Phim "Ký sinh trùng"- bi hài kịch xã hội hiện đại

Cập nhật, 18:27, Chủ Nhật, 23/02/2020 (GMT+7)

Chính tựa phim “Ký sinh trùng” dễ làm nhiều người lầm tưởng về thể loại kinh dị viễn tưởng khoa học. Câu chuyện phim thuần chất, đơn giản về gia đình, nhưng diễn biến đầy bất ngờ đẩy con người bộc lộ bản chất trần trụi, đen tối và chân thật nhất. Câu chuyện lạ lùng, nhưng vẫn thấy quen thuộc, hiện thực nhất trong vấn đề giàu nghèo của xã hội hiện đại.

Cảnh trong phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joong Ho. Ảnh chụp lại từ màn hình
Cảnh trong phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joong Ho. Ảnh chụp lại từ màn hình

Phim làm cho người xem cảm thấy “tội nghiệp” cho cái ác, đó là mâu thuẫn nội tại và mọi thứ diễn biến trong một phức hợp kỹ thuật điện ảnh thượng thừa của đạo diễn tài năng Bong Joong Ho. “Ký sinh trùng” xứng danh là niềm kiêu hãnh của cả điện ảnh Châu Á.

Bộ phim kể về một gia đình nghèo cả 4 người đều không có việc làm, gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con đã lớn, họ sống dưới tầng hầm chung cư. Họ là đại diện cho nỗi khổ của người nghèo đô thị.

Mọi chuyện thiện- ác, bi- hài bắt đầu diễn biến xoay quanh cuộc mưu sinh của gia đình này. Tất cả là thể hiện một gia đình yêu thương nhau, chỉ mong có việc làm, họ là những người lương thiện- có thể gọi là vậy, nhưng đường dây câu chuyện đầy những biến động bất ngờ đã đưa họ dần dần chủ động một cách tài tình trong cái ác.

Triết lý cao tay của “cha đẻ” bộ phim- đạo diễn tài năng Bong Joong Ho- chính là khi kết thúc bộ phim nỗi ám ảnh dai dẳng, nhưng người ta vẫn không rõ ràng chuyện thiện- ác, phân vân giữa cảm xúc yêu thương và thù ghét.

Cái ác hiện hình qua những nhân vật có cái gì đó tội nghiệp, có những lúc phim đẩy bản thân người xem như muốn đồng lõa với cái ác qua những tình huồng gay cấn, hồi hộp và “lật mặt” đầy bất ngờ. Phim thật rõ ràng trong đường dây dẫn dắt câu chuyện, nhưng làm người xem không rõ ràng trong cảm xúc, đó là sự lý thú và quyến rũ của triết lý của xã hội hiện đại được lồng vào tầng sâu thẳm của ý nghĩa bộ phim.

Từ cơ hội đầu tiên được vào làm gia sư cho một gia đình giàu có, anh con trai dần nhận ra cơ hội và từ từ giới thiệu người em gái của mình, rồi những thủ đoạn loại dần những người làm cũ là anh tài xế và người giúp việc lâu năm, để đưa cha và mẹ của mình vào thế chỗ.

Từ chỗ chỉ cần có việc làm, giờ đây cái gia đình nghèo khổ chợt nhận thấy những cơ hội béo bở từ gia chủ quá giàu có, vậy là bắt đầu những âm mưu, kế hoạch “vượt quá giới hạn” thể hiện tính chiếm hữu của lòng tham lam vô giới hạn.

Mở đầu bộ phim, góc máy cận cảnh những đôi vớ phơi bên cửa sổ lấy ánh nắng, phía dưới là gia đình 4 người sống trong tầng hầm chung cư và điểm cao nhất, bệ vệ nhất trong không gian sinh hoạt gia đình chính là cái bồn cầu.

Ngay từ đầu đã hình dung những con chuột sống dưới những đường cống các đô thị; phía trên ngay tầm mắt mọi người là con hẻm, nơi thường xuyên có gã say rượu về ngang hay tấp vô đó tè một phát. Cái nghèo làm cho con người ta trở nên hèn, khi mà phải tận dụng mọi thủ thuật để có thể xài wifi ké, làm nhanh một cách gian dối những sản phẩm để có thêm tiền…

Mục đích ban đầu, họ chỉ mong có việc làm thêm, làm ngoài giờ có chút tiền đáp ứng nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Và rồi, khi cơ hội đến và cảm thấy có thể kiếm được nhiều tiền, họ “bập” vào đó, bám víu vào, tính chuyện đục khoét chẳng khác một loại vi rút sống dai dẳng và biến thành dịch bệnh, gây thảm họa cho chủ thể.

Chủ đề giàu nghèo đã trở thành mối bất an, khơi gợi lòng tham, cái ác nổi lên một cách tự nhiên trong xã hội hiện đại. Đó chính là sự “vượt quá giới hạn” mà nhân vật ông chủ gia đình giàu có thường nói. Mọi tội lỗi, phạm pháp, bi kịch xã hội, đều bắt đầu từ chuyện phá vỡ giềng mối, những giới hạn của đạo đức và pháp luật.

Nghệ thuật đỉnh cao của “Ký sinh trùng” đã giúp cho bộ phim “càn quét” các phòng vé và thâu tóm những giải thưởng danh giá trên toàn cầu. Nhưng cùng với tất cả tính kỹ thuật, nghệ thuật, chính là tính nhân văn, phản tỉnh cao cả, làm cho bộ phim có sự ám ảnh “dễ chịu”.

Sự phản tỉnh của người cha, sự buông bỏ của người con, khi nhận “viên đá phong thủy” khởi nguồn tài lộc, cũng là khởi nguồn tội ác, nó đè nặng lên ngực và chính viên đá suýt giết chết cậu ta. Ngôn ngữ điện ảnh bậc thầy đã tạo cho phim có nhiều tầng sâu của ý nghĩa mà mỗi người sẽ có cảm nhận riêng.

Sự nghèo khó bộc lộ chân thật trần trụi như một loại ký sinh trùng, nhưng ngay trong gia đình giàu có thì dưới lớp vỏ bọc hào nhoáng vẫn ẩn chứa bên trong nó quá nhiều sự bất an, vẫn có một loại ký sinh trùng khác chưa lộ diện ở thái cực ngược lại. Nó cũng chính là mầm mống, là nguy cơ để các loại ký sinh trùng khác có cơ hội nảy nòi, phát triển.

19 năm trong nghề và chỉ với gia tài vỏn vẹn 8 phim, nhưng Bong Joong Ho đã khẳng định một lối đi riêng trong phong cách làm phim, mỗi bộ phim của anh là sự cuốn hút lạ lùng, tính giải trí hàm chứa những ý nghĩa nhân văn cao cả. Sau “Ký sinh trùng” người ta sẽ sẵn sàng chờ đợi anh tiếp tục bùng nổ trong tương lai, những tuyệt phẩm điện ảnh thượng thừa của một tài năng xuất chúng.

NGỌC TRẢNG