Chuyện làng văn nghệ

Thơ hay nhất là lúc say nhất

Cập nhật, 05:25, Thứ Hai, 31/10/2016 (GMT+7)

Xưa cũng như nay, đa phần văn nghệ sĩ thường hay uống rượu, nhất là các nhà thơ. Chả có thế mà có người từng nói “Phi tửu bất thành thi”, “Bầu thơ, túi rượu”. Cụ Lý Bạch đời Đường uống rượu, say thơ mà ngã cả xuống hồ. Ở ta có cụ Tản Đà nghiện rượu vào bậc kỳ cựu. Tú Xương đã từng viết:

Một rượu, một trà, một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta...

Thời chống Pháp, Mỹ, các nhà thơ: Phùng Quán, Hoàng Trung Thông tửu lượng không kém gì cụ Tản Đà. Có điều các thi sĩ càng nghiện rượu thì làm thơ càng hay, có khi lúc say nhất lại là lúc làm được những câu thơ hay nhất, như trường hợp của nhà thơ Duy Khán.

Nhà thơ Duy Khán (1934- 1993) quê Quế Võ- Bắc Giang. Tác giả của 2 tập thơ Trận mới (1972), Tâm sự người ra đi (1987) và tập truyện Tuổi thơ im lặng, giải thưởng Hội Nhà văn 1997.

Thời kỳ nhà thơ Duy Khán phụ trách biên tập thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 4 Lý Nam Đế- Hà Nội), căn phòng rộng 6m2 là nơi cơ quan bố trí để ông ở.

Phòng không có bàn, giường nên ông trải chiếu lên sàn nhà làm giường và làm bàn viết. Khi khách đến nhà thì sàn chiếu là bàn rượu, bàn nhậu.

Một lần, để thay đổi không khí, thấy có nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đến chơi, Duy Khán rủ khách ra quán cóc ngoài phố uống rượu.

Rượu ngon lại gặp bạn thơ tâm đầu ý hợp, nên cả hai đều say khướt. Thấy Duy Khán chân nam đá chân xiêu, Nguyễn Thụy Kha dìu bạn về, nhưng Duy Khán dứt khoát không chịu, nói: “Anh còn tỉnh lắm mà…”.

Nói rồi Duy Khán tự đi, nhưng được một đoạn thì ngã quỵ, hai tay chống xuống đất.

Thấy vậy, Thụy Kha chạy vội lại đỡ, Duy Khán xua tay: “Không sao, không sao…”, rồi xuất khẩu ngay câu thơ: “Ngã xuống rồi, em ơi! Vẫn đất”.

“Ôi trời ơi!”, Nguyễn Thụy Kha phải thốt lên bái phục ông anh. Nguyễn Thụy Kha cho rằng đây có lẽ là câu thơ hay nhất trong đời làm thơ của Duy Khán. Bởi câu thơ ấy, trong cái say ấy Duy Khán mới làm được. Say đấy, mà tỉnh đấy.

Quả thật, đối với thi sĩ, những câu thơ, bài thơ hay đâu chỉ được viết trên bàn văn, phòng viết, mà ở bất cứ đâu khi tâm hồn thi sĩ thăng hoa, hay cả khi bị “nàng tiên tửu” mê hoặc.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN (Hưng Yên)