Quý như sen tươi Tịnh Tâm

Cập nhật, 07:35, Thứ Ba, 23/08/2016 (GMT+7)

Hạt sen tươi hồ Tịnh Tâm, bản thân nó đã được xếp vào “văn hóa, văn vật” đất kinh kỳ từ thời nhà Nguyễn. Đây là sự kết hợp tuyệt hảo giữa cảnh và vật, tạo nên món tiến vua thanh tao, quý phái được dùng vào các buổi ngự thiện.

Một giống sen quý, trồng trong hồ nước “phong thủy” ngoài thành nội, đã hoàn thiện vẻ đẹp kiến trúc thơ mộng của Ngự uyển xưa. Nơi, mà vua Thiệu Trị đã xếp hàng thứ ba trong số 20 thắng cảnh đất thần kinh; còn vua Minh Mạng đã sáng tác riêng 10 bài thơ chỉ để ca ngợi cảnh đẹp hồ Tịnh Tâm.

Cái quý giá hơn là cách mà vợ chồng người anh xứ Huế, mới vừa rồi đã “nâng niu” mấy cân sen từ ngoài ấy vào, vừa đáp xuống sân bay Cần Thơ là anh vội vàng tự lái ôtô sang Vĩnh Long biếu cho gia đình chúng tôi.

Chưa nếm thử món ăn, đã thấy... ngọt lịm trong niềm cảm xúc lâng lâng, bởi cái cách “cho- nhận” theo cái kiểu “của một nén” mà công lại... còn nặng bằng “mấy nén”.

Mà nếu ai đã tường tận về sen Tịnh Tâm, sẽ càng thấy quý hơn bởi giờ đã là cuối mùa hạ, đã qua mùa thu hoạch rộ sen tươi rồi.

Lạ cái là giống sen đó phải trồng quanh đất đai, mạch nước của hồ Tịnh Tâm thì mới còn giữ đúng cái “tinh hoa, hồn cốt” của hương vị; còn nhân giống ra chỗ khác thì nó không còn là nó nữa; thế mới được vinh danh đặc sản đã quý lại càng thêm hiếm.

Hạt sen tươi này chỉ cần được bắc lên bếp không quá 3 phút là nó mềm tơi ra, cắn một hạt đã nghe bùi ngận; đặc biệt, nước cốt tứa ra từ hạt sen có vị ngọt thanh tao, nhẹ hơn đường phèn mà đọng lại lâu nơi cổ.

Đó là chưa kể đến cách chế biến cầu kỳ, tinh tế của người xứ Huế khi bọc hạt sen bằng thịt long nhãn để làm nên món chè ngự thiện ngày xưa.

Thưởng thức hạt sen tươi những ngày cuối hạ, thấy nhớ Huế vô cùng, thấy thôi thúc, “ngứa ngáy” niềm đam mê dịch chuyển. Mong một ngày lại đến Huế vào đúng dịp hồ Tịnh Tâm thơ mộng đón mùa sen bung nở.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG