Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975- 30/4/2020)

Vang vọng mãi bài ca bất hủ "Giải phóng miền Nam"

Cập nhật, 10:01, Thứ Ba, 05/05/2020 (GMT+7)

ThS. PHẠM BÁ NHIỄU

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, ngay từ tháng 12/1960- những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, bài ca “Giải phóng miền Nam” đã trở thành lời hiệu triệu sức mạnh của hàng triệu tấm lòng, con tim cùng chiến đấu đến cùng vì lời thề Giải phóng miền Nam.

Và “Giải phóng miền Nam” do Viện sĩ- nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhóm sáng tác tại vùng giải phóng đã để lại những giai điệu hào hùng trong lòng mỗi người miền Nam và cả nước.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (trên) và nhà báo Huỳnh Văn Tiểng- 2 trong 3 tác giả của bài ca nổi tiếng “Giải phóng miền Nam”.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (trên) và nhà báo Huỳnh Văn Tiểng- 2 trong 3 tác giả của bài ca nổi tiếng “Giải phóng miền Nam”.

Từ chiến trường miền Nam, ngày 20/12/1960, tại Khu căn cứ chiến khu D, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Tiếp sau đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam ra đời do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Đó là những trí thức nổi tiếng, giàu lòng yêu nước, hết mình vì cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta.

Khi ra đời, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã nêu mục đích là động viên nhân dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam tiến tới xây dựng miền Nam một chế độ hòa bình, trung lập và dân chủ từng bước để sau này thực hiện ý chí thống nhất đất nước.

Lời bài ca “Giải phóng miền Nam”

Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước.

Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.

Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời.

Sông núi bao nhiêu năm cắt rời.

Đây Cửu Long hùng tráng, Đây Trường Sơn vinh quang.

Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù.

Vai sát vai chung một bóng cờ.

Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng!

Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng.

Thề cứu lấy nước nhà! Thề hy sinh đến cùng!

Cầm gươm, ôm súng, xông tới!

Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi.

Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời.

 

Nhằm đánh dấu cho sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nhóm “Hoàng Mai Lưu” (Huỳnh Văn Tiểng- Mai Văn Bộ- Lưu Hữu Phước) được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, để tiếp thêm khí thế cho quân và dân đang đứng lên trong cuộc kháng chiến đầy gian lao nhưng cao cả.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng- nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lúc đó- khi còn khỏe mạnh, trong một lần đến thăm Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, cho chúng tôi biết: Bài hát trước khi ra đời đã được lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam yêu cầu chặt chẽ về ý nghĩa, lời và nội dung bài hát cần thể hiện được những điểm chính.

Cụ thể như sau: Bài hát có tính chất Quốc ca (sách lược) này không chỉ nhắm vào nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung Bộ; Kêu gọi nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ xâm lược; Nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam; Tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đó.

Do các yêu cầu chặt chẽ về mặt chính trị nên cả nhóm đã cùng nhau bàn bạc cân nhắc rất kỹ từng lời, từng ý, để sáng tác bài hát này. Cụ thể, để thể hiện chủ trương mới quan trọng của Đảng và cách mạng lúc này là phải đấu tranh vũ trang, đưa câu kêu gọi nhân dân trực tiếp chiến đấu: “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”.

Bài hát sau khi ra đời đã thể hiện được tình đoàn kết của nhân dân Trung- Nam- Bắc để đánh đuổi đế quốc Mỹ, nhưng điểm mới trong chiến lược là tha thứ cho ngụy quyền đã bị sai khiến cầm súng phản hại dân, chứ không tiêu diệt, nên bài hát có những câu: Giải phóng miền Nam/ Chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”.

Để minh họa cho tinh thần đoàn kết 3 miền Nam- Trung- Bắc, các tác giả đã nêu lên những địa danh tiêu biểu của 2 miền là sông Cửu Long và dãy Trường Sơn, nên trong bài có những câu: “Đây Cửu Long hùng tráng - Đây Trường Sơn vinh quang”. Thể hiện rõ ý chí thống nhất đất nước toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, bài hát có câu: “Vai sánh vai, chung một bóng cờ”.

Bài hát cứ ngân lên vang xa. Điệp khúc của bài hát là những câu ca đầy hình ảnh hào hùng của một miền Nam anh hùng về cả lời bài hát, cũng như tứ nhạc, nói lên rõ toàn bộ sách lược mới của Đảng ta và phản ánh sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân miền Nam vào cuộc chiến thắng cuối cùng, bằng 2 câu rất ấn tuợng:

“Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi;

Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”…

Nhịp 2 câu sau ta nghe chầm chậm lại, như là sự khẳng định, kết thúc cho cả hành trình để có ngày vinh quang giải phóng miền Nam, mà hàng triệu trái tim đã đổ máu cho chiến thắng ý nghĩa này. Sau khi 3 tác giả “Hoàng- Mai- Lưu” cho tu chỉnh nhiều lần, có tham khảo thêm nhiều nhạc sĩ tại vùng giải phóng và hát thử cho các đồng nghiệp nghe, góp ý sửa chữa, bài hát đã chính thức được Trung ương Cục miền Nam thông qua và được phổ biến rộng rãi trong cả nước.

Từ đây, mỗi sớm bài ca được phát ra qua hệ thống phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng cho nhân dân ta và cả thế giới yêu chuộng hòa bình nghe.

Bài ca “Giải phóng miền Nam” chính thức ra đời cuối năm 1960 đã được nhân dân 3 miền Bắc- Trung- Nam đánh giá rất cao. Bài hát có tiết tấu gọn, dễ thuộc và truyền cảm, dễ đi vào lòng người. Bài ca còn tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân chung sức, chung lòng đứng lên đấu tranh giành thắng lợi, thống nhất đất nước.