Truyện ngắn

Gái Sơn Đông

Cập nhật, 09:32, Chủ Nhật, 27/05/2018 (GMT+7)

- Lên mui ăn chén cơm cho chắc bụng rồi khóc đi con! Không ăn, không uống, mắt ráo hoảnh, lòng trơ như đá, khó chịu lắm!

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Để nói được với đứa cháu nội cái câu như vậy, ông Chín đã phải nghĩ nát óc từ chiều rồi mượn cớ uống với mấy tay thương hồ hết mấy ly rượu để lấy can đảm.

Vậy mà khi nói ra, ông ngẫm lại thấy kỳ kỳ trong bụng. Con người ta đâu phải cái thùng nước máy, vặn vòi là nước chảy.

Có những nỗi buồn như con nước lũ, sắp tràn bờ thì phải khóc cho vơi, nhưng có những khi muốn khóc, biểu khóc mà có được đâu.

Ví như cái ngày bà Chín- vợ ông- mất bởi căn bệnh đau tim đột ngột, mắt ông cũng ráo hoảnh không một hột nước.

Vậy mà lòng ông đau, như có bàn tay nào vừa bóp chặt trái tim mình. Vợ ông đi, đi vội vã hệt như đang làm một chuyến xa dài ngày rồi về nhưng đó lại là lần ra đi vĩnh viễn.

Thằng con trai lúc ấy mới mười hai tuổi. Ông gà trống một mình nuôi con. Nhưng năm hai mươi ba tuổi, nó bỏ đi, ông can ngăn đã hết lời nhưng nó vẫn khăng khăng: “Con lên bờ để làm giàu với người ta, đeo đuổi cái ghe Sơn Đông mãi võ này riết chắc chết cuộc đời!”

Ngồi trước mũi ghe, nhìn thằng con trai quảy cái giỏ bạc màu lạc lõng giữa dòng người xuôi ngược, ông gạt nước mắt: Con lớn rồi, nó có cách nghĩ riêng của nó.

Qua năm sau, thằng con dắt về một cô gái trẻ, giới thiệu là vợ. Vợ nó, dâu của ông? Mặt mày con nhỏ coi cũng sáng láng nhưng con gái gì mà quần áo mỏng te, ngắn ngủn, đến như ông, là cha mẹ mà còn thấy ngại.

Trên chiếc ghe Sơn Đông chật hẹp, tụi nó cứ ôm quấn lấy nhau như sam. Sáng, ông dọn đồ nghề lên chợ bán thuốc gia truyền kiếm tiền.

Tan chợ, ông trở về thường thấy hai đứa đang diễn tuồng mùi mẫn trong mui, thậm chí đến nồi cơm cũng không nấu. Một bữa, ông kêu tụi nó lại rầy, thằng con trả lời đôi co rồi vùng vằng, dắt con vợ cuốn gói bỏ đi.

Mãi đến năm hai mươi tám tuổi, thằng con tìm trở về ghe, quăng cho ông đứa cháu gái vừa lên ba rồi lại biền biệt không tin tức cho tới bây giờ. Giận con nhưng nhìn cháu, ông thấy nó thật đáng thương, nó vô tội và dẫu sao cũng là ruột rà máu mủ.

Liên bỏ lên mui, không ăn cơm mà ngồi nhìn con nước có giề lục bình đang cô độc, bập bềnh. Cô nhớ về cái xóm nhỏ bên bờ con rạch Cái Tràm ngoằn ngoèo, mọc nhiều cây tra, nhà của bà Năm, chị ruột ông Chín.

Năm nào cũng vậy, mỗi khi bước vào mùa mưa dầm là hai ông cháu đều dong ghe về đó tá túc, có khi đôi ba tháng. Lần nào bà Năm cũng làm bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối,… đãi hai ông cháu.

Bà nói với Liên: “Ăn nhiều nhiều đi con. Tội nghiệp con nhỏ, quanh năm sống trên ghe, phiêu bạt khắp nơi chắc thiếu thốn lắm!”.

Chợt bà giật mình nhìn qua ông Chín, sợ em trai mình giận nên cười vả lả: “Ừ mà… có nội mầy cưng như trứng mỏng, có thiếu thứ gì mà lo nữa!”

Bà Năm còn dạy Liên hái trái bồ kết, đem nướng, bỏ vào nồi đun sôi, thêm vỏ bưởi hoặc cỏ mần trầu để gội đầu rồi xả bằng nước chanh cho mượt tóc.

Nếu ngay mùa bưởi trổ bông, thêm vào một ít hoa bưởi thì tóc càng thơm hơn. Có lần ngồi bên bà, Liên hỏi: “Hồi đó, chắc nội Năm đẹp lắm? Đẹp nhất là đôi mắt và mái tóc”.

Bà cười: “Đẹp gì mà đẹp, ế chồng tới già luôn rồi còn gì!” Còn một chuyện lạ, thời buổi bột giặt, nước xả đủ loại mà bà còn giặt quần áo bằng nước tro bếp.

Ở sàn nước lúc nào cũng có sẵn cái khạp đựng nước tro vàng vàng, nhơn nhớt. Bà nói: “Tro bếp không có chất tẩy. Giặt nước tro, quần áo mới được bền”. Bà nói chuyện sao hệt như những người của thuở xa xưa.

Và nhà Khang cũng ở Cái Tràm, xéo bên kia con rạch. Khang lớn hơn Liên hai tuổi. Là con trai mà Khang lại có hai cái lúng đồng tiền nho nhỏ bên khóe miệng, khi cười thật có duyên.

Hồi nhỏ, Khang hay rủ Liên bơi xuồng ra sông Cái thọc hang bắt cá kèo, có bữa tiện tay hái một mớ đọt lục bình non về chấm nước cá kho lạt.

Những lúc đùa, Khang hay bẹo vào má Liên, ghẹo: “Trời ơi, con gái gì mà đen thui thùi lùi, xấu gần chết! Lớn lên “ống chề” là cái chắc!”

Nghe chê, Liên chọc vào hông Khang mấy cái: “Ừ, để coi, mơi mốt lớn lên người ta bắt chước chị Út Hường, chị Thắm mua kem về thoa lên mặt là trắng tinh chớ gì”.

Khang bụm miệng, cười: “Í dà, bắt chước theo thần tượng. Mà, khi khổng khi không lại chọn ngay trân hai cái bà… xấu hoắc, xấu nhất xóm làm thần tượng vậy ta!”

Khi hai đứa lớn lên, không biết Khang nghĩ gì mà hay lén nhìn trộm Liên rồi cười mỉm một mình. Những lúc ngồi nói chuyện, nhìn vào mắt Liên, anh như bị thôi miên và có cảm giác như đang trôi trong đôi mắt long lanh đó.

Không những thế, Khang còn thích ngắm mái tóc của Liên, mái tóc từ nhỏ chuyên cúp ngang vai giờ đã dài óng mượt. Và ngộ thiệt, mái tóc ấy không còn khét nắng mà thoang thoảng hương bưởi và hương bồ kết.

Hai người đã yêu nhau? Chỉ biết rằng cả hai đều mòn mỏi trông chờ tới cái tháng mưa dầm, ghe Sơn Đông ế ẩm, để người dưng được thấy mặt người dưng rồi hẹn phía sau chùa kể nhau nghe biết bao điều muốn nói trong mấy tháng trời xa cách.

Vậy mà bây giờ, trong cái đêm nơi đất khách quê người, tim Liên đang vỡ vụn vì cái kẻ người dưng nước lã đó. Đêm nay, đám cưới người ta.

Đêm nay, có một người con gái sẽ làm lễ xuất giá để sáng mai về nhà chồng trong niềm vui hạnh phúc, đâu biết rằng trên chiếc ghe Sơn Đông bốn bề là nước lại có một người con gái xa xứ, ôm trong lòng một nỗi đau thầm kín.

Thấy ông Chín đang thiu thỉu, Liên lén bò vào trong lấy chai rượu thuốc của nội đem lên mui ghe, bậm môi uống liền ba ly, nghe lòng xót xa.

Ở rạch Cái Tràm chắc bây giờ vui lắm! Đêm đám cưới nào ở đó mà không đờn ca, có khi còn ca thâu đêm suốt sáng.

Còn trong bếp, có lẽ đang nhộn nhịp tiếng cười, tiếng nói, tiếng bằm xắt cồm cộp của mấy bà, mấy chị. Và Khang, bây giờ Khang đang làm gì?

Chắc anh cũng đang vui mà quên mất có một kẻ phương xa đang buồn, đang tủi, đang ngóng về phía chân trời để cố tìm một thứ gì đó trong vô vọng rồi chợt giật mình nhận ra quanh mình đâu đâu cũng toàn là nước.

Bất giác, Liên thấy đầu choáng váng vì men rượu và bao ký ức đẹp như thơ của ngày trước bỗng ào ạt quay về.

… Buổi trưa, tại ngôi chùa nhỏ, hai người đã thề nguyền không chỉ một lần trước đức phật từ bi rằng sau này sẽ mãi mãi sống bên nhau.

Cả hai cũng từng ao ước có mái ấm của riêng mình, trên một chiếc ghe thương hồ hay một căn nhà nhỏ gì cũng được, miễn là có hạnh phúc.

Có những buổi chiều mưa, nước đọng lại những giọt rưng rức buồn trên những cánh bông tra vàng. Trong mưa, gió đã xé toạc những cánh hoa bé bỏng làm trơ ra phần nhụy một màu tím thẫm, tím đến nao lòng.

Nhưng Liên lại yêu vô cùng cái màu dân dã đó nên đôi lúc cầm bông tra trên tay mà mắt Liên rưng rưng như sắp khóc. Những lúc như vậy, Khang hay cười ghẹo: “Con gái thiệt là… sao ưa mít ướt và lãng mạn quá vậy?”

Liên còn nhớ cái hôm đi đám cưới nhỏ bạn ở Ụ Trâu. Đường từ Cái Tràm tới Ụ Trâu không xa lắm, tắt qua bờ trâm bầu rồi vòng ngang khu vườn bưởi ông Mười Hai, băng thêm một giang đồng nhỏ nữa là tới.

Đêm đó, trăng tròn vành vạnh, in hai bóng người nhấp nhô trên con đường đất lởm chởm. Và cũng trong đêm đó, Khang đã bạo dạn hôn Liên.

Ôi! Nụ hôn đầu đời với người con gái sao mà đẹp, mà khó quên đến vậy. Xong lễ xuất giá, Liên và Khang song ca bài Tân cổ giao duyên “Duyên tình”, ai cũng vỗ tay khen: “Tụi nó ca mùi hệt như Minh Vương và Lệ Thủy hà!” “Ta yêu nhau xa cũng nên gần, đừng nên tham phú phụ bần khó coi. Yêu nhau duyên phận mà thôi, của thì như nước hồ vơi lại đầy”. Khang đã hát như thế.

Nhưng giờ đây… “Gia đình không bao giờ chấp nhận đứa con dâu là gái Sơn Đông mãi võ”- mẹ Khang đã từ chối thẳng như vậy làm Liên nghe tủi trong lòng. Ông trời ơi! Gái Sơn Đông là xấu, là có tội hay sao?

Kỳ thiệt! Mới hồi trưa này, không hiểu sao Liên cứ nghe nôn nóng trong lòng, muốn lên bờ, chạy ngay tới bến xe, về Cái Tràm, gặp Khang, để nói với Khang một câu, chỉ đúng một câu thôi.

Nhưng… nói để làm gì? Người ta sắp lấy vợ! Tự dưng Liên cảm thấy buồn cười cho cái sự ngốc nghếch của mình.

Trời đã khuya tự lúc nào. Trên bờ, cái chợ nhỏ không còn khách qua lại. Dưới sông, sương đang dùng dằng khiến mặt nước trở nên mờ ảo. Mấy chiếc ghe thương hồ im lìm trong màn đêm đặc quánh, thỉnh thoảng vang lên the thé tiếng khóc trở mình của con bé con chị Năm ghe hàng.

Trước đây, mỗi lần nhìn vợ chồng và đứa con của anh chị Năm, Liên cứ luôn ao ước một gia đình hạnh phúc với người mình thương.

Bây giờ, Liên mới thật sự thấm thía nỗi cô đơn nơi đất khách khi quanh cô chỉ toàn là nước. Nước, nước quá mênh mông cứ ngày đêm mải miết không chịu nghỉ ngơi.

Dòng nước này chắc sẽ đi ngang rạch Cái Tràm để chứng kiến cảnh đám cưới nhộn nhịp của người ta. Rồi sáng mai, cũng chính dòng nước này cũng sẽ đưa ghe cưới tiễn cô dâu về nhà chồng.

Nước thì bao đời vẫn vậy, vẫn cứ vô tư chảy về trăm ngàn ngã rẽ, chỉ có người, đôi lúc bế tắc đến đỗi không biết đường mà đi.

Gió bấc đã về! Lại sắp tết! Một năm, ba trăm sáu mươi lăm ngày, lẩm rẩm mà mười hai tháng qua mau thiệt! Tết nay, rạch Cái Tràm sẽ có một cô dâu mới, chắc bỡ ngỡ, thẹn thùng vì chưa quen người, quen cảnh. Không biết tết năm nay mình sẽ về Cái Tràm với cảm giác như thế nào?

Tết nay mình sẽ đi đâu? Hồi nhỏ, mùng một tết năm nào Liên và Khang cũng được nội cho cái bao lì xì và không quên bỏ vào túi áo mỗi đứa một lá mai, nói để quanh năm luôn được sự may mắn.

Rằm tháng Chạp năm nay, ai sẽ qua nhà phụ bà nội Năm lặt lá mai rồi cứ ngóng xuống bến mà nhắc: “Hổng biết tới hăm mấy… ông Chín… mới về quê ăn tết, hén nội Năm?”

Và thế nào cũng bị bà cười ghẹo: “Hỏi ông Chín hay hỏi thăm con Liên vậy cà? Mà, ông cháu nó ở mị mị xứ nào, chừng nào dìa làm sao bà biết”. Lúc đó, chắc “người ta” sẽ đỏ mặt: “Tối ngày nội Năm cứ ghẹo con hoài!”.

Nằm co trên manh chiếu sau lái, ông Chín không tài nào chợp mắt. Thấy đứa cháu gái đang đau, đang khổ mà không giúp và an ủi được gì, ông ray rứt lắm.

Phải chi nó có má, phải chi bà Chín còn sống, phải chi ông đừng bắt nó theo ghe, nối cái nghiệp Sơn Đông mãi võ,… Tại ông! Tại ông! Ông tự trách bản thân.

Mà, trách thì được gì khi chuyện đã đến mức vô phương cứu chữa. Trước đây, có lần nghe ông chủ ghe hàng nói ghe thương hồ nào cũng trồng trên mui chậu ớt, chậu hành,… để đỡ nhớ quê, nhớ đất liền, Liên cãi: “Cần gì phải trồng ba cái chậu đó! Sáng sáng, chiều chiều nhìn thấy khói bếp trên bờ là đủ để nhớ rồi!”

Hồi đó, khi nghe đứa cháu nói, ông cười ngất vì cái lý sự càn. Nhưng bây giờ ông mới hiểu: Con Liên nhớ nhà lắm, nhớ mỗi ngày, mỗi bữa. Bất giác lưng ông như còng thêm xuống, vai khẽ run, nhìn hệt như khóc. Và, đúng là ông đã khóc.

Hồi nhỏ, ông Chín rất thích được cùng ba đi chợ tết, đến góc chợ coi biểu diễn nội công và bán thuốc gia truyền.

Không hiểu sao hễ mỗi lần nghe tiếng trống đoàn Sơn Đông vang lên là ông nghe háo hức lạ thường. Ông mê đoàn Sơn Đông kể từ đó.

Năm mười bốn tuổi, ba ông mất. Qua năm sau, ông xin anh chị Hai cho theo đoàn Sơn Đông mãi võ của thầy Năm Cứ, cũng là ba vợ của ông sau này.

Ba vợ chỉ có mỗi một cô con gái nên trước lúc từ giã sông nước, cầm tay chàng rể mà ổng chỉ trăng trối hoài một câu là nhờ ông cố gắng giữ cái nghiệp Sơn Đông mãi võ gia truyền đã mấy đời của ông bà.

Vậy là ông nghe theo, đeo đuổi với nghề đã mấy chục năm. Giờ đây, đôi lúc ông bị người ta liệt vào mấy tay Sơn Đông bán thuốc dỏm, hại người, ông buồn lắm.

Buồn cho bản thân đã đành, đằng này cái nghiệp Sơn Đông lại vô tình hại luôn cả hạnh phúc của đứa cháu ngây thơ, vô tội.

Ông lui cui bò vào trong mui, đến bên bàn thờ sư phụ, đốt nén nhang, khấn: “Ba ơi, chuyến này chắc con đành phải phụ lòng ủy thác của ba rồi, đừng trách con!”

Rồi ông quay sang bàn thờ của vợ, tay run run sờ lên bức ảnh đen trắng đã ố màu vì thời gian, nhang khói: “Bà ơi, mấy chục năm nay bà đã lênh đênh trên nước, dầm sương dãi nắng với tui nhiều rồi. Nếu hồn bà có thiêng thì phù hộ cho con nhỏ… Hôm nay, vì cháu nội… bà đừng giận tui, nghen!”

Ông Chín nghe buồn nhưng nhẹ nhõm sau khi vừa quyết định một việc, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Ông trở lên mui, đến bên cô cháu nhỏ.

- Liên à, sáng mai hai ông cháu mình về quê, lên bờ sống luôn, nghen con! Nội già rồi, sống hoài trên sông như vầy, nghe mệt mỏi lắm...

Liên chưng hửng nhìn lên rồi ôm chầm lấy nội. Lúc này, nước mắt cô mới trào ra, thật nhiều, như lênh láng cả mặt sông khuya nơi đất khách.

Nguyễn Linh (TX Bình Minh)

(Tác phẩm đạt giải ba “Giải Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long” năm 2017)