Hộp cá mòi của má

Cập nhật, 07:58, Chủ Nhật, 29/07/2018 (GMT+7)

Từ cuối năm 1969, địch liên tiếp đưa quân càn quét, đóng đồn bót lấn chiếm vùng giải phóng giáp ranh 2 huyện Trà Ôn và Cầu Kè (Trà Vinh lúc bấy giờ).

Hồi ấy, ngoài việc dùng bom, pháo bắn phá thì hầu như những vùng quê giải phóng như các xã Tích Thiện, Vĩnh Xuân, Thuận Thới (Trà Ôn). Tam Ngãi, An Phú Tân và Thông Hòa (Cầu Kè) ít khi vắng dấu giày của giặc.

Có thể nói, sau Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta thì đây là thời gian khó khăn đáng kể của cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.

Với địch, ngoài việc thường xuyên đưa quân chủ lực thuộc Sư đoàn 9 bộ binh càn quét, hỗ trợ đóng đồn bót lấn chiếm vùng giải phóng 2 huyện Trà Ôn và Cầu Kè còn là mở đường cho việc tiến hành âm mưu bình định cấp tốc tỉnh Trà Vinh.

Với quân số đông, có máy bay, xe lội nước M113, pháo binh yểm trợ và trang bị hiện đại, địch đã gây không ít khó khăn cho ta trong việc hợp đồng chiến đấu giữa bộ đội địa phương và dân quân du kích; thậm chí có nơi lực lượng ta phải tạm thời rời bỏ địa bàn để bảo tồn lực lượng.

Dù phải chứng kiến tình hình thực tế ấy, mẹ của chiến sĩ Nguyễn Thị Đoan (anh em ta còn gọi là má Ba ở ấp Giồng Nổi (xã Tam Ngãi- Cầu Kè) vẫn một lòng tin tưởng Đảng, tin tưởng sự nghiệp cách mạng thắng lợi. Má Ba đã nhiều lần qua mắt địch giúp bộ đội chiến đấu.

Chẳng những thế, má còn đi đến nhiều nơi như Cà Mau, Sóc Trăng tìm và rước người thân của anh em cán bộ chiến sĩ đơn vị Trung đoàn 3 về địa phương để thăm con em mình. Nhà má cũng nhiều lần tổ chức lễ tuyên bố (cưới vợ cho anh em bộ đội).

Anh Hoàng Anh quê ở Cà Mau- Đại đội phó Đội Săn tàu của Trung đoàn 3 (Quân khu 9) có lần kể: “Chiến tranh ác liệt quá, mình và vợ mình quen nhau lâu rồi mà đơn vị vẫn chưa tổ chức tuyên bố được. Biết vậy, má Ba nêu ý kiến với chỉ huy, sẵn sàng đứng ra tổ chức tuyên bố cho vợ chồng mình. Sau đó, vợ chồng mình được tổ chức tuyên bố tại nhà má Ba. Mọi việc cần cho lễ tuyên bố ấy gần như được má Ba lo liệu hết.

Một lần trên đường công tác, tôi ghé nhà má vào khoảng nửa đêm. Nghe tiếng của tôi, chừng như cả nhà má Ba đều thức giấc. Gặp tôi, má chạy đến ôm vào lòng, miệng hỏi dồn dập: “Con khỏe, mấy anh em con khỏe hết không?...”.

Tôi đáp lại: “Dạ khỏe hết má à! Anh em nhắc má và gia đình nhiều lắm”. Nghe vậy, má nói tiếp: “Hổm rày, giặc nó đánh tới đánh lui hoài. Má lo cho mấy con lắm”.

Nói xong câu ấy má lại bảo: “Con rửa mặt, rửa tay nghỉ ngơi một chút cho khỏe rồi ăn cơm để ngày mai còn đối phó với giặc. Má thấy trời sắp tối mà bọn lính đi càn vẫn còn nổ súng ở hướng Bưng Lớn”.

Bụng đói, ăn cơm với cá mòi mà tôi cảm thấy ngon làm sao. Khi ăn cơm, tôi còn được nghe má kể chuyện rước vợ anh Huấn từ Sóc Trăng lên thăm chồng. Khi rước được vợ anh Huấn về thì được tin anh Huấn bị thương khi đánh trận Chế Bán (An Phú Tân) chiều hôm trước.

Vậy nên cả nhà má đều giấu nói là anh Huấn không về kịp vì bận công tác đột xuất. “Thấy cảnh vợ chồng không được gặp nhau, má thương tụi nó biết chừng nào”- má Ba nói.

Lúc này, ngồi bên Má còn có thằng Xuân Lập- con trai út của má. Xuân Lập năm ấy chỉ mới 13- 14 tuổi mà đã 2 lần hỏi má xin đi bộ đội đánh giặc trả thù cho anh Lợt- anh của mình.

Thấy má không hỏi tôi gì nữa, Xuân Lập hồn nhiên kể: “Anh Tám biết hông, 4- 5 ngày nay tụi nó càn tới càn lui hoài, em đâu đi bắt cá, tép được nên cả nhà phải ăn cơm với nước mắm. Thấy có hộp cá mòi, em kêu má đem ra ăn nhưng má không cho. Má nói “để dành cho anh mầy có về thì có mà ăn mình ở nhà ăn sao cũng được, cực vài bữa có sao đâu, còn anh em tụi nó phải cho ăn no để có sức mà đánh giặc”.

Nghe Út Lập nói đến đây, lòng tôi như quặn lại trước tấm lòng cao đẹp của má dành cho cách mạng, dành cho kháng chiến. Rồi như để xoa bớt nỗi xúc động của tôi, má an ủi, động viên: “Mấy con ở đây thì má lo. Còn con của má ở chỗ khác thì mấy má khác lo cho vậy mà”.

Má Nguyễn Thị Đoan có 5 người con gồm 3 trai, 2 gái thì có đến 3 con trai, 1 con gái và 1 rể tham gia kháng chiến và trong số ấy đã có 1 người hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Bữa cơm ăn với cá mòi lần ấy ở nhà má Ba nay đã qua gần 50 năm. Khoảng thời gian này đã làm phai mờ không ít kỷ niệm trong tôi, nhưng bữa cơm đặc biệt ấy trong những tháng năm kháng chiến gian khổ và hình ảnh của má Ba hết lòng vì cách mạng đến nay vẫn còn in đậm mãi trong tôi.

TRỌNG DÂN