Truyện ngắn

Những người giữ cầu

Cập nhật, 13:11, Thứ Bảy, 08/07/2017 (GMT+7)

0 giờ. Đám đông tụ tập trên cầu mỗi lúc một đông. Những hồi còi của lực lượng công an làm nhiệm vụ cứ vang lên liên tục nhưng cũng đành bất lực trước sự hiếu kỳ của dòng người. Mặt sông rộng mênh mông tối đen như mực. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Đêm nay 30 âm lịch không có trăng dù chỉ là ánh trăng thật nhỏ nhoi. Những chiếc đèn pha đủ loại, đủ cỡ quét liên tục trên mặt nước đủ thấy hai bóng người đang vật vã cố sức nâng một người phụ nữ lên khỏi mặt nước. Thỉnh thoảng, họ lại lặn xuống mặt nước rồi lại trồi lên để lấy sức.

Một người nâng, một người vừa bơi vừa kéo nạn nhân vào bờ. Tiếng tù và báo động phát ra những tiếng kêu “hu... hu... hu…” lan nhanh vội vã, khẩn trương.

Nhiều chiếc ghe máy ven hai bờ sông nổ máy băng băng tiến ra nơi đang xảy ra sự cố. Nạn nhân được chuyển lên và ghe nhanh chóng tiến vào bờ. Ở đó một chiếc xe cấp cứu đã sẵn sàng. T

iếng còi xe cứu thương lanh lảnh vang lên kèm theo những vệt sáng màu đỏ quét tròn liên tục quanh xe. Xe chuyển bánh.

- Con nhỏ này chết là vừa. Con nít, con nôi hổng lo học hành, bồ bịch từa lưa hột dưa rồi bị bồ “đá” nên tự vẫn chớ gì- một người đàn bà tuổi sồn sồn nói lớn.

- Chắc hổng phải đâu. Tui độ chừng con nhỏ này bị ba má nó la rầy nên quẫn trí nhảy cầu tự vận. Con nít mà, suy nghĩ còn non nớt lắm, trách làm chi. Lạy trời cho còn cứu kịp, chứ nó có gì thì… thì… - một người đàn ông nói nhỏ kèm theo tiếng thở dài thườn thượt.

- Mấy ông, mấy bà cứ đoán già, đoán non hoài. Lo đi theo tui lại coi mấy chú gác cầu có sao hông? Trời đất. Tối thui, tối thùi vậy mà mấy ổng tài thiệt. Lạnh thấy mụ nội mà mấy ổng bay xuống sông như “ phin” hành động. Con nhỏ đó số còn lớn nên mới hổng bị Hà Bá rút chân.

Dòng người đổ xô về phía chân cầu. Ở đó, trên bãi cỏ to đùng ven sông, hai người đàn ông nằm nhắm nghiền đôi mắt và thở dồn dập. Họ vừa trải qua một cuộc vật lộn với thủy thần để cứu lấy một sinh mạng con người xa lạ. Những chai dầu trên tay người dân thay nhau xoa bóp tứ chi hai người “anh hùng”.

Mà nói cho đúng, đây đâu phải là lần đầu họ làm cái chuyện cứu nhân này. Từ lúc làm cây cầu mới “bự chà bá” này xong, người qua lại mừng quá trớn vì từ nay thoát khỏi cái chuyện chờ phà hàng trăm năm nay.

Chuyện như đùa. Cái rộng lớn vậy mà Nhà nước nói làm là làm. Hồi đầu, nhiều người tưởng nói chơi, ai dè làm thiệt. Vui là vậy nhưng cũng lắm chuyện buồn.

Buồn nhất là nhiều người tìm đến câu cầu mới này để… tự tử. Đâu phải trận nào cũng cứu kịp- nhất là ban đêm gặp lúc mưa bão thì “hên xui” thôi. Lực bất tòng tâm, biết làm sao hơn.

Vả lại, họ còn làm nhiệm vụ giữ cầu không để ùn tắc giao thông, còn chuyện cứu người thì “gặp đâu xâu đó”.

Dòng người tản dần. Đêm đã vào thật sâu. Dòng xe qua cầu thưa thớt hơn. Hai Quang rít điếu thuốc thật mạnh cho ấm lòng tạo ra những khoảng sáng đỏ rực trên môi. Những lọn khói cứ nối nhau bay xa theo cơn gió lạnh nửa đêm.

- Tao tưởng con nhỏ đó đi tong rồi. Nó xìu xìu như cái bánh bao chiều, kéo nó khó thấy mụ nội- Quang nói.

- Thì người nào tự vận mà hổng vậy “cha”! Mệt hả họng nhưng vui, ráng làm phước đi, sau này con cháu nó nhờ- Long nói vui.

Là đôi bạn chí thân từ nhỏ đến nay đã hơn bốn mươi năm. Hồi nhỏ, cả hai thường rủ nhau lội qua, lội lại con sông này như một thú vui tiêu khiển đầy đam mê.

Lớn lên cả hai người lại học chung ở trường kỹ thuật lái tàu, phà rồi về công tác tại bến phà này. Hơn hai mươi năm lái phà, họ đã chứng kiến biết bao chuyện vui buồn.

Quang nhớ những chuyến phà đêm trong mưa giông dồn dập. Con phà già nua cứ oằn mình vượt sông rộng trong cái chòng chành, lắc lư, chao đảo như muốn chìm hẳn dưới những con sóng ầm ập.

Nhớ những chuyến phà đêm giao thừa qua lại sáng đêm để người người kịp về sum họp với gia đình trong sự biết ơn đầy xúc động.

Sao quên được những ánh mắt trân trọng của bao người qua sông trong thời khắc giao thừa. Lại càng không quên những đòn bánh tét, bánh ú, những ly trà đá do hành khách mang tặng…

Với Long, anh lại nhớ những lần bỏ vô lăng phóng mình xuống sông khi có người trên phà nhảy xuống sông tự tử. Lúc đó cực trần thân nhưng vui lắm vì mình mới làm đươc một việc có ích cho đời.

Có lần anh mất ngủ cả tuần với cái lần cứu hụt một thiếu nữ mười sáu tuổi khi nó có bầu với cái thằng khốn nạn nào đó rồi nó quất ngựa truy phong trốn biệt.

Bị cha mẹ la mắng, bạn bè chế nhạo, nó bỏ học rồi xuống phà nhảy sông tự tử. Khổ nỗi hôm đó mưa lớn quá, nước chảy xiết, lục bình đầy sông nên khi nghe tiếng kêu cứu và thấy một bóng người rơi tòm xuống sông khi phà đang chạy, Long lập tức phóng xuống nhưng không kịp.

Loay hoay giữa sông rộng hàng giờ tìm kiếm nhưng không thấy con bé đâu. Đến lúc anh mò được nó thì đã muộn màng. Tội nghiệp con nhỏ thiệt đẹp, tuổi cỡ chừng con Thắm nhà anh.

Rồi cây cầu mới cũng hình thành sau mấy năm xây dựng. Khỏi phải nói ai cũng khấp khởi mừng thầm. Chỉ có những người như Quang, như Long thì tâm trạng ngổn ngang, buồn vui lẫn lộn.

- Mầy có vui hông? Cầu sắp xong rồi. Hổng biết mai mốt mình làm gì ăn?- Quang nói với giọng thật buồn.

- Sao hổng buồn mậy? Mấy mươi năm ngồi trên ca bin lái phà quen rồi, giờ lên bờ thấy nó sao sao đó, nói hổng được- Long đáp.

- Mà nghĩ cho cùng, hổng lẽ đời này qua đời khác cứ đi phà hoài. Biết chừng nào mới “khá”. Thôi tới đâu hay tới đó. Giày dép còn có số, huống chi người ta- Long nói tiếp.

- Chuyện đó ai hổng biết cha. Nhưng cứ dòm xuống sông thấy cái bến phà cũ cứ nhớ nhớ nó hoài.

Rồi Long và Quang cũng phải lên bờ. Chuyện tất nhiên rồi, bởi khi có cầu mới thì phà chỉ là kỷ niệm. Cả hai được phân công làm nhiệm vụ tại trạm thu phí cầu. Đâu chỉ có vậy.

Trạm thu phí giải thể vì đã hoàn thành nguồn thu. Vậy là cả hai lại được phân công về làm nhiệm vụ giữ cầu này từ đó đến nay với bao chuyện vui buồn.

Vui là có rất nhiều người và phương tiện qua lại tấm tắc khen cầu này đẹp, hoành tráng nhất vùng. Nhiều người còn xin dừng lại đôi chút để ghi lại những tấm hình, những thước phim kỷ niệm với nét mặt rạng ngời.

Khổ nhất là mấy cái đứa “choai choai” kéo bầy, kéo đàn lên cầu chụp ảnh đủ kiểu- nhất là các kiểu ảnh “tự sướng” rất lu bu và nguy hiểm bởi dòng xe cứ qua lại nườm nượp. Rầy cho có rầy để tụi nó đừng quậy phá chớ thấy cầu đẹp, cầu sang có đứa nào hổng muốn chụp hình, quay phim chứ.

Buồn là hễ cứ vài tháng thì là có người nhảy cầu tự vận với đủ lý do: nợ nần chồng chất, bệnh hiểm nghèo, thất tình, gia đình quở mắng…

Có người may mắn được cứu sống, có người chết lảng nhách. Khổ lắm, mỗi khi cứu được người tự tử lẫn không cứu kịp thì công an, báo chí tới phỏng vấn lấy lời khai tùm lum tá lả. Biết nói gì?

Thấy người tự vận thì mình cứu vậy thôi. Chuyện ở đời là vậy, có chi là lạ. Sống chết là số trời thôi. Đâu đã vậy, nhiều tay nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo kè kè theo hỏi niềm vui, niềm tự hào khi được làm nhiệm vụ trông coi cây cầu lịch sử này.

Trời đất, hỏi chuyện mỗi lần nhậu làm được mấy ly rượu đế, mấy chai bia thì còn biết đường trả lời, chớ hỏi ba cái chuyện đi mây về gió thì “bó tay chấm… cơm”.

Vả lại hồi trước tới giờ, Long và Quang đã cứu sống được hơn mười người nhảy cầu nhưng rồi có ai tuyên dương, khen thưởng gì đâu. Khổ nhất khi cả nhà coi trên truyền hình thấy Nhà nước khen thưởng nhiều tấm gương cứu người, vợ Long mai mỉa:

- Đó. Người ta được khen thưởng túa xua. Còn anh với anh Quang cứu sống biết bao nhiêu người rồi có được gì đâu. Tới cái giấy khen còn hổng có.

- Em nói vậy nghe sao được. Còn nhiều người xứng đáng hơn nhiều. Vả lại “thi ân bất cầu báo”, mình làm ơn cho người ta thì trời Phật hộ độ mình. Quan tâm làm chi tới việc khen thưởng cho vướng bận đầu óc- Long chống chế.

Đã vậy, có nhiều trường hợp được hai anh cứu sống nhưng họ không một lời cảm ơn, không một lần quay lại nhìn mặt “ân nhân” của mình.

Nhiều lần bắt gặp tai nạn giao thông trên cầu, Long và Quang đã đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu kịp thời và đâu hiếm trường hợp tự bỏ tiền túi để trả tiền taxi, tạm ứng trước viện phí, gọi điện thoại cho người thân nạn nhân.

Cả hai nhớ hoài những vụ tai nạn văng tung tóe hàng hóa trên mặt cầu, bọn bất lương lăm le “hôi của” nhưng thấy ánh mắt nghiêm nghị răn đe của hai người bảo vệ cầu, chúng lẳng lặng “chuồn” mất.

- Suy nghĩ gì mà mặt “cha” cứ bơ bơ ra vậy?- Long trêu chọc.

- Có gì đâu. Tao đang lo con bé hồi nãy có cứu được không. Lạy trời… lạy Phật...

- Chắc nó sống. Tao thấy nó chưa tới nỗi nào đâu. Thôi, thay đồ rồi tiếp tục nhiệm vụ, ướt nhem hết rồi.

Giàn đèn trên cầu trị giá hàng tỷ đồng vẫn sáng trong đêm giá lạnh như chưa hề xảy ra chuyện nhảy cầu tự vận. Xa xa, tiếng nhạc xập xình và những ánh đèn chớp đủ màu hoa lệ từ những cao ốc thành phố cứ vang lên, cứ sáng lên.

Bên hai chiếc trụ cầu dây giăng cao sừng sững có hai bóng người lặng lẽ đăm đăm nhìn về phía bến phà xưa với bao nỗi niềm hoài cổ. Những chiếc phà to tướng giờ nằm lặng im như những nhân chứng của cuộc đời này.

VÂN ANH (TP Cần Thơ)