Truyện ngắn

Tiếng đờn kìm

Cập nhật, 16:52, Chủ Nhật, 21/08/2016 (GMT+7)
Ông Hai vốn là tay đờn kìm lão luyện của một đoàn hát có tiếng những năm trước giải phóng. Chữ đờn mùi mẫn, lúc nhặt lúc khoan như cứa vào da thịt người nghe mỗi khi ông bắt đầu so dây nắn phím.
 

 

Ông theo gánh hát từ năm 15 tuổi và cũng nhờ tiếng đờn này mà ông đã gặp bà Hai. Bà Hai là con gái thầy đờn Sáu Khuynh, vì say mê tiếng đờn nên bà đã trốn nhà theo ông Hai trôi nổi khắp nơi.
 
Ông bà có với nhau 2 người con. Đức- con trai lớn buôn bán ở chợ gần đó và Tài hiện đang sống, làm việc tại Sài Gòn. Ông bà Hai sống ở nơi này hơn 40 năm với 15 công đất hương quả và hơn 5 công vườn được ông bà tích cóp mua thêm.

Với vùng quê tĩnh mịch này, “đỏ đèn” là mọi người đã bắt đầu đi ngủ. Nhà ông bà Hai được coi là ngủ muộn hơn tất cả, vì ông Hai đêm nào cũng ngồi đờn đến khuya. Đêm nay đã hơn 8 giờ mà ông Hai còn ngồi đờn một mình trên ghế đá trước sân nhà.

Bà Hai không quen thức khuya, hôm nào cũng vậy, mặc ông Hai ngồi đờn, bà đi ngủ sớm. Cũng như mọi hôm, bà Hai vô mùng từ sau bữa cơm chiều một lúc, nhưng hôm nay bà không sao chợp mắt, cứ lăn qua trở lại mà hai con mắt cứ trao tráo.

Bỗng dưng đêm nay bà thấy nhớ thằng Tài, lo lắng cho nó đủ điều: “không biết đi công tác có nhớ đem theo thuốc suyễn, bịnh đau bao tử đã ổn chưa, viêm mũi dị ứng điều trị tới đâu rồi; sao không chịu kiếm đứa con hủ hỉ, ẵm bồng cho vui nhà vui cửa với người ta…”. Bà vội vén mùng ra trước hiên nhà ngồi băng đá đối diện ông Hai. Bà buột miệng hỏi:

- Sao ông không đi ngủ sớm mà còn ngồi đó đờn?

Dù đang say sưa theo tiếng đờn réo rắt của bài Tứ Đại Oán nhưng ông Hai cũng trả lời:

- Bà có buồn ngủ thì đi ngủ trước đi, chút tui ngủ sau.

- Khuya rồi sương gió không hà mà ông ngồi đó đờn hoài.

Như không để ý lời bà Hai nói, ông Hai tiếp tục đờn. Định bàn với ông Hai một chuyện mà thấy ông cứ mải mê đờn nên bà cứ lặng lẽ ngồi đó nghe.

Cũng tiếng đờn này mà ngày xưa ông bà đến với nhau, bà chợt mỉm cười như nhớ lại thời còn bồng bột, những ngày tháng rày đây mai đó của ông bà. Bà Hai đứng lên rồi lại ngồi xuống, hết vào nhà rồi lại đi ra. Ông Hai thấy lạ nên hỏi:

- Bộ có chuyện gì sao mà ra đây, rồi cứ hết đứng rồi ngồi, hết ra rồi lại vô vậy bà?

- Ờ… ông… chuyện thằng Tài kêu mình lên đó sống với vợ chồng nó, ông tính sao rồi?

Gõ song lan cái cốp dứt lớp xang vắn của bài Tứ Đại Oán, ông Hai mới chậm rãi trả lời:

- Thôi bà vô ngủ đi để thủng thẳng rồi tính.

Nói vậy chứ ông Hai đã tính sẵn rồi. Nghe ông Hai nói thế, bà Hai đành trở vô mùng nằm ngủ. Một lát sau, ông Hai cũng cầm cây đờn đi vào nhà...

Cố vỗ giấc ngủ nhưng không sao chợp mắt được vì câu hỏi lúc nãy của bà Hai. Gác tay lên trán ông suy nghĩ miên man về chuyện có nên về sống với thằng Tài không.

Dù sao đây cũng là nơi mà ông bà đã gắn bó mấy mươi năm nay, quen xóm quen làng, giờ xa xứ ông không nỡ một chút nào. Đồng hồ treo tường đã gõ 12 tiếng. Mỏi mệt ông Hai cũng dần chìm vào giấc ngủ…

Sau mấy đêm bàn tính, suy hơn tính thiệt, ông bà Hai quyết định cố số đất cho hàng xóm. Cho tiền thằng Đức một ít cùng với miếng vườn đang lúc có huê lợi.

Còn lại ông bà giữ đó định cho thằng Tài làm của hồi môn. Căn nhà thì ông bà để thằng Đức tới lui nhang khói và làm chỗ vựa gạo buôn bán. Sau này thằng Tài có “mần ăn” thua thiệt muốn về vườn sống cũng có chỗ có nơi.

Ông bà Hai lên Sài Gòn sống được 3 năm...

Có bà Hai, vợ chồng thằng Tài đỡ vất vả chuyện chợ búa, cơm nước, chuyện trông coi nhà mỗi khi vợ chồng đi công tác. Tài và Hương cưới nhau đã 4, 5 năm nay mà bà Hai chưa có cháu nội để bồng.

Vợ chồng hay lục đục vì tính hay nói và tật nhỏ nhen, chi li của Tài. Từ lúc có ông bà Hai, hàng xóm không còn nghe vợ chồng cãi vã nhau nữa, mọi chuyện đều được vợ chồng “nhỏ to” trong phòng ngủ.

Tài và vợ làm việc cho một cơ quan nhà nước. Công việc nhiều nên ít khi có thời gian dành cho ông bà Hai. Ông bà chỉ quanh quẩn trong căn nhà tươm tất, sạch sẽ được Tài mới cất 1 năm nay.

Sau khi cơm nước xong chỉ biết làm bạn với chiếc ti vi, hết coi cải lương rồi tới coi phim. Ông Hai thì vẫn làm bạn với cây đàn kìm- người bạn thân mà ông vẫn không quên mang theo bên mình, có nó ông Hai cũng đỡ nhớ quê.

Từ khi xa quê đến nay, ông bà Hai trông mởn da hơn nhưng những nếp nhăn trên trán ông bà nhiều hơn, tóc bạc cũng thêm nhiều hơn. Thỉnh thoảng, ông bà Hai có về quê mỗi khi giỗ chạp, vài ba hôm rồi lại quay về thành phố.

Bà Hai còn nhớ, lúc thằng Tài còn nhỏ thì tiếng đờn kìm của ông Hai đã thay lời ru của bà đưa Tài vào giấc ngủ ngon. Lớn lên, Tài cũng hay ngồi nghe và tập tành hát 1, 2 câu vọng cổ.

Nhưng bây giờ thì Tài không hề ngồi bên cạnh ông Hai mỗi tối nữa hay ca vọng cổ cho bà nghe, mà cứ hết ở chỗ làm về, cơm nước xong là chui tọt vào phòng ngủ, sáng lại đi làm.

Còn con dâu bà cũng không khác chồng, hết giờ làm về nhà là luyện mấy đầu ngón tay với cái điện thoại cầm tay, dán mắt vào màn hình vi tính, chát chít gì đó với bạn bè.

Có hôm cũng chẳng đoái hoài tới ông bà một câu ngoài lời chào hỏi lúc đi và về. Việc này cứ lặp đi lặp, riết rồi vợ chồng thằng Tài coi ông bà Hai như người dưng kẻ lạ.

Cũng đã nhiều lần bà Hai nói với ông Hai chuyện này nhưng ông Hai cứ nói cho qua chuyện là “tại tụi nó lu bu công việc, thì giờ đâu mà nói chuyện với tui với bà”. Nhưng trong thâm tâm bà Hai biết ông Hai cũng đã chán ngán cái cảnh này và đã có quyết định riêng mà chưa nói với bà thôi.

Tính của ông Hai là thế, hễ quyết định chuyện gì là chắc như đinh đóng cột, suy nghĩ và chịu đựng một mình ít khi bàn với bà, trừ chuyện lên đây sống.

Sau vài đêm suy nghĩ, một buổi sáng trước khi vợ chồng thằng Tài đi làm, ông bà Hai gọi cả hai lại nói chuyện. Bà Hai từ tốn nói:

- Tài à, ba má quyết định rồi, ba má về quê sống quãng đời còn lại con à. Ba má nhớ quê, nhớ bà con chòm xóm quá!

Ông Hai cũng tiếp lời bà Hai:

- Con và vợ con lo cho ba má nhiều lắm. Có hiếu với ba má lắm. Ba má không buồn phiền vợ chồng con điều gì hết. Ba má sẽ tự chăm sóc nhau con à. Kệ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Khi nào đi hết nổi lúc đó hãy tính. Ba chỉ muốn con thực hiện một điều: con phải mạnh mẽ, quyết đoán, bản lĩnh, sống không được bủn xỉn, keo kiệt quá nghe con. Mình là đàn ông, trụ cột gia đình mà.

Ông bà Hai quyết về lại nơi làng quê yên ả, có bà con lối xóm tốt bụng, chia nhau từng mớ rau con cá, trái ớt trái cà mặc cho vợ chồng Tài năn nỉ…

Ông bà Hai về tới quê được năm hôm. Vẫn còn đây cây mù u mé hiên nhà rợp bóng, cây cồng giáp ranh với nhà ông Năm hàng xóm lớn bộn.

Ông Hai định cưa cây mù u để làm vài tấm thớt cho bà con lối xóm. Bà con lối xóm ai cũng tới hỏi thăm, mừng rỡ. Đàn cá dưới ao đớp mồi liên tục như mừng sự trở về của ông bà…

Đang ngồi ăn cơm sáng, thằng Tài gọi điện về cho hay, Hương nghe lời bạn bè tham gia bán hàng đa cấp, hùn hạp làm ăn lỗ lã, giấy tờ nhà đã nằm ở ngân hàng, có người tới đòi lấy căn nhà để trừ nợ. Bà Hai bỏ bữa, chạy vội vào buồng xếp vội mấy bộ đồ rồi giục ông Hai đi gấp lên thành phố chuyến nữa...

HỒ MAI (TP Vĩnh Long)