Dì tôi

Cập nhật, 21:27, Thứ Bảy, 11/03/2017 (GMT+7)

Tôi viết những dòng này như một lời tri ân dù dì tôi không thể đọc, cũng không còn nghe rõ trên đài phát thanh đang phát cái gì… Dì tôi đã 85 tuổi rồi, tất cả mọi sinh hoạt đều khó khăn, chậm chạp…

Tôi không gọi dì mà gọi bằng “Má Ba” và tiếng gọi ấy từ nhỏ tới giờ đã trở thành một phần sự sống của tôi, chiếm một vị trí rất quan trọng trong lòng tôi.

Lúc tôi còn rất nhỏ, do những trục trặc của gia đình, tôi không sống cùng ba, mẹ ẵm tôi về sống với dì và ngoại. Nhà nghèo, dì cũng đổ vỡ gia đình nên mấy người đàn bà nương tựa vào nhau.

Chồng dì giàu nên các con đều theo cha, bỏ dì một mình lủi thủi về sống với ngoại. Chính vì thế mà dì thương yêu tôi như con ruột của mình.

Mẹ tôi một nách hai con, chỉ luẩn quẩn ở nhà với ngoại, dì một mình chèo ghe từ chợ Ngã tư Long Hồ xuống Trà Ôn mua khoai về bán lại, vất vả trăm bề để nuôi năm miệng ăn trong cái thời khó khăn thiếu thốn.

Mẹ kể, có hôm nước ngược, trời mưa dì vẫn lấy tấm mủ khoác sau lưng mà chống mà chèo để mỗi sáng dúi vào tay tôi gói xôi nóng hổi cho tôi kịp đến trường.

Rồi ngoại mất, ba đón mẹ con tôi về. Dì một mình thui thủi… Thỉnh thoảng, chị em tôi cũng ghé thăm dì nhưng chỉ một lát rồi đi. Hồi đó, tôi còn nhỏ nên cũng không mấy quan tâm chuyện đó.

Ngày biết tin tôi vào đại học, dì vừa khóc vừa cười ôm tôi vào lòng không nói được một lời. Tôi cảm nhận một tình cảm thiêng liêng khó tả.

Bốn năm đại học, mỗi tuần tôi đạp xe từ Cần Thơ về đều thấy dì ngồi đợi ở nhà, có khi đợi tới tối chỉ để nhìn thấy tôi, hỏi thăm tôi khỏe không, học hành ăn uống thế nào rồi trao cho tôi một giỏ xách toàn những món đồ mà dì chắt chiu cả tuần qua: mấy trái ổi, xoài, mớ rau má, mấy cọng bông súng, một keo muối tiêu, mấy miếng dưa mắm đã trộn rồi… C

ó ai biết rằng chính những món quà ấy đã cho tôi một sức mạnh để tôi có thể lấy tấm bằng loại ưu mà trở lại quê nhà, vững vàng trên bục giảng.

Giờ tôi là cô giáo, lấy chồng, sinh con, có một tổ ấm gia đình hạnh phúc. Với mọi bộn bề của cuộc sống, những lần về thăm dì của tôi cứ thưa dần vì mỗi lần về quê tôi đều thăm ba mẹ trước.

Cũng chẳng biết bao lâu rồi tôi không nhổ tóc bạc cho dì, không ngồi nghe dì kể những câu chuyện ngày xưa- cái ngày tôi còn rất nhỏ, cái ngày tôi hay cầm cây nhíp lẽo đẽo theo dì xin nhổ tóc sâu.

Rồi sau này dì không kể về tôi nữa mà kể những câu chuyện ngày tôi vượt cạn, con tôi ra đời… Những câu chuyện ấy dù có kể trăm lần thì vẫn không sai một chi tiết, và mỗi lần kể mắt dì cứ sáng lên, nụ cười thường trực trên môi.

Tuần rồi, tôi ghé thăm dì, dì nhìn tôi rồi bật khóc. Dì nói dì nhớ tôi, nhớ con tôi, thèm những ngày có đủ con cháu vui vẻ vì dì không biết mình còn sống được bao lâu nữa. 85 tuổi đời, má Ba tôi tai yếu mắt mờ, cầm tay tôi run run “Con ơi, má Ba trông con quá nhưng không biết gọi điện thoại, sao lâu quá con không về?”

Câu hỏi ấy như xoáy vào tim tôi. Tôi không dám khóc trước mặt dì vì sợ dì lo lắng. Tôi đọc trong đôi mắt kèm nhèm đó một nỗi cô đơn, một sự khao khát đợi chờ.

Giờ tôi có muốn nhổ tóc cho dì cũng không còn cơ hội vì mái tóc ấy đã bạc trắng hết rồi. Tôi thương dì quá, thấy mình có lỗi quá nhưng không biết làm sao chuộc lỗi. Muốn rước dì về sống chung thì dì không chịu vì không quen cuộc sống thị thành, sợ vướng tay vướng chân con cháu.

Tôi thật sự lo lắng không biết những tháng ngày sau này dì sẽ như thế nào. Ngày trước, tôi giận những đứa con của dì bao nhiêu thì giờ đây tôi lại giận mình bấy nhiêu. Đã có rất nhiều đêm tôi không ngủ…

Tôi biết và tôi rất sợ một ngày dì sẽ lìa xa tôi như ba tôi vậy. Giờ bên tôi chỉ còn mẹ và dì, tôi rất sợ cái cảm giác mất mát trống trải và hụt hẫng… Những viên thuốc, những chén cháo mỗi tháng đôi lần liệu có đủ giữ dì ở lại mãi bên con, dì ơi… Mẹ của con ơi!

XUÂN THI (TP Vĩnh Long)