Truyện ngắn: Xóm Vàm Me

Cập nhật, 11:20, Chủ Nhật, 23/02/2020 (GMT+7)

 

Nguyễn Linh

Xóm Vàm Me lạ!

Xóm lạ vì tên là Vàm Me nhưng cả xóm lại không có cây me nào. Từ đầu vàm tới cuối ngọn nhiều nhất là bần, bần mọc bạt ngàn.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Xóm lạ ở ngay nhà bà Tư Mụ ở gần cuối rạch. Mấy chục năm nay, cứ vài ngày, mới tờ mờ sáng là bà lại lượm được “của trời cho”. Khi thì con cá, mớ khoai, con gà, con vịt,... ở ngay trước cửa. Thỉnh thoảng lại có một ít tiền mà ai đó đã gói cẩn thận rồi thảy qua ngạch cửa. Lúc đầu, bà Tư giật mình, không dám ăn, không dám xài tiền “từ trên trời rơi xuống” vì nghĩ của cho là của nợ. Đi hỏi khắp đầu trên xóm dưới, không ai biết, bà đâm lo. Có đêm, bà cố mở mắt thức canh tới khuya nhưng không thấy tăm hơi. Thôi thì đành nhận nhưng mỗi đêm bà luôn đốt nhang khấn vái trời phật phù hộ cho vị ân nhân nào đó đã có tấm lòng nhân.

Xóm Vàm Me lạ ở ông Hai Quờn nhà ở đầu vàm chiều nào cũng có thói quen uống rượu một mình. Ông ít nói, nhìn rất “bặm trợn” vì vết thẹo dài trên mặt nhưng bụng dạ lại hiền khô. Không vợ, bốn người con. Chuyện ông già Hai có con nghĩ cũng lạ, đều do “từ trên trời rơi xuống”. Đứa thứ nhất- thằng Giang- khóc oe oe trên sông, ông lội ra vớt lên từ trong cái thau cũ, bập bềnh. Đứa thứ hai- thằng Mộc- khóc the thé như con mèo ướt ở gốc bần, cũng may cả trăm con kiến vàng núp trong ổ gần đó chưa “bắt được mùi” da thịt non của con nít. Đứa thứ ba- con Thảo- quấn trong chiếc khăn bàn cũ, nằm ở bụi cỏ bên đường vắng. Nhưng ba đứa con khi đã “đủ lông đủ cánh” thì lần lượt bay xa thăm thẳm chưa một lần về thăm người cha bất đắc dĩ đã nuôi chúng nên người. Chòm xóm xót xa cho cảnh tò vò đi nuôi con nhện, ông già Hai khi thì im lặng, khi chỉ tặc lưỡi, cười hơi chua xót: “Chắc... tại gây nghiệp bây giờ phải trả, chưa chắc tới cuối đời đã hết!” Vậy là ông sống mình ên.

Nhưng cuộc đời lại không đến đỗi bất công khi ban cho ông thằng Út trước cửa nhà trong một buổi sáng lập đông. Cha già con mọn, lớn lên một tí, thấy ông già tía tóc bạc, mặt có nhiều nếp nhăn, thằng Út kêu ông là nội. Bắt sửa hoài, nó hổng chịu. Có hôm, ông già Hai giận, đưa tay lên dọa, nó nhắm mắt chịu đòn: “Nội ơi, đừng đánh con, tội nghiệp! Mà... có đánh thì đánh nhẹ nhẹ, con sợ đau lắm!” Ông xoa đầu thằng cháu nội, cười cái khì.

Thằng Út lớn lên, hỏi mấy chuyện lạ ở xóm, ông già Hai nói hổng biết. Có lần nó đem thắc mắc hỏi ông Năm nhà ở cuối rạch. Ông nói tên Vàm Me không bắt buộc phải có cây me ở đầu vàm như kiểu rạch Bằng Lăng, cống Cây Gòn, đập Cây Sung,... Me ở đây là “canh me”. Thằng Út trố mắt, trời đất tên gì kỳ khôi vậy? Ông Năm giải thích:

            - Hồi những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi chưa có xóm Vàm Me này, đầu vàm và cặp mé sông Cái bần mọc như rừng, khỉ kéo bầy nhảy nhót, kêu chí chóe trên cây. Cuối rạch có khoảng chục căn nhà nhưng hễ trời chạng vạng là hổng ai dám bơi xuồng, chèo ghe ra vàm. Trời tối, ai có công việc gấp đành phải đi vòng qua rạch Bằng Lăng, nhà cửa khá đông đúc cho an toàn.

Thằng Út nhíu mày:

- Ủa, sao kỳ vậy ông Năm?

- Thì ở đầu vàm có tụi ăn cướp. Ban ngày hổng biết tụi nó trốn ở đâu, khi mặt trời bắt đầu lặn là dong ghe về đó “nằm vùng”, núp trong đám bần cướp bóc ghê lắm. Chuyện một đồn mười, dân thương hồ, ghe buôn sợ xanh mặt. Mỗi đêm qua khúc sông này, họ phải neo đậu, chờ tập trung cỡ bảy, tám chiếc ghe mới dám vượt “ải”. Qua vàm là phải canh me, người ta kêu riết thành tên Vàm Me rồi sau này nhà cửa đông đúc thành tên xóm Vàm Me luôn cho tới bây giờ.

Thằng Út hít hà:

- Í dà... ghê quá hen ông Năm. Mà, đó là chuyện có thiệt hay là ông bà xưa kể chuyện cho vui?

Ông Năm trợn mắt, ngó trân thằng Út:

- Trời đất! Cái thằng này thiệt là...? Muốn vui thì kể chuyện tiếu lâm như bác Ba Phi kìa, ai hơi đâu lại đi bịa đặt chuyện cướp bóc, xui xẻo như vậy. Nói có bằng chứng để mầy tin luôn nè, hồi đó bà Tư Mụ bị tụi cướp ở đầu vàm chém đứt gân, một tay xụi lơ cho tới bây giờ luôn. Lúc đó còn “thời ngụy”, hình như là... năm sáu mươi bảy, sáu mươi tám gì đó. Nếu hổng tin ông thì mầy cứ tới nhà hỏi bả là biết liền hà.

Chuyện cướp là có thật, thằng Út rùng mình mấy cái. Nhà ở đầu vàm, chắc nội nó tới xứ này lập nghiệp chưa lâu, lúc băng cướp đã giải tán nên không biết. Ông Năm còn kể chuyện về mấy người con lớn của ông già Hai. Từ lâu, thằng Út đã biết mình không ruột rà máu mủ gì với nội nhưng nghe ông Năm kể rõ ngọn ngành chuyện các anh chị “vong ân bội nghĩa”, nó càng thấy thương nội của mình hơn. Cuối cùng, khi nó thắc mắc chuyện “của trời cho” ở nhà bà Tư Mụ, ông Năm nhíu mày, khẽ lắc đầu nói, chuyện này đúng là lạ thiệt, kỳ thiệt.

Thằng Út tốt nghiệp trường trung cấp nghề, ông già Hai hối đi xin việc, nó lừng chừng nói, con đi làm xa nhà bỏ lại nội sống mình ên sao được. Nói thì vậy nhưng nó rất ngoan, luôn nghe lời dạy bảo.

Ngày tiễn nó đi làm ở ga ra xe, ông già Hai giả bộ cười cho thằng cháu yên tâm. Bên bờ sông, nó hôn lên má, ngay vết thẹo dài trên mặt ông rồi nói: “Con ráng làm kiếm thiệt nhiều tiền về quê xây cho nội cái nhà tường bự chảng luôn!” Thằng cháu nội nói một câu, mắt ông rớt ra mấy giọt nước. Nhìn thằng Út, tự dưng ông lại nghĩ tới ba đứa con. Thằng Giang lớn nhất, năm nay cũng đã bốn mươi ba tuổi, anh em tụi nó chắc đã con cái đề huề. Không biết bây giờ tụi nó đang sống nơi nào. Lạ thiệt, mỗi lần nhớ các con, ông không giận, chỉ cầu mong cho chúng nó được bình an. Và bây giờ, chứng kiến cảnh thằng Út sắp rời xóm Vàm Me, xa gia đình, ông vui nhưng lòng lại nghe xót xót. Trước khi đò rời bến, nó bịn rịn nắm chặt tay ông, dặn: “Nội ở nhà ráng giữ gìn sức khỏe, bớt nhậu lại, nghen nội!” Ông quay mặt, giấu mấy giọt nước lăn dài, đánh chũm xuống sông.

Lương tháng đầu tiên, thằng Út gửi về hai triệu đồng, ông già Hai ngồi dưới bến, ngay mé vàm uống rượu, cười hoài một mình. Mấy bà bơi xuồng ngang, gác mái dầm hỏi có gì vui mà cười mình ên vậy. Ông lại cười: “Nhậu mình ên thì cười mình ên! Tại... tại tui thấy mấy con cò chiều chiều xúm nhau bay về tổ nên vui rồi cười mình ên vậy mà, mấy bà, mấy thím ơi!” Mấy bà nghe ông già nói ngộ, lắc đầu cười rồi cầm dầm bơi miết. Từ đó tới chạng vạng, ông già Hai một mình nhâm nhi hết nửa chai rượu. Thương thằng Út, nhớ lời thằng Út, ông uống giảm đi một nửa.

Hơn năm sau, ga ra giải thể, thằng Út mất việc, trở về quê. Ông già Hai lại hối thúc nó tìm chỗ xin việc làm để có tương lai. Nó nói có bạn bè giới thiệu chỗ làm mới nhưng nó không chịu:

- Năm nay, nội đã bảy mươi sáu tuổi rồi mà ở nhà có mình ên, con hổng an tâm. Con ở nhà lo làm ruộng, chí thú với mấy công vườn, ông cháu mình sống khỏe re. Lúc trước, đi học, đi làm xa nhà, xa nội, ban đêm con ngủ hổng được! Con thấy nhớ nội, nhớ xóm Vàm Me của mình quá hà!

Thằng cháu nói, ông lại kìm nước mắt, để cười.

Một buổi trưa, thằng Út tâm sự với ông Hai:

- Nội à, có đi làm xa nhà con mới biết hổng chỗ nào an ninh bằng quê mình: không ma túy, không trộm cắp, là chòm xóm mà thương nhau như bà con ruột thịt.

Ông già Hai cười thật tươi:

- Chà chà... bữa nay thằng Út “đèo” của nội học hỏi ở đâu mà nói chuyện y như người lớn vậy cà. Í dà, biết nghĩ như vầy là cưới vợ được rồi nè!

Thằng Út nheo nheo cặp mắt:

- Nội cứ ghẹo con hoài. Thì... thì... năm nay cháu của nội cũng lớn bộn rồi.

Nhìn gương mặt rạng rỡ của ông Hai, thằng Út lại đắn đo- nỗi niềm mà có lẽ nó đã suy nghĩ mấy ngày liền. Cuối cùng, lấy hết can đảm, nó rụt rè hỏi:

- Dân xóm mình sống rất tình nghĩa phải không nội? Nhưng... nói về tình nghĩa thì hồi nào tới giờ con thấy chỉ có nhà mình là... lạ nhất xóm Vàm Me này luôn.

Ông Hai phì cười:

- Có phải chuyện lạ là nội không có vợ mà có con, có cháu, phải hông thằng khỉ?

Thằng Út hơi ngập ngừng:

- Dạ không! Chuyện đó thì con... con xin lỗi nội, con đã biết rồi. Là chuyện... lâu nay nhà mình cứ bị mất cắp hoài mà nội không nói gì, hình như là nội không tức giận gì hết. Dù chỉ là vặt vãnh, khi thì con gà, con vịt, trái cà, trái mướp,... nhưng cũng do mồ hôi mình đổ xuống. Con biết nội có tánh thương người nhưng những lúc cần giận cũng phải biết giận chớ!

Ông Hai hơi lúng túng rồi chùng
giọng xuống:

- Thì... thì... người ta làm sai, có thể mình không nói gì để người ta... nhận ra rồi...

- Người ta làm sai? Chuyện lạ lắm nội à! Mấy ngày trước nhà mình mất con gà trống, tình cờ con đi ngang nhà bà Tư Mụ, “của trời cho” của bà Tư lại chính là... con gà của nhà mình.

Ông Hai nhìn thằng cháu, bối rối. Thằng Út lại tiếp:

- Còn chuyện này thì càng lạ hơn nữa. Khuya hôm đó, con nghe tiếng gà kêu lớn ngoài chuồng. Tưởng rắn hổ hành bò vô ổ gà ấp, ai dè khi mở cửa ra con thấy thấp thoáng một bóng người vội vã chạy ra sau vườn, và tướng... rất giống nội. Con định đuổi theo nhưng... vội quay vào buồng ngủ thì phát hiện... nội của con lại mất biệt. Con xin lỗi, nội có chuyện gì giấu con và mọi người phải không? Con cũng đã lớn rồi, xin nội hãy nói cho con biết.

Ông Hai choáng váng, hai tay ôm đầu, khụy người xuống. Thằng Út hốt hoảng, dìu ông ngồi xuống bộ ngựa, lo lắng:

- Nội ơi, nội ơi, nội có sao không? Xin lỗi, con xin lỗi nội!

Ông Hai nhắm nghiền, bao dấu vết của thời gian kéo nhau chạy về đuôi mắt, ép những giọt nước mằn mặn, nong nóng phải tràn bờ. Rồi ông nghẹn ngào kể lại cho đứa cháu nghe câu chuyện mà ông đã giấu kín gần hết cuộc đời.

... Năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, bà Tư lúc ấy khoảng ba mươi tuổi làm nghề đỡ đẻ, bà con thường gọi là mụ vườn. Vào một đêm khuya không trăng, bà được tin bên kia sông Cái có người chuyển dạ nên lật đật cùng ông chồng của sản phụ xuống ghe đi ngay. Hai người phân vân: nếu vòng qua rạch Bằng Lăng e rằng sẽ chậm trễ và nghĩ rằng trong mình không mang theo của cải gì thì tình hình cướp bóc ở đầu Vàm Me chắc ổn nên quyết định chèo ghe thẳng ra vàm. Không ngờ, vừa tới đầu vàm thì gặp ngay bọn cướp núp trong đám bần tấn công bất ngờ. Người đàn ông vốn biết chút đỉnh võ nghệ, và dù đã thủ sẵn con dao phay để hộ thân nhưng cũng bị thương. Tụi cướp nhiều đứa cũng bị “dính đòn”. Riêng bà Tư bị chúng chém hai nhát vào tay, ngất xỉu. Tỉnh dậy, bà thấy mình nằm ở nhà thương và bác sĩ cho biết có một nhát dao khá nặng, đứt gân. Thời buổi y học chưa phát triển như ngày nay nên bà phải chịu tật nguyền là bị liệt một tay. Gần một tháng sau, khi sức khỏe bà tạm ổn thì người chồng vốn lười biếng lại nhẫn tâm ẵm đứa con trai bỏ đi không trở lại. Cánh tay của bà mụ không còn, bà đành bỏ luôn nghề đỡ đẻ. Cảnh sát thời đó cũng tiến hành điều tra nhưng nhóm cướp giải tán, biệt tăm. Bảy năm sau, nước nhà thống nhất, thay đổi chính quyền nên vụ việc rồi cũng trôi qua. Vàm Me yên bình, dân cư kéo đến khai hoang, lập nghiệp, nhà cửa đông đúc dần thành xóm Vàm Me.

Nghe câu chuyện, thằng Út rất bất ngờ. Sau một hồi suy nghĩ, nó rụt rè hỏi:

- Thưa nội, hổng lẽ ông và bà Tư...? Và người đàn ông... vô tình đó hổng lẽ... chính là nội nên bao nhiêu năm nay ông cố tình bù đắp...? Sao ngang trái y như trong phim vậy nội?

Giọng ông già Hai run run, khản đặc:

- Không phải, để nội kể... Út à, từ nào tới giờ ai cũng nói nội là người tốt, nuôi con rơi, con rớt của thiên hạ, bắc cầu bồi lộ cho bà con, mua tập vở, quần áo cho mấy đứa con nít nhà nghèo,... Không phải vậy đâu con! Nội là người hai mặt, là kẻ không có nhân tính, là người đáng bị trừng phạt.

Thằng Út trố mắt, cãi:

- Không, không phải! Nội của con là người tốt, tốt nhất trên đời này luôn.

Ông Hai mím chặt môi:

- Không! Nội không tốt đâu con! Nội sẽ cho con biết sự thật mà bấy lâu nay, mỗi ngày, mỗi giờ nội đều phải đối diện với lương tâm, ray rứt lắm. Nội... nội của con... chính là một trong những tên cướp ở Vàm Me.

Thằng Út giật nảy người:

- Trời! Trời! Không, không phải sự thật, nội xí gạt con phải hông?

Ông già Hai sờ lên vết thẹo đã hằn theo thời gian trên má, thú tội:

- Năm đó, nhà nghèo, không nghề nghiệp, mê chơi, nội đã gia nhập bọn cướp. Đó là lần đầu tiên mà cũng là duy nhất nội làm chuyện xấu. Dù nội chỉ là người cầm máy, không trực tiếp gây ra tội ác nhưng nỗi bất hạnh của bà Tư Mụ hiền lành luôn mang đến hạnh phúc cho mọi người khiến nội thấy bản thân không xứng đáng là con người.

Sau vài giây nức nở, ông Hai tiếp:

- Năm nay đã bảy mươi sáu tuổi rồi, mấy chục năm bị tòa án lương tâm giày vò, nếu cần nội sẽ sẵn sàng chịu tội trước pháp luật. Nhưng nội mong rằng con sẽ là người đầu tiên phán xét, thật lòng về bao tội lỗi mà thời trẻ nội của con đã lầm lỡ gây ra.

Nước đang lớn, có tiếng con bìm bịp rền rĩ ngoài vàm rạch. Thằng Út ngỡ ngàng ôm chầm lấy ông Hai, thảng thốt kêu lên trong nước mắt: “Nội ơi!...”.