NSƯT Thanh Hoàng

Tác giả vở "Dạ cổ hoài lang" hóa người thiên cổ

Cập nhật, 08:34, Thứ Bảy, 28/07/2018 (GMT+7)

NSƯT Thanh Hoàng- nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh, tác giả vở kịch nói nổi tiếng “Dạ cổ hoài lang”- đã qua đời lúc 16 giờ 15 ngày 26/7/2018, sau thời gian điều trị ung thư vòm họng di căn sang lá lách. Anh ra đi ở tuổi 55…

Trong trí nhớ của nhiều người bạn cùng thời, Thanh Hoàng là một nghệ sĩ giản dị, lúc nào cũng tận tâm, nghiêm túc trong công việc lẫn cuộc sống.

Với đạo diễn Công Ninh- người dựng vở “Dạ cổ hoài lang” do Thanh Hoàng viết kịch bản, công diễn trên sân khấu kịch 5B năm 1994- thì: “Tôi quý Thanh Hoàng vì anh luôn nghiêm túc, không chấp nhận sự cẩu thả, lười biếng trong diễn xuất. Còn tôi là người hơi dễ dãi, không chú trọng tiểu tiết. Anh thường nhắc nhở tôi những chi tiết nhỏ nhất để cùng hoàn thành tốt một vở diễn”.

Trong ký ức của NSƯT Quốc Thảo, Thanh Hoàng là một đồng nghiệp giản dị, mẫu mực. 2 người cùng trưởng thành từ sàn diễn 5B Võ Văn Tần vào thập niên 1990. Quốc Thảo nhận xét: “Thanh Hoàng luôn giữ được tính cần kiệm, hiền lành. Anh là tấm gương về sự chịu thương chịu khó, đi lên từ số không...”

Theo Quốc Thảo, có lẽ nhờ trưởng thành từ một hẻm nhỏ Sài Gòn đủ thành phần, chất đời và chất Nam Bộ đã ngấm vào Thanh Hoàng, khiến cho lối diễn xuất của anh trên sân khấu lẫn các kịch bản anh viết ra đều thấm đẫm những tâm sự của nhân tình thế thái.

Còn Hồng Vân chơi thân với vợ chồng Thanh Hoàng từ thời trẻ. Sau này, anh có thời gian đồng hành Hồng Vân trong vai trò quản lý sân khấu kịch Phú Nhuận, phụ trách chuyên môn của sân khấu kịch Phú Nhuận được 10 năm, trước khi qua sân khấu 5B Võ Văn Tần làm giám đốc.

“Thời đó, sân khấu của chúng tôi vững mạnh là nhờ công rất lớn của Thanh Hoàng. Anh là con người của công việc, có những hôm anh ấy ở sân khấu tới khuya mới về. Tôi luôn yên tâm khi có anh ấy đồng hành”- Hồng Vân nhớ lại.

Nghệ sĩ Đức Hải là nghệ sĩ hài miền Bắc từng làm việc cùng với nghệ sĩ Thanh Hoàng, anh gần như không tin rằng nghệ sĩ Thanh Hoàng đã qua đời: “Bạn là người nghệ sĩ rất đáng được trân trọng, luôn nghiêm túc với nghề và với đời. Bạn hiền lành đến mức khó tin và bạn ra đi đột ngột lại càng không thể tin nổi! Thương bạn nhiều lắm!”

Tài năng viết kịch bản của Thanh Hoàng là điều các đồng nghiệp luôn trân trọng, tôn vinh. Cố nghệ sĩ thành công khi đưa được đời sống vào trong vở diễn. Lối viết của anh gần gũi, tự nhiên và chân thực mà theo Cát Phượng đó là “con đường đến với khán giả nhanh nhất, thấu đáo nhất”.

“Anh ấy là một tài năng trời phú và cũng là người chịu tìm tòi. Vở “Dạ cổ hoài lang” góp phần đưa tên tuổi của Việt Anh, Thành Lộc, Hồng Vân, Quốc Thảo lên một bậc, đến gần hơn với khán giả. Tôi đi xem vở này 4- 5 lần, lần nào cũng khóc. Tôi luôn ngưỡng mộ Thanh Hoàng và ước gì mình cũng được diễn một vai trong vở ấy”- nghệ sĩ Minh Nhí nói. Diễn viên hài tiếc nuối khi sinh thời, tài năng diễn xuất của Thanh Hoàng chưa nhiều cơ hội tỏa sáng, bởi anh chỉ đóng đinh với các vai phụ.

Thời còn diễn ở sân khấu 5B, Ngọc Trinh có rất nhiều kỷ niệm với cố nghệ sĩ vì anh là tác giả của nhiều vở kịch chị đóng. Trong ký ức của chị, Thanh Hoàng kín tiếng, đạo mạo, ít nói. Anh nhiều lần bị đồng nghiệp trêu phù hợp với công việc văn phòng hơn vì tính anh thích sự an toàn, không “một nắng hai mưa” như đa số nghệ sĩ.

Qua lời kể của các đồng nghiệp, Ngọc Trinh biết về bệnh tình Thanh Hoàng nhưng không nghĩ căn bệnh tiến triển nhanh đến vậy. “Anh ra đi là một mất mát lớn cho làng sân khấu miền Nam”- chị chia sẻ.

Diễn viên Cát Tường cũng như nhiều ngôi sao giải trí khác đều thương tiếc người nghệ sĩ từng có nhiều kỷ niệm với họ. Khi nghe tin dữ, Cát Tường nói: “Tôi vẫn nhớ như in khi tôi và anh Thanh Hoàng cùng nhau bàn về cách diễn tâm lý nhân vật. Dù anh đi xa, các vở diễn anh viết vẫn còn mãi trong tim tôi. Xin tiễn biệt”.

Diễn viên Cao Thái Hà từng đóng chung với Thanh Hoàng trong phim “Chữ hiếu thời @”, “Chàng khờ mất vợ”. Cô bật khóc khi nghe tin anh mất. Trên phim trường, cô gọi cố nghệ sĩ là “tía” vì cả 2 người thường đóng vai cha, con.

“Tía Thanh Hoàng là người yêu nghề lắm. Tía từng nói diễn vì đam mê chứ không phải vì tiền. Tôi còn cãi lại với tía rằng đi diễn có tiền mới làm được. Tôi sẽ nhớ mãi lời tía dặn về tình yêu nghề nghiệp”- cô bày tỏ.

Anh đã ra đi hóa người thiên cổ, để lại bao ước mơ còn dang dở...

Năm 1993, Thanh Hoàng nghĩ ra ý tưởng viết một kịch bản sân khấu về cuộc sống Việt kiều nơi đất khách quê người. Và, vở “Dạ cổ hoài lang” ra đời. Nội dung kịch kết hợp những cảm xúc của bản cổ nhạc “Dạ cổ hoài lang” (cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu) cùng các câu chuyện do anh đọc trên báo và qua lời kể bạn bè. Hơn 20 năm qua, Dạ cổ hoài lang có hơn 1.000 suất diễn, từng đoạt 4 huy chương vàng cho 4 diễn viên trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Năm 2014, đạo diễn Vũ Minh dàn dựng lại “Dạ cổ hoài lang” phiên bản mới cho sân khấu Idecaf và kịch tiếp tục tạo cơn sốt vé.

 


THY HƯƠNG (tổng hợp)