Truyện ngắn

Gừng già

Cập nhật, 05:09, Thứ Bảy, 14/01/2017 (GMT+7)

Chiếc xe đò dừng lại đột ngột. Hành khách bị dội bật lên. Những người đang ngủ gục choàng tỉnh, ngơ ngác. Anh lơ xe mau mắn nhảy xuống đón khách- một ông lão đâu chừng ngoài bảy mươi, vóc người trung trung, đôi mắt sáng.

Ông lên xe với cái giỏ tre có vẻ nằng nặng. Cái giỏ đựng gì mà bên trên đậy toàn lá chuối khô lại có mùi thum thủm. Những người khách nhạy cảm vội đưa tay bịt mũi:

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

- Trời đất! Ông đem cái gì lên xe mà hôi quá vậy?

Một bà ăn mặc sang trọng ngồi ở hàng ghế thứ ba, nhìn ông và hỏi với vẻ khó chịu. Ông lão loay hoay với cái giỏ nhưng vẫn trả lời cốt cho cả xe nghe:

- Mắm! Tôi đi Sài Gòn thăm con nên đem theo ít mắm cho nó vậy mà. Xin lỗi bà con vì cái mùi của nó.

Nói xong, ông lách mình đi xuống hàng ghế chót. Cả xe đều được thưởng thức cái mùi “độc đáo” đó. Ông lão ngồi xuống gần một thanh niên, có vẻ là một sinh viên đi học xa nhà. Người thanh niên nhìn ông thông cảm. Cậu ta nhích mình vào thành xe, cố nhường cho ông chỗ rộng. Người khách kế bên vẫn say ngủ.

- Bác để cái giỏ trong góc này, cháu giữ cho, không khéo nó ngã thì phiền người ta lắm.

Ông lão đẩy cái giỏ về phía cậu rồi thong thả móc gói thuốc giồng vấn một điếu. Ông chợt nhớ ra:

- Bác hút thuốc có phiền cháu hôn?

- Dạ! Không sao.

- Ừ! Lạt miệng quá, làm một điếu thôi.

Ông châm lửa bằng cái quẹt ga loại đắt tiền. Cậu thanh niên ngạc nhiên nhưng không hỏi “Sao ông lại xài cái quẹt đắt vậy, trong khi ông có vẻ là một người chẳng khá giả gì?” Chờ ông lão rít xong mấy hơi thuốc, cậu ta khẽ khàng:

- Bác đi thăm con, mà con bác học trường nào? Cháu cũng học ở Sài Gòn, cháu đang học Bách khoa.

Ông lão rít thêm một hơi thuốc nữa rồi từ tốn:

- Bác nghe nói nó học “Sinh học sinh hiếc” gì đó. Nông dân quê mùa mà, có rành gì đâu. Tại con nó ham học, mình phải ráng. Ở nhà kiếm cơm từng bữa, nó giỏi mình mừng.

Nghe ông lão than thở, cậu thanh niên cũng chạnh lòng. Nhà cậu cũng nghèo, đi Sài Gòn học là cả một vấn đề, nhưng thấy ông lão, cậu càng thương hơn. Ai đời, từ Long Xuyên lại đem mắm lên Sài Gòn, nhưng tấm lòng cha mẹ thì như vậy đó. Cậu ái ngại nhìn ông:

- Con bác ở trển chắc sống cực lắm hả bác? Mà con trai hay con gái?

- Con trai! Nó ưa mắm của má nó làm. Xứ mình thì thiếu gì cá ngon. Ở Sài Gòn cái gì cũng mắc, tội gì mua cho uổng tiền. Để chút nữa xuống xe, bác cho cháu một ít đem về ăn.

Chàng trai vừa cười vừa lắc đầu:

- Dạ, cám ơn bác! Bác đem lên cho ảnh mừng. Con không dám nhận đâu! Má con cũng có làm cho một ít đồ ăn rồi.

Hai bác cháu lại từ chuyện nọ xọ chuyện kia cho tới lúc anh lơ xe xuống thâu tiền. Ông lão móc từ túi áo trong ra một bọc ny lông đã nhàu nát rồi rút ra mấy tờ giấy bạc. Vừa trả, ông vừa lầu bầu:

- Qua lên dọc đường, hổng bớt sao?

- Cùng một giá ông ngoại ơi! Ông lên cách Long Xuyên đâu xa?

Có vẻ như ông lão không còn bao nhiêu tiền. Cái bọc chỉ còn mấy tờ giấy năm ngàn và một ít tiền lẻ. Anh chàng sinh viên ái ngại nhìn ông. Cậu ta nhớ tới một triệu đồng má mới bán lúa cho cậu đem đi vì lâu lâu cậu mới về. Ông lão cất tiền vào túi, cũng cẩn thận như khi móc ra. Hai bác cháu cùng lim dim ngủ.

*

* *

Tới một quán gần Tân An. Hành khách lao xao, kẻ xuống ăn cơm uống nước, người xuống tìm chỗ vệ sinh. Ông lão chợt xoay qua hỏi:

- Cháu đói chưa? Hai bác cháu mình mua cơm ăn.

- Dạ! Để cháu xuống mua luôn cho bác.

Nói rồi, cậu ta nhanh nhẩu xuống xe. Lát sau trở lên với hai hộp cơm và hai bịch trà đá.

- Bao nhiêu tiền, bác gởi lại cháu?

- Dạ thôi khỏi! Coi như cháu mời bác.

- Đâu được! Cháu đi học làm gì có tiền mà đãi. Hay là cháu sợ bác hổng tiền?

Đúng là cậu cứ nghĩ hoài tới cái bịch ny lông cũ mèm chỉ còn mấy tờ giấy bạc nhỏ của ông lão mà ái ngại. Ông lão vừa ăn cơm vừa nhìn cậu sinh viên ra chiều vừa ý lắm. Còn chàng trai ấy lại nghe lòng mình một niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa vì biết mình đã làm được một điều tốt đẹp nho nhỏ thôi.

*

* *

Xe dừng ở bến. Mọi người lục tục xuống xe. Hai bác cháu chờ cho hành khách xuống hết mới đứng dậy. Ông lão với tay xách giỏ nhưng cậu sinh viên đã lẹ làng:

- Bác để cháu xách xuống cho. Mà bác về quận mấy?

- Bác về tới quận Phú Nhuận. Thằng nhỏ ở chung với mấy đứa bạn nó.

- Ôi! Hay quá! Cháu cũng ở cách đó vài trăm thước thôi. Để cháu đón xe cho bác rồi mình đi chung cho vui. Và chàng trai vẫn tử tế xách dùm cái giỏ mắm.

Xe dừng, hai bác cháu cùng xuống một lượt. Ông lão vui vẻ mời:

- Cháu vô nhà uống nước. Để bác giới thiệu con trai bác cho làm quen.

Ông lão lẹ làng đi vào một con hẻm. Tới trước một căn nhà nhỏ, có rào, ông đứng lại, kêu lớn lên:

- Bình ơi! Ba lên tới rồi!

Một thanh niên chạy ra mừng rỡ.

- Hay quá! Ba lên kịp lúc rồi. Bác Năm đang chờ ba nãy giờ. Ba có đem tiền
lên hôn?

Vừa hỏi, anh vừa quan sát và không thấy ông xách theo gì ngoài cái giỏ tre.

- Có chớ sao không! Ba biết bữa nay chồng tiền cho người ta mà không đem sao được.

Vừa nói, ông vừa ngồi xuống, kéo mấy miếng lá chuối khô nhét vào thùng rác gần đó. Trong giỏ là một bọc ny lông màu đen, không có vẻ gì là một bọc mắm cả. Người con cũng ngạc nhiên.

- Ba để tiền trong giỏ này à! Sao hôi mắm quá vậy?

Ông lão cười sảng khoái:

- Chớ để ở đâu bây giờ? Con tưởng một ông già như ba mà đem theo đường số tiền hai trăm triệu, có được yên không? Ba phải làm như vầy để qua mắt tụi xấu. Mà cũng nhờ làm như vậy, ba mới có được một người bạn tốt như chú em đây.

Chàng sinh viên ngẩn người ra rồi chợt hiểu. Ông lão nhìn cậu ta bằng cái nhìn trìu mến. Cậu ta bỗng mỉm cười: “Gừng càng già càng cay”.

TRẦM NGUYÊN Ý ANH