Sổ tay phóng viên

Nền văn hóa, văn nghệ "âm tính"

Cập nhật, 10:38, Thứ Ba, 19/07/2016 (GMT+7)

Chương trình “Gương mặt thân quen” trên VTV3 vừa có đêm chung kết và tìm ra quán quân là Bạch Công Khanh, với tiết mục đóng giả NSND Bạch Tuyết trong trích đoạn nổi tiếng mà dân ghiền cải lương miền Tây ngày xưa hay gọi là “Nguyệt Nga cống Hồ”.

Không bàn chuyện ai quán quân, chúng tôi chỉ muốn ghi nhận cảm giác cụ thể trong tiết mục cụ thể, với nhiều cái hơi “lố lăng”.

Chương trình gốc đã phát hàng chục năm nay trên một đài truyền hình Nhật Bản có tên là “Manemono”, dịch nôm na là “Đồ bắt chước”. Một chương trình hoạt náo, thuần tính giải trí.

Ở một đất nước mà có thể đưa nhiều câu chuyện tình dục, hài nhảm nhí lên truyền hình như Nhật Bản thì bắt chước chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng bên cạnh đó, họ có rất nhiều chương trình nghiêm túc dành cho những vấn đề nghiêm túc với thời lượng cân bằng.

Với “Gương mặt thân quen”, dễ đưa những khán giả trẻ đi “lệch” vào 2 hướng: Đó là đánh đồng giữa khả năng bắt chước và tài năng thực sự của nghệ thuật. Thứ hai, là càng góp phần đưa giới trẻ đi đến chỗ lẫn lộn giới tính.

Vấn đề thứ nhất, giọng hát Bạch Công Khanh “cả gan” bắt chước giọng “cô Ba Bạch Tuyết” mà theo đánh giá “được” của NSƯT Hoài Linh, thực sự đó là sự bôi bác cải lương đỉnh cao và thất lễ với bậc trưởng thượng là một con người tài, sắc vẹn toàn như “cô Ba”.

Giọng hát của Bạch Công Khanh có khác gì “vịt đực”, mà ngay cả những người không rành về cải lương cũng cảm thấy chói tai, gai gai trong người và diễn xuất quá đồng bóng; mà lần đầu tiên khán giả thấy Hoài Linh đã nhận xét không thực với cảm xúc của mình.

Bởi lẽ, đối với các tiết mục nghệ thuật truyền thống, Hoài Linh rất trân trọng và “soi” rất kỹ. Anh thường chăm chú xem không chớp mắt, mà cụ thể trước đó là tiết mục xuất thần của Hòa Minzy, đóng giả NSND Minh Gái trong trích đoạn tuồng cổ “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”.

Trong khi, vừa xem Bạch Công Khanh anh vừa cười nghiêng ngả, khá hài hước. Cả giám khảo Mỹ Linh cũng cười không ngớt, nhưng lại đánh giá hoàn toàn trái ngược.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là chương trình này như “tiếp hơi” cho một làn sóng giả gái đến... phát ngán của giới nghệ sĩ hiện nay và thật khó hiểu là chúng lại được xuất hiện tràn ngập trên các gameshow, các chương trình giải trí.

Có thể nói, hầu hết các nam nghệ sĩ, đặc biệt là lĩnh vực hài đều ít nhất phải một đôi lần giả gái, thậm chí có người “mê” giả gái; nhưng không biết điều này nó thể hiện tài năng gì trong nghệ thuật, ngoài chuyện đang hình thành nên một nền văn hóa, văn nghệ “âm tính”, đồng bóng, ẻo lả một cách sống sượng.

Mặc dù, trong nghệ thuật rất cần có những trường hợp cần thiết phải giả trai, giả gái, nhưng nó đều có lý do nghệ thuật của nó và thường rất hiếm hoi.

Có một thời, ngành văn hóa rất khắt khe chuyện “hở”, giờ đây nó đã huốt “hở” rồi; nhưng theo cá nhân tôi “hở” bề ngoài chỉ là chuyện nhỏ, cái đáng sợ hơn chính những cái “hở” bên trong.

Đó là diễn biến bên trong tư tưởng, tâm lý người xem, đó là định hướng lệch lạc về nghệ thuật, ảo tưởng về tài năng và đem đến sự lệch lạc giới tính trong xã hội hiện nay.

Cái bất thường, biến thái nhưng nếu nó được cổ xúy và diễn ra hàng ngày sẽ quen mắt và trở nên bình thường. Đó là trách nhiệm, là sự tôn trọng nghề và lòng tự trọng, nhân cách của người nghệ sĩ, trước khi nói đến trách nhiệm về mặt quản lý.

NGỌC TRẢNG