Chuyện kháng chiến

Tay không đuổi được giặc

Cập nhật, 05:29, Chủ Nhật, 08/04/2018 (GMT+7)

Những năm 1969- 1971 là thời kỳ địch đẩy mạnh càn quét, đóng đồn bót lấn chiếm vùng giải phóng, thực hiện âm mưu bình định cấp tốc. Có thể nói đây là một trong những giai đoạn cách mạng gặp nhiều khó khăn nhất trong kháng chiến chống Mỹ.

Ở những tháng năm ấy, trên địa bàn 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long nói riêng và cả miền Nam nói chung, nhiều vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn của ta giành được sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã bị địch tái chiếm. Khó khăn đến nỗi ở một số địa phương, cán bộ và anh em du kích phải tạm bỏ địa bàn.

Xã An Trường (huyện Càng Long- Trà Vinh) cũng trong hoàn cảnh ấy. Ở đây, địch đã đóng đồn bót ở hầu hết các ấp.

Nhưng với sự mưu trí, linh hoạt trong cách đánh của mình và nhất là được sự đùm bọc của nhân dân; cán bộ và du kích địa phương không những xây dựng được căn cứ lõm (còn gọi là da beo) mà càng làm cho bọn lính giữ đồn, bót gần như luôn trong trạng thái co cụm.

Ngay cả ở ấp chiến lược, vùng chúng kiểm soát, bọn này cũng chỉ dám bung ra gây tội ác với người dân khi có được sự hỗ trợ của bọn lính bảo an và quân chủ lực.

Nắm được quy luật hoạt động của bọn giữ đồn chỉ dám bung ra vào buổi sáng nên vào một buổi chiều của một ngày sắp đón Tết Nguyên đán 1972, cán bộ và du kích xã An Trường từ căn cứ lõm Ấp Sáu (bên này con sông An Trường) sang ấp chiến lược Ấp Sáu vận động nhân dân đóng góp quà vật để anh em bộ đội vui xuân đón tết.

Dự họp xong, bà Tư (Nguyễn Thị Tư) ra về ngay để kịp lo quà tết cho anh em bộ đội mình. Khi bà Tư về đến nhà ông Năm Thầy Hù thì bất ngờ phát hiện bọn lính đồn bung ra bắt gà, vịt của người dân.

Bà Tư biết rằng cuộc họp tuy kết thúc nhưng còn rất nhiều bà con và anh em cán bộ vẫn còn ở lại tiếp tục bàn chuyện tết nhứt.

Thấy không thể quay lại kịp để báo tin với anh em mình, bà Tư liền nghĩ ra một mưu kế. Bà chạy về hướng bọn lính, mặt hớt hải, miệng hô to gọi con cháu: “Mấy đứa đâu hết rồi, vô trảng xê (hầm trú đạn) đi! Việt cộng qua đây rồi. Lẹ vô, lẹ vô”.

Đang đuổi bắt gà vịt của người dân, bất ngờ thấy bà Tư hớt hải, gọi cháu gọi con vào trảng xê, bọn lính này liền 3 chân 4 cẳng chạy thụt mạng về đồn rồi sau đó bắn mấy phát báo động.

Mấy ngày sau, vì nghĩ rằng hôm đó nhờ bà Tư báo động cho mình thoát được nạn mà khi gặp lại bà Tư, chúng thay nhau cảm ơn không ngớt: “Bữa hôm đó không nhờ bà báo tin chắc tụi tui nộp mạng cho du kích hết quá! Cảm ơn bà Tư!”

Còn về phía anh em mình và bà con, trong ngày mừng xuân đón tết năm đó, khi ngồi bên nhau đã không quên kể về chuyện bà Tư một mình tay không đuổi được giặc bảo vệ tài sản; qua đó tạo thêm sinh khí tươi vui trong không khí ấm áp của ngày xuân.

TRỌNG LAI