Tưởng nhớ cụ Đồ Chiểu

Cập nhật, 08:04, Thứ Hai, 27/03/2017 (GMT+7)

Ngày rằm tháng Giêng, tôi thực hiện tâm niệm của mình, ngược đường về vùng đất Cần Giuộc (Long An), thắp nén nhang lên văn bia ghi dấu nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, mà dân gian, các lớp hậu bối Nam Bộ thường gọi kính mến là cụ Đồ Chiểu và đồng tưởng nhớ những người nông dân đã hy sinh trong trận đánh giặc Tây Dương vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16/12/1861).

Di tích Tổ đình Tôn Thạnh ở ấp Thanh Ba (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc- Long An) luôn đón khách đến thăm.
Di tích Tổ đình Tôn Thạnh ở ấp Thanh Ba (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc- Long An) luôn đón khách đến thăm.

Văn học sử Việt Nam đã để lại cho đời những áng “hùng văn thiên cổ”, mà mỗi lần được đọc là cảm nhận hào khí dân tộc bừng sôi trong huyết quản.

Từ bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt cho đến “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, rồi “Bình Ngô đại cáo” mà Nguyễn Trãi viết thay lời cho Bình Định vương Lê Lợi sau cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Đó là những trang sử được viết bằng tâm huyết, khí phách của một dân tộc hòa hiếu mà kiên cường, bất khuất trước giặc ngoại xâm. Đặc biệt, những câu nói trong tờ hịch bất hủ của Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Chắc hẳn rằng, có nhiều lớp học sinh từng thuộc nằm lòng nhiều câu, nhiều đoạn trong những áng hùng văn đó.

Đặc biệt, bên cạnh những áng hùng văn ấy, còn có những áng văn bi tráng, thống thiết trong loại văn tế của cụ Đồ Chiểu- thật là gần gũi, dễ cảm nhận với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân “Nam Kỳ lục tỉnh”.

Là một người có học thuật thâm sâu, nhưng phần lớn sáng tác của ông khá bình dị, gần gũi với nhiều tầng lớp quần chúng nhân dân, dù ông có một gia tài văn chương bằng tiếng Hán cũng khá đồ sộ.

Từ nhỏ đã được học, rồi tiếp tục được nghiên cứu ở bậc đại học, đã tạo nên trong tôi sự ngưỡng mộ, cảm mến sâu sắc nhân cách, con người cụ Đồ Chiểu, có lẽ là một trong những người đã “góp” nên cá tính đặc trưng của con người Nam Bộ ngày xưa. Đồng thời, qua bài văn tế bi tráng mà lớp hậu bối cảm thương những nghĩa quân “nông dân” Cần Giuộc đã hy sinh vì nghĩa lớn.

Với tâm thế đó, tình cảm đó, nên khi lần đầu tiên được về thăm mảnh đất Cần Giuộc (Long An), đứng ngay trên di tích của cuộc khởi nghĩa năm nào; đặc biệt đứng trước tấm bia có khắc bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, trong hương khói mang mùa xuân, lòng không khỏi trào dâng cảm xúc và sự thành kính hướng tưởng về người xưa.

Cụ Đồ Chiểu cũng là người đã nêu lên một bài học lớn về tinh thần đánh giặc toàn diện của dân tộc Việt Nam, không chỉ trai gái, lớn nhỏ, trẻ già mà một nhà văn mù lòa cũng có thể góp sức, góp công lớn vào cuộc đấu tranh khi mà “giặc đến nhà”.

Không trực tiếp cùng nghĩa quân, nhưng bằng tài năng, đức độ, bằng sự thể hiện thái độ bất hợp tác “tuyệt đối” với giặc Pháp, cụ Đồ Chiểu đã trở thành nơi tụ nghĩa, nơi tập hợp tinh thần chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ.

Chính vì vậy, hễ giặc Tây chiếm đóng đến đâu thì ông cùng gia đình dọn nhà đi từ Gia Định về Long An, rồi cuối đời sống ở đất Vĩnh Long (thuộc Bến Tre ngày nay). Ngày 17/2/1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định.

Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, nay là ấp Thanh Ba (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc- Long An).

Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác áng văn bất hủ “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” ngợi ca chiến công anh hùng của những người “dân ấp, dân lân” trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với nhiều nghĩa quân, do sự chênh lệch lực lượng quá lớn.

Đây chính là nơi mà cụ Đồ Chiểu sống vừa dạy học, vừa bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân trong vùng và cũng chính là nơi mà nghĩa quân thường làm nơi họp bàn chuyện đánh Tây.

Do đó, di tích chùa Tôn Thạnh cũng được xem là Tổ đình, mà người dân khắp nơi thường xuyên về đây thắp hương, hằng tưởng nhớ về người xưa. Có điểm đặc biệt, là khi về đây dâng hương cúng bái, mọi người được mời cơm chay rất chu đáo, thịnh soạn nhưng tuyệt nhiên trong chùa hoàn toàn không có đặt thùng cúng dường.

Năm 1997, chùa Tôn Thạnh được công nhận là Di tích Lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, xung quanh ngôi chùa hiện vẫn còn nhiều di tích lưu dấu lại hình ảnh cụ Đồ Chiểu, cũng như những nghĩa quân Cần Giuộc. Đây cũng là nơi mà có rất nhiều các em học sinh ở nhiều độ tuổi thường xuyên lui tới cầu nguyện, dâng hương.

Chùa Tôn Thạnh gắn bó mật thiết với những biến cố thăng trầm cùng vùng đất, con người nơi đây; đặc biệt là sự kiện lịch sử năm 1861 và đã được cụ Đồ Chiểu ghi lại trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”: “Chùa Lão Ngộ năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm. Đồn Tây Dương một khắc đặng rửa hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”. (Lão Ngộ là một tên gọi khác của chùa Tôn Thạnh).

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sống ở đây từ năm 1859- 1962, khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, ông cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức (tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến.

Cụ Đồ Chiểu được xem là người có khá nhiều bài văn tế rất hay, nổi tiếng và luôn gắn liền với sự kiện lịch sử; hay tưởng nhớ, tỏ lòng tiếc thương đối với các anh hùng nghĩa quân hy sinh trong chiến đấu chống giặc Tây.

Cụ Đồ Chiểu đã để lại cho đời một di sản tinh thần quý báu và ảnh hưởng sâu sắc đến vùng đất, cá tính con người Nam Bộ; đặc biệt, nổi bật khí chất kiên cường, bất khuất trước giặc ngoại xâm.

Dù mù lòa vẫn luôn giữ nhân cách cao đẹp “sáng tâm”, lấy văn chương là vũ khí chống giặc với tư tưởng: “Văn dĩ tải đạo”. Đây cũng là tấm gương, bài học lớn cho những ai đang đi trên con đường văn chương, chữ nghĩa, dùng ngòi bút để chở đạo, giúp đời.

 

Khi được tin Trương Định hy sinh (19/8/1864), nhà thơ xúc động, viết bài “Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn” điếu người anh hùng. “Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng” hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868) vốn gốc là hương sư, bạn bè thân thiết với ông. Thơ điếu lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như lời thề tạc vào đá: “Tinh thần hai chữ pha sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non”.

 

  • ™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG