Truyện ngắn

Kỷ vật

Cập nhật, 06:30, Chủ Nhật, 30/04/2017 (GMT+7)

Tư Vũ kéo nhẹ cái hộp thiếc từ trong tủ. Hộp tuy cũ kỹ nhưng còn sáng bóng. Ông vừa mở hộp vừa nói:

- Hôm nay tôi cho cậu xem một báu vật mà tôi giữ kỹ suốt mấy mươi năm nay.

Tôi hồi hộp, không biết báu vật là gì mà ông trịnh trọng như vậy, hứa tới hứa lui đôi ba lần, đến bữa nay mới chịu đem ra. Bàn tay gân guốc đầy vết nhăn thời gian, Tư Vũ thận trọng mở ra, nhìn vào chỉ thấy một xấp vải cũ, tôi ngờ ngợ là vải của người yêu tặng thuở hai người mới quen nhau.

Thật bất ngờ, khi ông kéo và mở ra, đó là một lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, có ngôi sao vàng chính giữa. Lá cờ giải phóng.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông nói:

- Tôi hẹn khi nào rảnh mới mang ra vì tôi còn phải kể cho cậu nghe.

Ông bày lá cờ ra. Cờ đã bạc màu, ngoài mấy chỗ bị rách, bị thủng, còn có một vệt đen bầm như vết máu khô. Ngón tay gầy vẽ vẽ trên lá cờ:

- Mấy chỗ rách te này do đạn pháo, còn vết đen bầm này là máu của tôi.

Rồi không chờ tôi hỏi nhiều, ông rót trà, khề khà kể lại chuyện lá cờ của mấy mươi năm trước.

Trước năm 1968, có lần Tư Vũ đóng quân ở nhà má Tám. Anh coi mọi người trong nhà thân thiết như người thân. Má có cô con gái út, hễ gặp anh là bẽn lẽn rồi ngoẻn miệng cười. Cô Út có nước da bánh ít, mặn mòi, hai đồng tiền duyên tô điểm thêm cho gương mặt bầu bĩnh.

Cô tất bật suốt ngày mỗi khi có cán bộ hoặc bộ đội về. Lúc rảnh rỗi, Tư Vũ thường giúp những việc lặt vặt trong nhà.

Khi thì buộc lại mái lá, sửa lại chái bếp, khi thì phụ bửa củi với má Tám. Ở được đôi ba hôm, đơn vị phải chuyển quân gấp. Trước khi đi, má Tám biểu cô con gái trao cho Tư Vũ lá cờ.

Nhìn anh bằng ánh mắt long lanh, cô chỉ nói được mấy tiếng: “Má dặn anh mang cờ theo trên đường tiến quân”. Chỉ vậy thôi mà người nào cũng nghẹn lòng, có gì như vương vấn dù chỉ biết nhau đôi ba hôm.

Một hôm, Tư Vũ kéo cờ ra khỏi bọc giấy báo, chợt thấy một sợi tóc dài vướng trong lá cờ. Không biết tóc ai, tóc má Tám hay tóc cô con gái. Dù không biết của ai, nhưng anh vẫn ngùi ngùi, lặng lẽ nhìn rồi gói sợi tóc lại, cất kỹ vào cái bóp da.

Xuân Mậu Thân 1968, Tư Vũ tham gia chiến dịch tổng tiến công vào thị xã, đánh vào các cơ quan đầu não của địch, quần nhau nhiều trận oanh liệt, oai hùng nhưng cũng rất đỗi khốc liệt, đồng đội hy sinh nhiều.

Lá cờ má Tám trao vẫn chưa có dịp dùng đến. Anh có nóng ruột cũng không được vì thời cơ chưa tới. Anh em cùng đơn vị đều trông mong có ngày sẽ cắm lá cờ chiến thắng trong lòng địch.

Những ngày gian khó của năm 1969, thỉnh thoảng Tư Vũ lấy lá cờ ra xem. Tưởng tượng từng đường kim, mũi chỉ; đường nào của má Tám, đường nào của cô út.

Rồi còn sợi tóc ai vô tình vương vào mảnh vải. Một sợi tóc mỏng mảnh bình thường mà sao cũng làm vấn vương lòng người chiến sĩ dù chiến tranh tàn khốc tưởng chừng không có đất cho tâm hồn lãng mạn.

Ngày nối tiếp ngày, không chút bình yên, đối phó hết trận càn này đến trận càn khác của địch, Tư Vũ vẫn giữ lá cờ trong hành trang mang theo.

Có lần công tác gần nhà má Tám, nhưng không thể nào ghé thăm được. Rồi một tin sét đánh, cô út- con gái của má- hy sinh trong một trận bom bừa nát cả mái nhà và vườn nhãn vừa trổ hoa thơm ngát.

Tư Vũ đau nhói lòng, tay nắm chặt lá cờ, nước mắt chực trào ra, lòng dâng lên quyết tâm chiến đấu, chiến thắng, mong ngày lá cờ giải phóng tung bay trên dinh phủ quân thù.

Anh lại lấy sợi tóc ra xem. Sợi mảnh mai, mềm mại, có lẽ là tóc người thầm thương. Anh nhớ ánh mắt long lanh cuối cùng trong lần trao gói giấy.

Khoảng giữa năm 1970, lá cờ mới có dịp dùng đến. Nhận được tin báo địch sắp kéo quân tấn công lực lượng cách mạng tại Trà Ôn bằng đường thủy, tiểu đội của Tư Vũ được lệnh phải tìm cách làm chậm bước tiến của địch để có thời gian củng cố lực lượng, bày thế trận đối phó với các mũi tấn công của địch. Mìn không có, vũ khí cũng thiếu, cần để dành cho các trận quyết chiến khác.

Bàn đi, tính lại các phương án, có người đề nghị treo cờ ngang sông để cản địch. Tiểu đội trưởng đồng ý, giao Tư Vũ treo cờ ngang qua một nhánh của sông Măng, nơi tàu địch chạy qua.

Nửa đêm, trời mưa rả rích, gió hây hây lạnh, cảnh đêm càng thêm mù mờ. Mưa đêm như góp phần giữ bí mật cho người treo cờ. Tư Vũ nhớ lúc còn nhỏ, những đêm mưa như vầy, nằm rút mình trong chiếc mền ấm áp, nghe hạt mưa vỗ bồm bộp trên tàu lá chuối bên hè như điệu nhạc.

Còn bây giờ, vì nhiệm vụ, anh phải trần mình trong mưa lạnh. Tư Vũ cùng với một du kích, bí mật lội sông treo cờ.

Hai người sử dụng hai sợi dây chì dài, giăng ngang lá cờ qua sông, hai đầu dây chì được buộc vào thân trên của hai cây dừa ven bờ.

Tư Vũ còn lấy mấy trái lựu đạn lép và thêm mấy trái lựu mới hái hồi chiều đã được sơn đen, treo lủng lẳng ngay chỗ buộc dây vào thân dừa. Việc treo cờ đầy khó khăn và nguy hiểm rồi cũng hoàn thành.

Buổi sáng, ba chiếc tàu sắt của địch, chở đầy lính thủy quân lục chiến tinh nhuệ, súng ống kình kình, rền rền rẽ sóng chạy vào.

Bọn địch trên chiếc tàu đi đầu đang nghênh ngang, chợt thất kinh khi nhìn thấy lá cờ giải phóng nửa xanh, nửa đỏ ở giữa sông bay bay trong nắng sớm.

Đoàn tàu chiến đang hùng hùng hổ hổ bỗng sựng lại. Chỗ này gần đồn Bảy Thẹo, tại sao lại có lá cờ Việt Cộng, có lẽ đồn đã bị bứt.

Bọn lính cảnh giác, bàn tán xôn xao. Chần chừ, tính toán một hồi, chúng nã đạn xối xả vào các bụi tre, bờ chuối hai bên sông.

Đạn ghim vô thân chuối, thân dừa nghe bùm bụp. Không một tiếng súng đáp trả. Sau mỗi loạt đạn vang rền là một không gian yên ắng lạ thường đầy cạm bẫy.

Tên sĩ quan chỉ huy ra lệnh bắn hạ lá cờ. Từng loạt, từng loạt đạn nhằm hướng lá cờ véo vèo bay tới. Nhưng vô ích, lá cờ cứ trơ gan, bay theo chiều gió phấp phới giữa sông, ngoạn mục tránh đạn. Không hạ được lá cờ, tên thiếu tá chỉ huy lệnh cho lính vào bờ trèo lên cây dừa gỡ xuống.

Một chiếc tàu tắp vô bờ, một tên lính leo trèo giỏi được phân công. Hắn đến gốc dừa chuẩn bị leo lên thì phát hiện đầu dây chì có gài lựu đạn, hoảng hốt tri hô táng hoáng:

- Không xong rồi, Việt Cộng gài lựu đạn trên cây dừa.

Cả bọn nháo nhào hốt hoảng. Tên chỉ huy đặt ống dòm nhìn sang cây dừa bên kia bờ cũng thấy lủng lẳng mấy trái lựu đạn.

Bàn tới bàn lui, không lẽ cho tàu chui dưới lá cờ mà đi, còn gì thể diện. Vậy là chúng lại bắn tiếp. Biết bao nhiêu đạn đổ ra, chừng mấy thúng giạ có dư, mà lá cờ vẫn như bàn tay vây vẩy, thách thức.

Bọn lính cứ loay hoay như gà mắc tóc. Chúng bèn thay đổi cách bắn, dùng đại liên rừng rực bắn nát cả hai ngọn dừa hai bên bờ. Bấy giờ lá cờ mới chịu rơi xuống, lững lờ trôi theo dòng nước đục ngầu.

Địch vừa chạy vừa rà chất nổ, qua khỏi khu vực treo cờ, gần tới bót Bảy Thẹo vẫn không có động tĩnh gì, chúng mới yên tâm hú tàu tăng tốc như muốn bù lại thời gian đã mất. Kế hoạch làm chậm bước tiến của địch hoàn thành.

Tư Vũ được biểu dương ngay sau đó. Nhưng niềm vui không trọn, vì lá cờ đã mất. Anh biết rành rẽ hướng nước chảy, đoán được lá cờ đã trôi dạt đến đâu, nhưng không thể liều mạng đi vớt vì chỗ nào cũng có địch đóng quân.

Hành trang kỷ niệm của anh giờ chỉ còn lại sợi tóc đen huyền cất kỹ trong bóp. Thời gian cứ dần trôi, mãi đến ba năm sau, Tư Vũ tình cờ nghe một cô giao liên kể chuyện lá cờ. Cô kể vanh vách sự đối phó đầy lúng túng của địch khi thấy lá cờ treo ngang sông. Cô nói:

- Người nào nghĩ ra cái cách treo cờ như vậy hay quá, bà con mình biết chuyện, thích lắm.

Tư Vũ cười khì, nói thêm về kiểu cách treo lá cờ qua hai cây dừa. Cô giao liên tròn mắt:

- Mấy anh cũng biết chuyện đó nữa hả?

Một đồng đội chỉ ngay Tư Vũ:

- Người treo lá cờ là ông tướng này đây.

Cô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không ngờ cô được gặp người treo cờ huyền thoại năm xưa. Tư Vũ giọng ngùi ngùi:

- Tôi mong một ngày nào đó, tự tay treo lá cờ chiến thắng khi quê hương được giải phóng. Nhưng vừa lập xong một chiến tích nhỏ, nó đã mất rồi.

Nghe Tư Vũ nói, thay vì buồn theo nỗi buồn của anh, cô giao liên lại mừng ra mặt:

- Có người vớt được lá cờ, giao cho em giữ. Nếu tối nay anh còn ở đây, em sẽ giao lại cho chủ của nó.

Tư Vũ suýt reo lên, rối rít nói lời cám ơn. Vậy là đêm đó, anh nhận lại lá cờ từ tay cô giao liên nhỏ nhắn, xinh xắn sau ba năm trời thất lạc.

Trao cờ cho anh, cô không nói gì, chỉ nhìn bằng ánh mắt tròn xoe, như phát sáng trong ánh đèn dầu tù mù. Tư Vũ giật mình nhớ lại ánh mắt long lanh của cô út. Có khi nào một sự trùng hợp ngẫu nhiên, rồi sau đó…

Anh không dám nghĩ tiếp. Vài hôm sau, Tư Vũ mới có dịp mở lá cờ ra xem. Cờ hãy còn mới, chỉ có một lỗ tròn nhỏ do mảnh đạn xuyên qua. Rồi anh lại nhớ đến ánh mắt cô giao liên. Chỉ có ánh mắt đọng lại, hai người không kịp nói với nhau lời nào.

Những ngày cuối tháng tư năm 1975, cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng. Các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung lần lượt được giải phóng. Bộ đội tiến quân thần tốc như vũ bão. Các cánh quân giải phóng dần khép chặt vòng vây tiến về Sài Gòn.

Các tỉnh còn lại phối hợp với chiến trường chung, liên tục tấn công cầm chân địch. Trong những ngày sục sôi lửa bỏng đó, đơn vị Tư Vũ được tăng cường, phối hợp cùng quân chủ lực khống chế lộ 4 đoạn chạy qua các huyện thuộc tỉnh Long An.

Đơn vị của Tư Vũ bí mật, khẩn trương, đêm ngày hành quân thần tốc, phối hợp với du kích, địa phương quân và những lực lượng nổi dậy tại chỗ đánh rút từng đồn bót.

Ở một hướng tiến quân của đơn vị Tư Vũ, địch sử dụng một trường trung học hai tầng kiên cố làm điểm đóng quân của một đại đội bảo an.

Địch xây công sự dã chiến cùng hàng trăm bao cát xung quanh trường. Điểm này hỗ trợ liên hoàn cho đồn cảnh sát và các đồn khác gần đó.

Đơn vị Tư Vũ được lệnh phải chiếm cho được điểm trường này. Sau gần một ngày điều nghiên tình hình, đúng bốn giờ sáng, giờ địch chủ quan (theo mật báo của cơ sở), lệnh khai hỏa bắt đầu.

Từng bóng người luồn nhanh về phía trước. Tiếng đạn nổ đinh tai nhức óc, đường đạn lấp loáng đỏ rực.

Đạn pháo ầm ầm xé nát một mảng tường rào. Đồng đội bắn yểm trợ cho tổ của Tư Vũ ập vào như cơn lốc. Bọn bảo an chống trả quyết liệt và kêu thêm viện binh. Viện binh cũng bị đánh chặn.

Tư Vũ ôm súng, bộc phá đánh thẳng vào khu A, chiếm được một ụ chiến đấu của địch. Dưới ánh lửa đạn nhéo nhèo, Sáu Bảo thấy cột cờ của trường cách không đầy mười mét.

Nhớ lại tác động của lá cờ đối với địch mấy năm trước, Tư Vũ tự nhủ bằng mọi giá phải treo cho được lá cờ giải phóng để trấn áp tinh thần địch.

Cờ đã chuẩn bị sẵn, nhưng địa hình trống trải, treo được không dễ chút nào. Tư Vũ nhờ đồng đội bắn yểm trợ.

Vừa lao ra, một loạt đạn địch bắn quá rát, phải nhào trở lại. Một nhánh cây rậm bị đạn gãy ngang bay rầm xuống.

Tư Vũ chui người vào nhánh cây. Rồi vừa bò tới, vừa kéo nhánh cây nghi binh. Tiếng súng cứ từng đợt, từng đợt vang rền. Còn năm mét, ba mét, rồi cuối cùng Tư Vũ cũng đến được cột cờ. Anh nhanh chóng buộc lá cờ vào dây. Dường như địch phát hiện, bắn xả về chỗ nhánh cây cạnh cột cờ.

Đồng đội kịp thời bắn trả, họng súng lập tức im bặt. Nhưng đã muộn, Tư Vũ bị mấy vết thương ở vai, tay và đùi. Máu chảy nhiều, anh tự xé áo băng tạm vết thương, rồi ngất đi.

Nhưng bằng nghị lực, ý chí và quyết tâm nung nấu lâu nay, bằng tình cảm của các mẹ, các chị đã trao cho anh lá cờ, ánh mắt long lanh, hình ảnh cô út bị vùi lấp trong bom đạn; rồi đột nhiên như có một nguồn sức mạnh ập đến, anh bật tỉnh dậy, cố hết sức kéo dây cờ cho lá cờ vươn thẳng lên đỉnh cột cờ. Buộc dây xong, anh lại lịm đi.

Bọn địch ở khu B thấy lá cờ giải phóng vươn lên trong ánh đạn nhấp nhóa và ánh hỏa châu sáng đỏ lạnh lùng, chúng nghĩ là Việt Cộng đã chiếm được khu A, hoảng hốt bắn xối xả về đó; vừa bắn vừa mở đường máu lui binh.

Trời mờ sáng, địch ở đồn cảnh sát và đồn bảo an cùng một trung đội pháo gần đó thấy lá cờ giải phóng bay phấp phới ở trường trung học đã thất kinh, mất hết tinh thần chiến đấu.

Vốn đã hoảng loạn, rệu rã khi nghe tin bộ đội chủ lực đang khép chặt vòng vây tiến về Sài Gòn; bây giờ thấy lá cờ giải phóng ngay bên cạnh, chúng vội vã tìm đường rút quân.

Có tên cởi bỏ cả quân trang, quân phục, bỏ ngũ trốn mất, không nghĩ tới chuyện củng cố lực lượng đánh trả.

Từ lá cờ của Tư Vũ, mấy lá cờ chiến thắng khác tung bay liên hoàn trên dinh lũy địch khi mặt trời chưa kịp ửng nắng.

Lá cờ được treo đúng lúc, đúng thời điểm đã làm địch thất kinh hồn vía. Địch chọn phương án tháo chạy, thay vì một trận quyết đấu, quyết chiến, nhờ vậy đã làm giảm thương vong cho cả hai bên trong suốt chặng đường dài mấy cây số với một chu vi rộng lớn. Lá cờ đã hoàn thành nhiệm vụ, đã góp phần nhỏ bé của mình cho ngày đại thắng của dân tộc.

Sau giải phóng, Tư Vũ hỏi thăm về lá cờ của mình. Nhưng không ai biết. Vậy mà khoảng năm sau, có người tìm đến, trao lại cho Tư Vũ lá cờ. Nhìn lá cờ, anh vừa mừng, vừa xúc động, bồi hồi nhớ lại những hình ảnh thân thương, những gian nan ác liệt đã qua.

Cờ bị rách mấy chỗ. Có một vệt đen bầm dài khoảng gang tay, anh biết ngay lá cờ đã thấm máu của mình. Không chỉ máu của anh, mà ẩn chứa trong lá cờ, còn biết bao xương máu của đồng đội đã hy sinh cho ngày chiến thắng hôm nay. Tay anh run run cầm lá cờ, trân trọng giữ nó cho đến nay.

Rồi Tư Vũ sắp xếp về quê thăm má Tám. Má đã già móm mém trước tuổi, vẫn ốm tong teo như ngày nào, nhưng hãy còn khỏe và linh lợi, nhìn anh là má nhận ra ngay dù anh chỉ đóng quân ở nhà má có một lần. Hai người nhìn nhau, mừng ra nước mắt.

Má đã biết chiến tích của lá cờ, nhưng vẫn muốn nghe chính miệng Tư Vũ kể. Đường kim mũi chỉ của má với cô con gái đã biến thành một đoàn quân vô hình đánh địch.

Tư Vũ đến bàn thờ cô út, thắp nén nhang, lòng rưng rưng nhớ lại nụ cười bẽn lẽn và ánh nhìn long lanh trong lần gặp cuối cùng.

Cô mất đi, không có được bức ảnh thờ, chỉ duy nhất một ảnh trắng đen chụp chân dung lúc còn đi học. Tư Vũ cảm thấy mắt mình như nhòe đi. Anh lại nhớ đến sợi tóc trong hành trang mang theo suốt bảy tám năm nay; anh sẽ giữ nó đến cuối cuộc đời.

Kể đến đây, Tư Vũ bùi ngùi nhắc thêm một kỷ niệm:

- Sau ngày giải phóng, tôi nằm dưỡng thương, cậu biết ai chăm sóc tôi nhiều nhất.

Không chờ câu trả lời, ông nói:

- Là cô giao liên ngày nào. Thật là điều kỳ diệu như lá cờ đã từng mang tới. Khi tôi bình phục thì chi bộ tổ chức đám tuyên hôn cho hai người. Cô ấy hiện là vợ tôi như cậu đã biết rồi đấy.

Lá cờ bằng vải bình thường như bao lá cờ khác, nhưng cờ là kết tinh, là hồn thiêng sông núi. Lá cờ cách mạng còn là máu của bao người đã ngã xuống. Đối với Tư Vũ, lá cờ này còn là kỷ niệm, là báu vật thiêng liêng. Ông nói:

- Mấy năm trời tham gia kháng chiến, tôi có nhiều điều, nhiều việc không thể quên; nhưng đặc biệt tôi có hai người để nhớ là cô út con má Tám và cô giao liên- vợ tôi hiện giờ. Còn lá cờ là báu vật. Nó vừa góp phần cho chiến thắng, vừa là sợi dây liên kết tình cảm của tôi.

Hớp một ngụm trà, ông tiếp:

- Tôi có đôi lần kể chuyện lá cờ này cho mấy đứa thanh niên nghe. Nhà truyền thống huyện đã biết chuyện, hôm rồi có đến xin thỉnh lá cờ về trưng bày. Tôi đã đồng ý, nay mai sẽ giao.

Nghe chuyện ông kể, tôi càng thấm thêm những điều thiêng liêng, kỳ diệu ẩn chứa trong lá cờ; biết vì sao ông gọi lá cờ là báu vật.

PHONG LAN (TP Vĩnh Long)