Nhớ về anh- một thầy thuốc anh hùng

Cập nhật, 13:25, Thứ Ba, 14/11/2017 (GMT+7)

 

Gia đình đoàn tụ, mừng sinh nhật GS. Nguyễn Thiện Thành- ngày 30/9/2007. Ngồi ghế: Bìa trái GS. Nguyễn Thiện Thành, bìa phải BS Dương Thị Minh. Hàng đứng (từ phải sang): Cháu nội Nguyễn Thiện Nghĩa đang học TS, con trai Nguyễn Thiện Nhân GS.TS, con dâu Lê Thị Hòa Bình- bác sĩ chuyên khoa II, cháu nội Nguyễn Thiện Đức đang học ĐH.Ảnh gia đình cung cấp
Gia đình đoàn tụ, mừng sinh nhật GS. Nguyễn Thiện Thành- ngày 30/9/2007. Ngồi ghế: Bìa trái GS. Nguyễn Thiện Thành, bìa phải BS Dương Thị Minh. Hàng đứng (từ phải sang): Cháu nội Nguyễn Thiện Nghĩa đang học TS, con trai Nguyễn Thiện Nhân GS.TS, con dâu Lê Thị Hòa Bình- bác sĩ chuyên khoa II, cháu nội Nguyễn Thiện Đức đang học ĐH.Ảnh gia đình cung cấp

Trong quá trình hoạt động toàn diện của một thầy thuốc, một nhà giáo ở lĩnh vực quân đội và trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phạm vi bài viết này, cho phép tôi đúc kết một số nét hết sức khái quát, để nhớ về anh: GS. Nguyễn Thiện Thành- một thầy thuốc anh hùng.

Nói đến GS.TS Nguyễn Thiện Thành, trước hết phải nói đến công trình đồ sộ với phương pháp Filatov của anh. Anh đã cùng với tập thể anh chị em quân y- quân y viện Quân khu 9, miền Tây Nam Bộ, góp phần trong trị liệu nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chữa bệnh và chữa một số bệnh nhất định, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ thiếu thốn thuốc men. Nhiều bệnh binh, bệnh nhân, bà con cô bác trong vùng và ngoài thành đã biết ơn anh trị bệnh cứu người trong cấy nhau (nhau thai) với phương pháp Filatov.

Phương pháp Filatov đã có tác động quan trọng, chẳng những ở Khu 9, mà còn cả Khu 7, Khu 8, lan tỏa khắp Nam Bộ, cả nước và có ảnh hưởng lớn đến y học thế giới từ bấy giờ cho đến sau này…

Song song với việc cứu chữa các đồng chí tân binh C suy kiệt do sốt rét trên đường hành quân, bắt đầu từ năm 1968, GS. Nguyễn Thiện Thành đã cùng với tập thể Bệnh viện K.71 hoàn chỉnh phương pháp điều trị sốt rét ác tính, thể đái ra huyết sắc tố, và từ năm 1968- 1974 đã áp dụng cho 113 bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong thấp hơn 2 lần so với các tư liệu nhiều nơi khác.

Năm 1970, là Phó Chủ nhiệm Quân y miền kiêm Viện trưởng Viện Quân y K.71 (lúc bấy giờ nằm ở vùng Móc Câu), GS. Nguyễn Thiện Thành đã cùng với tập thể chiến đấu quyết liệt chống cuộc bao vây tiến công của quân đội chính quyền Sài Gòn trong 57 ngày đêm, tiếp tục chăm sóc và bảo vệ các đồng chí thương bệnh binh, bảo toàn cơ sở điều trị.

Từ những năm 1971- 1972, GS. Nguyễn Thiện Thành nhận thức được một yêu cầu mới, một nhiệm vụ mới: giữ gìn củng cố sức khỏe cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo. 10 năm trước đây thì khác, nay đa số là những người có tuổi.

Kinh nghiệm của ta trong lĩnh vực này chưa nhiều. Để chuẩn bị cho cơ sở phục vụ, GS. Nguyễn Thiện Thành đã chịu khó tìm đến những nước có trình độ phát triển cao về các chuyên khoa điều trị và phòng bệnh cho người có tuổi.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, giáo sư đã nhiều lần ra vào Nam Bắc theo đường hành quân Trường Sơn, với phương châm đi nhanh, về sớm, vì chiến trường đang mong. Mỗi lần về đến đơn vị, giáo sư đều truyền đạt những thu hoạch ở các nước, Liên Xô, CHDC Đức, Nhật Bản... để bồi dưỡng anh chị em ở nhà về khoa tích tuổi học, về kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người có tuổi.

Năm 1975, GS. Nguyễn Thiện Thành được quyết định của Ban Bí thư làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương kiêm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất- bệnh viện phục vụ cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng, Nhà nước, khách quốc tế và tiền thân là Bệnh viện K.71.

Ở cương vị này, GS. Nguyễn Thiện Thành vẫn giữ vững và phát huy truyền thống ở chiến trường: phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, dám dạy và dám học, đoàn kết đấu tranh, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh- nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong lần thăm Bệnh viện Thống Nhất ngày 19/5/1980 đã viết trong sổ vàng lưu niệm của bệnh viện:

“Đơn vị K.71- tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất- rất xứng đáng được tặng Huân chương Quân công hạng nhì với rất nhiều kỳ tích có thể nói là rất anh hùng mà đơn vị đã lập được trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hoan nghênh, nhiệt liệt hoan nghênh tất cả đồng chí. Rất mong các đồng chí gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng ấy trong hoàn cảnh hiện nay”.

Vinh dự với Đại tá, GS.TS. Nguyễn Thiện Thành, Thầy thuốc Nhân dân- Anh hùng lao động XHCN là Giám đốc đầu tiên của một bệnh viện “với rất nhiều kỳ tích- có thể nói là rất anh hùng…”.

Anh Ba ra đi ở tuổi 95, đã kịp để lại những tác phẩm nổi tiếng: “Những người sống 100 tuổi”. GS. Nguyễn Thiện Thành có người con trai duy nhất là GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. 

Phu nhân của GS. Nguyễn Thiện Thành thường được trìu mến gọi là chị Ba, tức là Thượng úy, bác sĩ Dương Thị Minh. Chị Ba có lần trao đổi với tôi: “Một số đồng chí có hỏi tôi về thành tích và sự cống hiến của anh Ba. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn 2 câu”. Theo chị Ba, 2 câu đó là: Thứ nhất, tuy trải qua 8 lần phẫu thuật (phần lớn là đại phẫu) trên một cơ thể từng tranh chấp với bom đạn và chất độc hóa học và 11 lần hiến máu cứu sống bệnh nhân ngay cả lúc bản thân thiếu ăn, yếu sức, nhưng sau đó, anh vẫn hăng say công tác, nghiên cứu và giảng dạy. Thứ hai, những lúc anh đang lên cơn sốt rét nặng, run cầm cập mà có lệnh của cấp trên hoặc những yêu cầu cấp bách rất cần anh thì dù thầy thuốc đang chữa bệnh dứt khoát không cho anh rời khỏi giường bệnh, anh vẫn bảo: Hễ tôi đứng dậy là dứt cơn sốt! Hãy cho tôi đi!” Và anh đã khoác áo lên đường, bởi chiến trường đang gọi tên anh.

Chỉ 2 yếu tố nêu trên cũng đủ nói lên lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của người chiến sĩ cộng sản, mang tầm vóc một thầy thuốc anh hùng.

 

NGUYỄN HỒNG TRUNG