Kết nối phố

Quay về đô thị địa phương

Cập nhật, 16:04, Thứ Tư, 28/03/2018 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, tại các nước tiên tiến và đang phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc,… đang có xu hướng cư dân trẻ chọn các đô thị vừa và nhỏ để sinh sống, làm việc (hoặc rời thành phố lớn đến sống ở đô thị vừa và nhỏ).

Theo điều tra ở Nhật Bản, những người chọn đến sống ở đô thị địa phương không chỉ chú trọng kinh tế mà còn chú trọng chất lượng cuộc sống và công việc- yếu tố quan trọng nhất để quyết định sống ở đô thị địa phương.

Còn tại Vĩnh Long, theo ngành xây dựng tỉnh, trong số những định hướng để phát triển TP Vĩnh Long tầm nhìn đến năm 2050 là hình thành đô thị du lịch, đô thị có chất lượng sống cao.

Theo đó, tiếp tục bảo tồn, phát huy tài nguyên vốn có của đô thị để tạo cá tính riêng, đa dạng hóa hoạt động du lịch. Phát triển đô thị không chỉ sung túc về kinh tế mà còn giàu văn hóa, thời gian, an toàn, yên tâm, cư dân khỏe mạnh.

Cụ thể, xây dựng công trình dịch vụ công cộng, phúc lợi đầy đủ. Bên cạnh, xây dựng hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, phương tiện an toàn, thân thiện môi trường, giúp tăng cường sức khỏe; hướng đến đô thị ven sông có môi trường thiên nhiên trù phú, phong phú về văn hóa, thể thao.

Đồng thời, hình thành các trọng điểm vui chơi giải trí đa dạng. Tương tự TP Vĩnh Long, các đô thị khác của tỉnh đều đang hướng đến phát triển đô thị- nâng cao chất lượng sống cho người dân.

“Trong khi nhiều đô thị lớn đang đau đầu với hàng loạt vấn đề nảy sinh từ sức ép đô thị hóa thì việc xây dựng một “đô thị địa phương đáng sống” với thiên nhiên trù phú, môi trường trong lành, đầy đủ công trình công cộng, phúc lợi… kỳ vọng để thu hút cư dân trẻ, “đại gia” từ các thành phố lớn về định cư, nghỉ dưỡng cuối tuần là một hướng mở đầy triển vọng”- một vị lãnh đạo ngành chức năng chia sẻ.

NAM ANH