc đời mình cho quê hương đất nước với những trang viết mang đậm hình ảnh “Đời người, Đời chiến sĩ, Đời văn”.

Đề tài con người và chiến tranh luôn là mạch cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Trúc Phương.“Chim không hót lúc bình minh” là hình ảnh anh thương binh bị tháo mất khớp tay, hư một mắt, một mảnh đạn nằm trong phổi cùng với vài chục vết sâu cạn khắp cơ thể còn đục ngầu chiến tranh.

“Giai điệu trắng” là tiếng lòng da diết, đớn đau của anh thương binh với mối tình đơn phương trong sáng. Chiến tranh cướp đi một phần cơ thể đồng nghĩa với cướp đi quyền được yêu của một con người.

Từ tâm hồn nhạy cảm với văn chương kèm vốn sống phong phú trong chiến tranh, với ngòi bút sắc sảo, “Chiều quê” khắc họa rõ nét nỗi cô đơn bất hạnh đến thê lương, hình ảnh 3 người phụ nữ sở hữu cho mình hơn 100 năm cô đơn, góa bụa.

Trớ trêu hơn khi Lựu- cô gái còn trinh với 21 năm chính thức góa chồng cộng thêm 16 năm, 6 tháng, 13 ngày góa bụa, từ khi chưa biết yêu đã lấy chồng theo lời đính ước của 2 gia đình.

“Với hàng triệu, hàng triệu người đàn ông phải ngã xuống trong 2 cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, thử hỏi có ai tính giùm tổng số năm góa bụa hay nỗi bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam phải nhận chịu là bao nhiêu không? Một lũy thừa chất ngất, một đại dương mênh mông trong số kiếp con người mà vinh quang không thể nào bù đắp được”.

Một khía cạnh khác trong “Có gì đâu một buổi chiều”, nhà văn đã tái hiện lại cuộc sống hiểm nguy gian khổ, thiếu thốn đủ thứ của 3 người lính tổ trinh sát vũ trang còn sót lại trong một Trung đội 30 người từ những năm 1968.

Lại là chiến tranh, chính nó đã cướp mất tình yêu vô cùng đẹp vừa chớm nở, đau quặn thắt lòng khi người lính trinh sát cùng tình yêu đầu đời đã mãi mãi nằm lại lòng đất mẹ. Chiến tranh qua đi “Chứng từ gốc” với những bằng chứng thép đã tố cáo mạnh mẽ một bộ phận người trong xã hội thực tại sau 30/4/1975.

Chưa bao giờ cái chết làm người lính khiếp sợ, niềm vui sướng tột cùng khi may mắn bước ra từ lửa đạn với cơ thể vẹn nguyên. Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại và hoạt động vì một mục tiêu duy nhất là độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, làm tất cả chỉ vì hạnh phúc, quyền sống, quyền tự do và làm chủ của nhân dân- đó là một đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh.

Những con người bị tha hóa về nhân cách, tồn tại phía sau lớp mặt nạ tri thức đã bóp nghẹt trái tim người lính đau đến ngạt thở. Xã hội nào cũng có mặt trái, cũng tồn tại một số mặt đen tối. Bởi thế! Trực tiếp chứng kiến cảnh nông dân nghèo khổ, tội nghiệp bị bóc lột; chứng kiến sự tồn tại nhởn nhơ của bọn tri thức dỏm, “Đời người, Đời chiến sĩ, Đời văn” trong chính tác giả như chết lặng.

Hòa bình lặp lại “Những đứa con mang họ mẹ” lần lượt ra đời, mỗi đứa có hẳn một người cha. Khoan hãy vội đánh giá nhân phẩm hay kết tội người mẹ kia mà hãy tìm hiểu thật sâu lý do và hoàn cảnh ra đời của mỗi đứa con đó.

Chậm rãi thôi để thấm thía từng trang viết của Trúc Phương, biết thế nào là chiến tranh, thế nào là hy sinh mất mát và đặc biệt cảm nhận được tính nhân văn toát lên từng trang viết của nhà văn.

Với tác giả, tinh thần phê phán để thay đổi tốt hơn chứ không phê phán với mục đích đả kích hay châm biếm. Có như thế chúng ta mới thấy được tư tưởng nhân đạo, triết lý sâu sắc của nhà văn Trúc Phương gửi gắm qua tập truyện “Chim không hót lúc bình minh”.

Một cơ duyên đưa đẩy nhà văn Trúc Phương gặp được anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Sau suốt 1 năm làm việc cật lực, truyện ký “Người anh hùng chân đất” ra đời là kết quả của người phi công già hơn 82 tuổi và một nhà văn tâm huyết đang mang trong người căn bệnh nan y.

Hình ảnh và chiến công của anh hùng Nguyễn Văn Bảy được ghi chép lại chi tiết từ những ước mơ, khát vọng của người thanh niên chân lấm tay bùn, theo cách mạng từ năm 17 tuổi, lái máy MiG-17 thường xuyên có mặt trong đội hình chiến đấu của Không quân Việt Nam.

Với 94 lần xuất kích, 13 lần trực tiếp quần thảo với máy bay Mỹ, kết quả tiêu diệt 7 chiếc, tương đương 7 huy hiệu do Bác Hồ trao tặng. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 1/1/1967.

Hình ảnh một nông dân Nam Bộ chân đất, người thiếu niên của đồng ruộng ấy đã ra đi theo cách mạng rồi trở thành phi công, trở thành anh hùng đã bao lần làm cho kẻ thù khiếp sợ.

Một câu nói mộc mạc, giản đơn nhưng mang đầy tính triết lý, nhân văn sâu sắc: “Trước tụi tao chiến đấu mút mùa vì lý tưởng bảo vệ đất nước, mong 2 miền thống nhất để còn vô quê gặp lại ba má, anh chị. Giờ lo nhất là lính mà ham chức quyền, tiền bạc”.

Đúng là bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh của ông làm cho hàng triệu người Việt Nam xúc động, ông cống hiến hết tuổi trẻ bảo vệ Tổ quốc, để rồi khi chiến tranh kết thúc ông trở lại đời thường làm một nông dân đúng chất, tiếp tục gắn bó với quê hương ruộng vườn. Cái tên Nguyễn Văn Bảy đã thật sự truyền lại cảm hứng cho đời sau biết thế nào là người lính, đời lính; thế nào là trách nhiệm, bổn phận với quê hương đất nước.

Xuyên qua từng tác phẩm, tôi cảm nhận được “Chim không hót lúc bình minh” và “Người anh hùng chân đất” là 2 quyển sách “dày” và “nặng” chứa đựng quan điểm sống của Trúc Phương về “Đời người, Đời chiến sĩ, Đời văn”.

Hình ảnh và tinh thần hào hùng, trung trực của người lính; nước mắt kìm nén đau thương của người mẹ, người vợ; tiếng nấc nghẹn xót xa thậm chí bung tỏa của những con người trước thực tế bất công, đen tối,…

Nhiều hơn thế nữa, tiếp cận với từng nội dung trong 2 quyển sách nặng tình ấy, chúng ta sẽ nghe được tiếng lòng của nhà văn gửi gắm vào đấy.

“Đời người, Đời chiến sĩ, Đời văn” của Trúc Phương là quá trình của một con người tài năng, pha lẫn gian khổ và đầy nghị lực. Căn bệnh nan y không đủ sức giết chết thiên bẩm văn chương của một con người.

Mỗi trang viết là một tiếng lòng, tiếng lòng ấy không chỉ toát lên trên câu chữ mà nó được ngấm vào từng mạch máu của độc giả để mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khép sách lại rồi mà dường như nỗi xót xa còn quanh quẩn trước mắt người đọc bởi nghệ thuật ngôn từ, xây dựng cốt truyện giản dị, gần gũi với đời sống nói chung, con người Nam Bộ nói riêng.