Tạp bút

Rau đắng tình quê

Cập nhật, 07:25, Thứ Hai, 13/03/2017 (GMT+7)

Có một loài rau khi sinh ra vốn đã mang nhiều thua thiệt. Em là rau đắng mà vì đắng nên thành ra kén người ưa. Vậy mà, từ cái lần đầu tiên nhăn mặt kêu trời sao đắng quá để rồi tôi cố ăn theo nội nên riết thành ngon, thành ghiền và thành thích.

Đối với tôi rau đắng không chỉ là một loài rau ngon: đậm mùi thơm của đất, ngọt vị ngọt của rau mà nó còn gợi cho tôi nhiều kỷ niệm về tuổi thơ bên nội.

Chiều dần buông. Mặt trời lẩn khuất phía sau ngôi nhà cao tầng vừa mọc lên ở hướng Tây. Nơi góc ban công quen thuộc, bên tách cà phê lựng khói, tôi bật điện thoại để nghe ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.

Cái nắng hè oi ả trong bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn đưa tôi về với mảnh vườn, thửa ruộng- nơi có lũy tre xanh, có khói đốt đồng, có màu xanh mươn mướt của vạt rau đắng sau nhà vờn theo gió dập dìu đưa điệu ca dao.

Lần đầu tiên tôi biết về rau đắng là qua lời hát ru của nội. Tôi còn nhớ, mỗi khi cho tôi ngủ, nội thường ôm tôi vào lòng, xoa đầu, vỗ lưng mà nói: “Tội nghiệp cha bây, vừa phải lo cho nội vừa phải lo cho mấy đứa em học hành. Nó có cho đứa nào phải bỏ học như nó đâu.

Còn mẹ bây nữa, hy sinh, vất vả vì nhà chồng mà có dám than phiền lấy một câu”. Tâm hồn ngây thơ của tôi có hiểu gì đâu cái nỗi lòng của nội! Tôi chỉ biết giương mắt nhìn nội mà đợi chờ đến những câu hát ru.

Nội lặng im. Nội đặt tôi vào võng. Nội bắt đầu cất tiếng ru. Cứ thế, rau đắng đã đi theo tôi vào từng giấc ngủ.

Lớn lên một tí, tôi cứ lẽo đẽo theo nội hỏi hết chuyện này đến chuyện nọ. Nhiều khi thấy nội bận liền tay, tôi lặng im ngồi bên mà nghêu ngao theo lời bài hát.

Cái giọng ca non nớt, vụng về của tôi với đoạn nhớ đoạn quên làm nội bật cười mà khen đại: “Cháu bà hát hay à nhe! Để chiều nay nội ra vườn hái rau đắng nấu canh để con biết mà hát hay hơn chút nữa!” Từ đó, tôi biết và được thưởng thức loài rau mình đã từng mường tượng mà yêu thích.

Đó là một buổi chiều mưa. Nội tranh thủ bắc nồi cơm sớm để cha mẹ tôi đi đồng về là có ăn ngay. Mâm cơm ngày mưa của nội thường có nồi canh cua rau đắng với ơ cá kho tiêu.

Mưa kéo dài, con đường ra vườn trơn trợt nhưng tôi cố bấm từng ngón chân quyết theo nội đi hái rau đắng. Nội đội nón lá, tay cắp rổ con cắt từng nắm rau. Mưa đầu mùa, rau đắng mọc lún phún, xanh mướt.

Nhìn đứa cháu tò mò dán mắt vào những cọng rau, nội bảo: “Đây là rau đắng. Loài rau trong bài hát nội hay hát cho con nghe. Nội lặt nấu canh cua đồng, ngon lắm”.

Trên bếp, nồi canh rau đắng nóng hôi hổi. Dưới bếp, ở bàn ăn, tôi đã hào hứng ngồi đợi bữa cơm. Cái cảm giác lần đầu ăn rau đắng thật khó tả.

Chỉ biết rằng, từ hôm ấy, mỗi lần cất giọng “nắng hạ đi…”, tôi lại tưởng tượng ra cảnh nhăn mặt nhả mấy cọng rau nội gắp để kêu trời sao đắng quá. Vậy mà, theo năm tháng rau đắng lại thường trực trong bữa cơm gia đình tôi.

Những hôm bất chợt thèm rau đắng, chẳng cần đợi phải bắt được cua đồng, tôi cũng đòi nội nấu canh rau đắng. Nội lấy rau cho vào nồi nước sôi, bỏ tí muối, bột ngọt, rắc ít tiêu thế là cũng có nồi canh ngon.

Bữa ấy, y như rằng tôi khen cơm ngon và cứ đưa chén xới thêm cơm. Vị đắng của rau dường như làm ấm lại cái khí lạnh trời mưa.

Nội tôi giờ đã ngoài tám mươi. Cuộc sống của nội được chú Út chăm lo đầy đủ từng miếng ăn giấc ngủ. Mỗi lần tôi về thăm nội, y như rằng là nội bảo hôm nay muốn ăn rau đắng nấu canh.

Tội nghiệp thím tôi, nghe nội nói thèm ăn là thím liền chạy ù ra chợ mua cho bằng được rau đắng. Tôi cảm thương cho thân phận làm dâu của thím.

Bữa cơm cho nội được thím đổi vị liên tục mà nội chỉ lắc đầu than ngán. Biết nội thích ăn rau đắng, biết rau đắng bây giờ không ngon như rau đắng ngày xưa nên thím tôi thường chăm chút để vị canh thật tuyệt.

Bữa cơm có canh rau đắng luôn được nội khen nhưng nội vẫn thường nói: “Rau đắng này người ta trồng, không phải mọc dại như ngày xưa, ăn vào không còn nghe mùi thơm của đất, vị ngọt của rau”.

Tôi hiểu được lòng nội. Dù thời gian có qua đi, dù thế sự có đổi thay nhưng đối với người dân gốc rạ vị quê hương đã thấm đẫm vào máu thịt tự bao giờ.

Mớ rau mua ngoài chợ đã vơi đi ít nhiều vị đắng chỉ có những người đã từng tảo tần, gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng thì mới có thể cảm nhận được. Ví như nội và tôi luôn nhớ mãi cái vị đắng của vạt rau sau nhà ngày ấy.

Có những điều dù nhỏ nhặt nhưng nếu là kỷ niệm đẹp thì ta luôn muốn tìm về. Nhớ quê, nhớ nội, tôi bỗng chợt thèm rau đắng nấu canh.

NHẬT LAN