Hội Vía Bà ở Thủ Dầu Một

Cập nhật, 13:47, Thứ Ba, 28/03/2017 (GMT+7)

Hàng năm, hội Vía Bà ở Thủ Dầu Một diễn ra vào ngày 25/3 ÂL tại miếu thờ Bà Thiên Hậu (người dân quen gọi là chùa Bà Thiên Hậu) ở TX Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Ảnh: Dân Trí
Ảnh: Dân Trí

Tuy nhiên, trong ngày này chùa chỉ tổ chức tế lễ, lễ bái mà không có rước lễ và diễu hành, cũng không quy định vật cúng mà tùy thuộc tấm lòng người cúng. Ngày hội Vía Bà được tổ chức chu đáo và trọng thể là vào ngày rằm tháng Giêng ÂL của năm.

Những ngày Hội Vía Bà vừa mang tính chất tín ngưỡng vừa là dịp để dân chúng, nhất là người dân tộc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tụ họp chiêm ngưỡng thần cùng cúng lễ, xem múa hát giải trí, qua đó giúp nhau trong đời sống để thắt chặt tình đoàn kết, nên lễ hội luôn được tổ chức trang trọng, số người tham dự tế lễ rất đông, không riêng người Hoa mà còn các dân tộc khác…

Chùa Bà Thiên Hậu hiện nay tọa lạc tại số 4, đường Nguyễn Du (TX Thủ Dầu Một). Tài liệu ghi về lai lịch Bà Thiên Hậu có khác nhau, kể cả nơi xuất thân của bà, nhưng có nét chung là qua các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh (Trung Hoa) bà đều được phong Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Theo người dân, bà rất hiển linh và được tôn thờ tại nhiều nơi do hay giúp đỡ người, nhất là người gặp hoạn nạn khi đi biển.

Tương truyền, từ các thế kỷ trước, nhiều người Hoa rời quê hương Trung Hoa xuôi phương Nam tìm đất mới lập nghiệp trong đó có Việt Nam, trên đường vượt bể khơi đầy sóng gió họ đã được Bà Thiên Hậu luôn giúp đỡ, phù hộ an toàn trên các chuyến hải hành.

Sau đó còn tiếp tục độ trì họ trong việc định cư, ổn định cuộc sống mới. Ghi nhớ công ơn này, tại các nơi định cư ổn định, họ lập đền thờ Bà.

Ở Thủ Dầu Một không có tài liệu ghi chùa (hay miếu) được lập năm nào, chỉ biết đầu tiên chùa được cất bên con rạch thuộc đất của Hương chủ Hiếu (nay được xây dựng lại trên vị trí ban đầu).

Do chùa thờ thần nữ nên người xưa xây chùa tuân theo nguyên tắc kiến trúc điện mẫu, tức mang yếu tố nữ trong xây dựng.

Một trong các nguyên tắc đó là điện thờ gần nơi có nước, vì nước là yếu tố âm, mang tính nữ. Đến năm 1923, cả 4 bang người Hoa là Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến và Hẹ góp sức tái tạo lại chùa trên vị trí ngày nay.

Toàn bộ ngôi chùa có 3 dãy nhà, giữa là chánh điện và 2 dãy nhà ở hai bên là đông lang và tây lang làm nơi làm việc, hội họp và kho.

Tại chánh điện thờ tượng Thánh Mẫu, có áo mão trang nghiêm và được thay mới hàng năm. Bên trái thờ Ngũ Hành Nương nương, bên phải thờ ông Bổn, gọi là Bổn Đầu Công công.

Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu ở Thủ Dầu Một được tổ chức long trọng nhất là vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm. Đây là ngày lễ hội lớn của người Hoa không chỉ tại Bình Dương mà còn cho cả Nam Bộ.

Lễ được tiến hành theo tuần tự: sáng 14 tháng Giêng, lễ bắt đầu diễn ra đơn giản 15- 20 phút, sau đó bá tánh vào làm lễ.

Dịp này có tục “thỉnh lộc Bà”, lộc là những cây nhang lớn hay đèn lồng giấy, có nghĩa là mang ánh sáng, hương thơm về cho gia đình. Đèn đó do bá tánh cúng, một số được thỉnh đi, một số được hỏa thiêu sau lễ. Hàng năm chùa cũng làm một số lồng đèn (thường là 15 chiếc) để đấu giá tạo quỹ cho chùa.

Vui nhất là lễ rước kiệu bà: Đi đầu là tấm biển có đề “Thiên Hậu xuất du”, kế tiếp là đám múa hẩu của người Hoa thuộc bang Phúc Kiến.

Hẩu là Kim Mao Sư (sư tử rồng vàng) là chúa của các loài thú để ngụ ý răn đe các cái xấu, cái ác. Sau hẩu là các xe hoa, đồ binh khí, bát bửu và các tấm bài…

Sau đoàn này, tùy theo năm, BTC có thể cho thêm đoàn Bát Tiên (gồm 6 tiên ông và 2 tiên bà), các tiên nữ, đoàn múa rồng, múa lân. Sau đoàn lân là cộ bà có 8 người khiêng (chia người đều cho 4 bang, mỗi bang phụ trách một góc cộ).

Tiếp theo là đoàn lân của người Quảng Đông như hộ vệ bà, rồi đến đại diện của 4 bang người Hoa. Ý nghĩa của việc rước cộ là cho bà viếng dân tình và để bá tánh chiêm bái, cầu phúc.

Đoàn rước kiệu đông đúc rồng rắn trên đường, hai bên đường là người xem đông đặc có năm đến hàng vạn người, tạo không khí vui tươi hiếm thấy (ảnh).

Có thể thấy các cuộc rước lễ là cách người xưa, tạo sự kết nối giữa thần thánh với đời thường, là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí trong không khí tín ngưỡng dân gian, như một hội hè đình đám dân gian truyền thống. Đó cũng là một nét thể hiện sự đoàn kết gắn bó của các cộng đồng dân tộc Việt Nam có từ lâu đời.

HỒNG VÂN- st (TP Vĩnh Long)