Chuyện đánh cọp ở Rạch Rừng

Cập nhật, 15:02, Thứ Hai, 18/07/2016 (GMT+7)

Rạch Rừng nay thuộc ấp Tường Thạnh, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn. Từ vàm Rạch Rừng đi vào khoảng 500m, thì chia ra hai ngã, ngả rẽ về hướng Nam qua rạch Cai Trung nối với kinh Già Vách; ngả rẽ của Rạch Rừng chảy về hướng Đông Nam khoảng 1.000m thì chia hai ngã, về Rạch Ngang và chảy tiếp nối với Rạch Sơn (ấp Tân Thạnh).

Nguyên xưa, khi những bước chân đầu tiên của lưu dân vào đây khai phá đã có sẵn con rạch này. Đến cuối thế kỷ XIX, rạch rộng khoảng 4m, sâu 1,5m.

Đất đai dọc hai bên rạch cây cối rậm rạp, còn nhiều loài thú dữ sinh sống. Dân gian còn lưu truyền câu chuyện về Cụ Thần (họ Nguyễn) đánh cọp để bảo vệ dân làng trên bước đường khai khẩn đất hoang trên vùng đất mới.

Chuyện kể rằng, hồi bấy giờ trong vùng từ vàm Rạch Rừng vào đến vàm Cai Trung có con mãnh hổ, chúng thường vào nhà dân (cả ban ngày) để bắt súc vật và kể cả người để ăn thịt.

Người dân rất lo sợ, ông Cả Hổ (tức Nguyễn Minh Châu 1873- 1934) đã tìm mời được một thầy võ, rất gan dạ họ Nguyễn về đây để bắt hổ. Ông cụ Thần (biệt danh của thầy võ) theo dõi trong nhiều ngày; cuối cùng “ông hổ” thường hại dân làng xuất hiện.

Ông cụ Thần nhảy vào chiến đấu với hổ trong hơn hai giờ liền. Hổ bị cụ Thần đánh bị thương, bỏ chạy qua bên kia con rạch.

Ông cụ Thần đuổi theo, nhảy qua con rạch, chẳng may vừa đến mé bờ rạch thì hổ đã đón sẵn, nên ông bị hổ vồ ở cổ họng, bị thương nặng. Lúc bấy giờ, dân làng cũng vừa kịp đến ứng cứu.

Thấy đông người, hổ đã bỏ chạy và sau đó không còn trở lại quấy phá người dân hai bên rạch này nữa. Do bị thương nặng, về nhà được hơn nửa tháng, cụ Thần đã qua đời.

Người dân thương cảm công lao đánh cọp của ông đã giúp dân làng, nên người dân mai táng ông rất long trọng, mộ đất, xung qua lát đá ong và bia mộ bằng đá xanh, nằm bên Rạch Rừng.

Do năm tháng qua đi, bia mộ đã bị bào mòn không còn đọc rõ được chữ nhưng câu chuyện về đánh cọp của cụ Thần nhiều người dân sống dọc hai bên Rạch Rừng đều còn nhớ và cảm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của ông.

Dân gian còn lưu truyền, do ông Nguyễn Minh Châu đã có công mời người về đánh hổ giúp dân làng nên khi hổ bỏ đi nơi khác, ông được tôn lên làm ông Cả, và lấy tích để đặt tên cho ông là Cả Hổ.

Đồng thời tại điểm tiếp giáp giữa Rạch Rừng với rạch Cai Trung, vào khoảng đầu thế kỷ XX, Hòa thượng U, cùng Hương chức trong làng đã vận động nhân dân xây cất chùa Phước Thạnh, trên phần đất của ông Quản Nhọn (tức Đặng Văn Nhọn). Ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nay ít được chăm sóc nên đang bị xuống cấp.

Hiện nay, dọc hai bên Rạch Rừng dân cư vào đây sinh sống ngày càng đông, có hơn 53 hộ dân. Đa phần dân cư sống bằng nghề nông trồng lúa, một ít trồng cây ăn trái như dừa, cam… cuộc sống đã ổn định.

TRẦN THÀNH TRUNG