Vài cảm nhận về "chất nông thôn" trong tác phẩm "Tình đất" của Văn Hiến Vĩnh

Cập nhật, 15:41, Thứ Ba, 25/09/2018 (GMT+7)

Hôm rồi, trong lúc “lang thang” tìm tư liệu trên mạng, tôi tình cờ đọc được truyện ngắn “Tình đất” của tác giả Văn Hiến Vĩnh. Đọc xong, tôi liền nảy ra ý định là phải viết đôi điều gì đó về tác phẩm này, có thể là vài cảm nhận hoặc một vài suy nghĩ về tác phẩm nên tranh thủ một buổi để viết.

Truyện mang tính chất tự sự, bình thường, mộc mạc, không cầu kỳ về mặt văn chương, nhưng cái kết có hậu, đầy bất ngờ và cảm động.

Truyện viết về tình cảm của một chàng trai nông dân hiền lành, chất phác, bị vỡ mộng trong tình yêu bởi mối tình đơn phương với cô gái quê xinh đẹp. Nhưng nếu truyện chỉ xoay quanh chuyện tình yêu, tình cảm đó thì không có gì đặc biệt phải nhớ.

Điều mà tôi nhận được là không khí đồng quê bàng bạc trong suốt câu chuyện, đó là việc đồng áng, việc làm ăn của bà con nông dân được tác giả nêu ra khá chi tiết và cụ thể.

Đặc biệt, đọc xong truyện mới biết tác giả viết về xây dựng nông thôn mới, nhưng không một chữ nào nói đến nông thôn mới, nhưng hình ảnh về nông thôn mới cứ hiện dần ra theo từng diễn biến của câu chuyện. Dường như đây là sự “sắp đặt” có chủ đích của tác giả.

Trước khi nói đến vấn đề này, tôi xin nêu một nét đẹp trong tác phẩm mà tôi rất thích, đó là các loài hoa, bởi tôi cũng là một trong số những người yêu hoa. Truyện không dài, nhưng tác giả đã nhắc đến tên của mười loài hoa khác nhau, có loài nhắc đi nhắc lại nhiều lần theo tâm trạng của nhân vật chính.

Đoạn đầu truyện đã xuất hiện 3 loài hoa: “Hà ngồi lùi ra sau bụi chuối, gần gốc cây bằng lăng trổ hoa tím biếc, phía sau là một ao sen rộng lung linh những cánh sen hồng. Cạnh bờ ao nở rộ mấy hoa huệ nước, màu đỏ thắm pha lẫn cam rực rỡ”.

Ba loài hoa này được tác giả nhắc đến nhiều lần theo diễn biến của truyện: “Hà vẫn ngồi dưới gốc bằng lăng phủ đầy hoa tím, cạnh ao sen và bụi hoa huệ nước đang khoe sắc trong nắng”.

Hoặc ở một đoạn khác: “Thu vẫn thường ngồi dưới gốc bằng lăng như ngày xưa Hà vẫn thường ngồi. Bằng lăng có mùa không hoa, nhưng huệ nước lúc nào cũng rực rỡ màu cam lửa”. Đoạn khác thì: “Cánh sen đẹp như bàn tay Thu ngày nào. Hoa huệ nước vẫn tủa lên từng chùm đỏ rực…”.

Tiếp đó, là những vật dụng có màu sắc của hoa hoặc có hình bông hoa, như: chiếc áo bà ba màu tím hoa cà; cái kẹp tóc hình hoa hồng đỏ thắm…Và còn nữa những loài hoa khác: “Một buổi trưa đầy nắng, bên bờ ao phủ đầy hoa dại”; hoặc “Nhìn lên bờ, thấy có mấy bụi hoa cúc vàng rực, tôi chồm lên, ngắt vài nhánh tặng cho Thu”.

Rồi đến hoa lục bình và những loài hoa khác được nhắc lại: “Ngày ngày, nhìn cánh sen hồng, nhìn hoa cúc vàng, tôi nhớ bàn tay xinh đẹp của Thu. Lục bình với màu hoa tim tím lững lờ trôi làm tôi lại nhớ ngày Thu bơi xuồng cùng tôi vớt lục bình. Màu trắng tím của hoa khoai lang trước kia sáng đẹp, bây giờ lại là màu tím buồn…”.

Bên cạnh các loài hoa, tác giả Văn Hiến Vĩnh còn đề cập đến việc xây dựng nông thôn mới trong tác phẩm. Điển hình như đoạn: “Ngày tháng dần trôi, những con đường đất quanh quanh dần được thay thế bằng những đường đan.

Xã làm quy hoạch, xây nhà văn hóa, xây chợ…, nhưng căng nhất là mở con đường lớn chạy qua ao sen hồng. Nếu không khéo, sẽ không còn ao sen đầy thơ mộng và kỷ niệm, dù là kỷ niệm buồn. Tôi đang lo lắng thì xã mời lên họp.

Được chú Sáu bàn trước, tôi phát biểu trong cuộc họp. Dù tôi nói chưa được mạch lạc, nhưng ai cũng biết đại ý là quy hoạch phải gắn với thực địa, với cảnh quan môi trường. Nếu mở con đường đi ngang ao sen, sẽ mất đi nhiều dòng chảy, ảnh hưởng các hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên khác. Cảnh quan cũng sẽ bị phá vỡ.

May là huyện, xã chịu khó nghe và điều nghiên xem xét lại. Con đường được dịch chuyển hướng khác khi điều chỉnh quy hoạch. Chú Sáu mất hơn một công ruộng cho việc làm đường. Kể ra thì bề nào cũng mất, nhưng mảnh ruộng màu mỡ nhất, các vùng trũng chứa và tiêu thoát nước vẫn không bị ảnh hưởng.

Điều quan trọng đối với tôi là ao sen thơ mộng tràn đầy kỷ niệm vẫn còn. Mảnh đồng trống, nơi tôi và anh Hai ngủ giữ xà ngôn, chỉ cách con đường mới mở vài trăm mét. Tiện lợi, nhưng cũng mất đi phần nào vẻ đẹp thôn dã”.

Đoạn này, rõ ràng là tác giả tả về một nông thôn dần đổi mới đi lên; nhưng theo tôi, còn có một ẩn ý rất quan trọng; đó là ẩn ý về việc quy hoạch nói chung và quy hoạch ở các xã nông thôn mới nói riêng.

Một số quy hoạch khi đi vào thực hiện đã phá vỡ cảnh quan môi trường, thậm chí làm ô nhiễm, ngăn cản dòng chảy, gây ngập úng nơi này nơi khác. Nhưng đọc truyện này, chúng ta thấy hài lòng vì chính quyền xã, huyện biết lắng nghe ý kiến người dân để điều nghiên, xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch.

Không ai biết thực tiễn, thực tế bằng người dân đã sống và gắn bó lâu đời với vùng đất của mình. Việc phá hoại cảnh quan môi trường trong xây dựng đã từng xảy ra nơi này nơi khác, phải chăng tác giả đã ngầm ý cảnh báo thật nhẹ nhàng mà ai tinh ý mới nhận ra.

Cảnh thôn quê đổi mới cứ hiện dần trong truyện qua việc sản xuất, học tập, công việc đồng áng: “Việc làm ăn, phát triển sản xuất trong xóm ấp được mở rộng; tùy theo khả năng, người thì trồng lúa cao sản, người nuôi ba ba, người nuôi vịt an toàn sinh học, người trồng hoa kiểng…”.

Đọc truyện này, tôi cũng rất thích không khí sản xuất trong tác phẩm, nhất là đoạn: “Tôi với anh Hai cuốc đất lên liếp. Việc bón lót và làm cho đất tơi xốp được hai người làm thật kỹ. Ngày xuống giống cũng là ngày chủ nhật nên có Thu ra phụ. Tôi vui vui vì có người giúp việc bé tí.

Tôi cầm lưỡi cuốc bản rộng, cuốc nhẹ vạch đất ra, Thu nhanh nhẹn đặt một đoạn dây khoai lang vào, tôi đưa lưỡi cuốc lên và đẩy nhẹ tới thì đất phủ lại như cũ. Hai người làm nhịp nhàng, khớp nhau từng động tác như đã từng tập sự với nhau”.

Còn nói về trồng dưa leo thì có đoạn: “Tôi bày việc trồng khoai, còn anh Hai bày việc trồng dưa leo. Anh nói đã trồng loại củ chui xuống đất thì cũng phải có loại củ lủng lẳng trên trời cho cân bằng. Chà gai, tre khô nhiều, bỏ không phí của, tận dụng trồng dưa cho đỡ buồn, lại có thêm thu nhập”.

Có một lần, tôi hỏi tác giả lấy nguồn cảm hứng từ đâu, các mô hình sản xuất từ đâu để viết truyện này, anh cho biết năm 2012, được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức đi thực tế sáng tác tại các xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, anh được phân công đi thực tế tại xã Đông Thạnh (Bình Minh); các mô hình sản xuất như: nuôi vịt an toàn sinh học, nuôi ba ba, cánh đồng cao sản…, kể cả dáng vóc của cô cán bộ xã hướng dẫn đoàn đi thực tế đều ít nhiều xuất hiện trong tác phẩm.

Anh Văn Hiến Vĩnh cho biết thêm: “Lúc đi dạy học ở vùng quê huyện Trà Ôn, tôi đã từng ngủ giữa đồng, từng trồng khoai, trồng bầu, từng cấy lúa với bà con nông dân nên mới biết những việc trồng trọt này”.

Cùng với những việc cực nhọc trong lao động sản xuất là thành quả mang lại: “Ruộng khoai lang hôm nào giờ đã xanh tốt.

Lá tỏa xanh um phủ trùm mặt đất, những cánh hoa tròn màu trắng ửng tím ở giữa như phản chiếu ánh mặt trời. Thu thường ngắt những đọt non về luộc. Bóng em nghiêng nghiêng trong nắng đã trở thành hình ảnh thân quen bên rẫy khoai. Hôm nào hái được nhiều thì tôi đưa cho mẹ mang ra chợ bán.

Bầu thì đã lên giàn, những cánh hoa to màu trắng nở đầy đặn trên giàn. Đến lúc bầu có trái, mỗi dây bầu ước lượng lúc nào cũng có bảy tám chục trái lớn nhỏ đủ cỡ. Có trái lớn màu xanh nhạt, dài cả thước, to gần bằng bắp đùi người lớn; có trái nhỏ như ngón tay màu xanh đậm còn phủ lông tơ”.

Có lẽ tôi trích dẫn hơi dài, nhưng đó là những đoạn tôi thích. Những hình ảnh này gợi nên cảnh sản xuất của những người nông dân một nắng hai sương, mà người sống ở thành thị ít ai được biết. Ở một đoạn khác là cảnh thơ mộng dưới ánh trăng giữa đồng lúa:

“Đêm đó, trời đầy trăng. Ánh trăng vằng vặc soi xuống cánh đồng. Ruộng lúa chỗ oằn bông, chỗ thì trơ gốc rạ, lung linh mờ ảo khói sương. Anh Hai trải tấm đệm lên một bãi cỏ êm êm, rồi châm trà.

Chuyện khan một hồi, anh lội xuống miệng cống kéo xà ngôn lên. Người nào cũng ồ lên mừng rỡ khi thấy lổn ngổn mấy con cá lóc, cá rô… đang giãy rồ rồ bên trong. Anh Hai nói: Hên quá, mới giờ này đã có cá mắc bẫy. Có mồi lai rai rồi. Anh đổ cá vào xô rồi lội xuống nước gài tiếp.

Anh bắt hai con cá lóc phủ rơm lên, đốt lửa nướng trui. Ánh lửa bùng lên, khói lam cuộn tròn. Mùi rơm cháy khăng khẳng, nồng nồng làm tôi ngây ngất giữa cánh đồng đêm thơ mộng”.

Có lẽ những cảm nhận của tôi còn sơ sài, mang tính liệt kê, nhưng vì thích nội dung câu chuyện nên tôi mạnh dạn viết ra. Mở đầu truyện, tôi cứ ngỡ đây chỉ là chuyện tình cảm, tình yêu lãng mạn; nhưng chuyện tình cảm nồng thắm của nhân vật lại gắn với một nông thôn đang đổi mới từng bước đi lên.

MINH TRIẾT