Chân trời, thành lũy phía xa?

Cập nhật, 20:33, Chủ Nhật, 30/09/2018 (GMT+7)

Tôi thường bị choáng bởi vẻ đẹp rực rỡ khi đi lên cầu Cần Thơ. Nhưng, không phải lúc bình minh hay hoàng hôn chân trời ửng đỏ, ông mặt trời ẩn hiện sau những cuộn mây, mà là lúc ông mặt trời lên cao chói lóa- không ai nhìn ổng được nữa.

Lúc đó, không cần ngước lên cao vẫn thấy bầu trời trong veo và xanh ngăn ngắt, những núi mây trắng bồng bềnh bung xõa trên đỉnh đầu như những núi bông gòn.

Đẹp nhất là đặt cầu Cần Thơ vào giữa bức tranh này để thấy mây trắng cuồn cuộn dưới nền trời xanh, lơ lửng treo trên phía đỉnh cầu, dưới chân cầu là dòng sông đỏ phù sa, tấp nập ghe thuyền xuôi ngược, hai phía bờ là hai đô thị vùng sông nước đang từng ngày thay da đổi thịt.

Những lúc “choáng” nhất thời như vậy, tôi thường mượn câu hát trong bài “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn để ngâm nga “... mây che trên đầu và nắng trên vai” thấy sao mà hợp hoàn cảnh quá!

Nhưng vẫn như thường khi, cảm thấy câu hát chưa lột tả hết cảnh sắc hùng vĩ hiện ra trong mắt mình, nhưng không biết dùng từ ngữ nào diễn tả, đành lặng lẽ hít hà, tiếc nuối.

Đúng là đâu chỉ có mây ngàn, núi cao, biển rộng, sông dài… mới họa nên đến những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng mà quần thể dòng sông, chiếc cầu và bầu trời cũng đã dư sức tạo nên bức tranh đầy huyễn hoặc.

“Thả trôi” xe máy từ giữa cầu về phía Vĩnh Long, tôi lại giật mình phát hiện cả khu rừng và thành lũy phía xa. Tôi tự hỏi mình, phải chăng nếu tôi cứ nhắm thẳng mà chạy như thế hoài sẽ “đụng” đường chân trời? Phải chăng, trước mặt tôi là cả bức tường thành làm bằng cây lá?

Tin, tin… tiếng còi xe vang vang thức tỉnh. Tôi tự cười mình, đúng là “tóc vàng hoe” quá, trên đời này làm gì có chân trời, làm gì có khu rừng, thành lũy đắp cao giữa bốn bề thiên nhiên bao la như thế.

Chỉ là, không có giới hạn nào cho trí tưởng tượng, sức sáng tạo và khát khao chinh phục những khoảng trời. Quan trọng là cần luôn đủ mạnh mẽ và bản lĩnh.

SÔNG HẬU