Trữ tình trong ca dao, dân ca

Cập nhật, 10:01, Thứ Hai, 10/04/2017 (GMT+7)
  • ™Đỗ Văn Kính

Trong kho tàng văn học dân gian, ca dao, dân ca chiếm một vị trí rất quan trọng, bởi vì đã phản ánh đậm đà, sâu sắc nhất về chủ đề tình yêu trai gái, gắn với chủ đề lao động sản xuất, gắn với cuộc đấu tranh hủ tục, lạc hậu trong xã hội.

Cho nên ca dao, dân ca là vũ khí sắc bén trong đấu tranh, cũng là tiếng nói thầm kín, tế nhị trong tình yêu đôi lứa. Khi tình yêu mới nảy nở, chàng trai mới hỏi cô gái:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

Tình yêu có phân biệt gì đâu, nên người con gái trả lời hồn nhiên, thẳng thắn:

Đan sàng thiếp cũng xin vâng

Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?

Nhiều khi gặp được cô gái, chàng trai buông lời trêu chọc cho vui:

Gặp em anh xắn cổ tay,

Nhờ vá cái áo, nhờ may cái quần.

Hay:

Cô kia đứng ở bên sông,

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang...

Cũng có khi chàng trai lãng mạn vui đùa, nhưng vẫn giữ được lịch sự, tế nhị:

“Ai làm cái nón quai thau,

Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”

Đôi lúc cô gái trả lời rất ý như lời tỏ tình của người con trai:

Thưa rằng: - Bác mẹ tôi răn,

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Có lẽ tục lệ ngày xưa, người con gái nhận miếng trầu thì coi như đính ước hôn nhân, nên người con gái từ chối khéo léo như vậy. Nhưng khi yêu nhau thật lòng thì họ rất táo bạo như bài dân ca này:

Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi qua cầu đánh rơi.

Yêu nhau trao nón cho nhau

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.

Tình yêu nam nữ đâu phải lúc nào cũng được êm ấm, suôn sẻ, họ luôn gặp phải cách trở, cản ngăn, cả đau thương nhưng họ quyết tâm tìm đến với nhau.

Nhà người ở gần hay là ở xa,

Cách phà, cách huyện hay là cách sông.

Xa xôi cách mấy quãng đồng,

Để em bỏ việc bỏ công đi tìm.

Cho nên người con trai hết lời ca ngợi người mình yêu “Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh”. Còn đối với thanh niên nông thôn, họ yêu nhau và bộc lộ tình yêu một cách dè dặt, e thẹn khác nào nàng Kiều “Khách đà lên ngựa người còn ghé theo...”:

Ngó em không dám ngó lâu,

Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.

Ngày xưa, sống dưới chế độ thực dân phong kiến, nam nữ yêu nhau gặp biết bao là chướng ngại, trắc trở, đó là phong tục tập quán, là sự cách biệt giàu nghèo... Trước áp lực quá lớn của xã hội, con người nhỏ bé không biết dựa vào đâu, họ nghĩ đến lực lượng siêu nhân để hờn giận, oán trách:

Bắc thang lên đến tận trời,

Bắt ông Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay.

Đánh rồi lại trói vào cây,

Hỏi ông Nguyệt Lão nào dây tơ hồng?

Rồi tự mình than thân trách phận, thậm chí còn buông xuôi cho số phận:

Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Hay:

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày...

Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, đã yêu nhau thì họ cho người mình yêu đẹp nhất, tuyệt vời nhất:

Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Cái đẹp về hình thức rất quan trọng, nhưng phải nhường chỗ cho cái đẹp của tâm hồn:

Thân em như củ ấu gai,

Ruột thì trong trắng vỏ ngoài thì đen.

Nếu cho văn học nghệ thuật bắt nguồn từ lao động sản xuất, thì ca dao, dân ca nói về tình yêu cũng không tách rời chủ đề lao động:

Cô kia đi đường với ta,

Trồng đậu đậu tốt, trồng cà cà sai.

Và khi nam nữ yêu nhau thật sự, thì họ có quyết tâm cao “Lòng em đã quyết thì hành, đã cấy thì gặt với anh một mùa”. Cám ơn cuộc đời đã tạo ra những con người dũng cảm bất khuất, vượt qua chông gai trở ngại để giữ tấm lòng trong trắng, thủy chung.

Từ những điều nêu trên, ta thấy ca dao, dân ca chiếm vị trí quan trọng trong văn học dân gian. Ca dao, dân ca nói lên được tâm tư nguyện vọng của nam nữ yêu nhau nên mang đậm chất trữ tình.