Nguy cơ triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập úng

Cập nhật, 11:02, Thứ Ba, 21/09/2021 (GMT+7)

 

Người dân khai thông cống rãnh tiêu thoát nước ứng phó triều cường, mưa lớn.
Người dân khai thông cống rãnh tiêu thoát nước ứng phó triều cường, mưa lớn.

(VLO) Theo dự báo của ngành chuyên môn, đỉnh triều cường rằm tháng 8 âl sẽ xuất hiện trong vài ngày tới, trong khi đó thời tiết Vĩnh Long cũng dần chuyển xấu gây mưa diện rộng và mưa lớn cục bộ khoảng thời gian này. Hai yếu tố trên sẽ làm gia tăng nguy cơ ngập úng đối với những vùng ven sông, trũng thấp và khu vực nội ô.

Nguy cơ ngập úng

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, đỉnh triều cao nhất trên sông chính trong tỉnh có thể xuất hiện trong các ngày 22- 23/9/2021 (nhằm ngày 16- 17/8 âl) ở mức xấp xỉ hoặc trên báo động 2.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Nam Trung Bộ hoạt động mạnh nối với vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông đang di chuyển về phía Tây kết hợp với gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình, từ nay đến ngày 22/9/2021, do chịu tác động của hình thế thời tiết phân tích ở trên nên thời tiết chuyển xấu gây mưa diện rộng và mưa lớn cục bộ cho khu vực tỉnh Vĩnh Long. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1.

Các vùng ven sông, trũng thấp và khu vực nội ô có thể bị ngập lụt khi triều cường kết hợp với mưa lớn. Ghi nhận trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như Vũng Liêm 40,4mm, thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) 73,5mm, Hòa Ninh (Long Hồ) 97,2mm.

Ông Nguyễn Thanh Xương (ở ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu- Long Hồ) có 2,5 công đất trồng rau cải các loại. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm rẫy nhưng ông Xương cũng không khỏi lo lắng cho vụ sản xuất này.

Mặc dù ở đây có hệ thống thủy lợi khá tốt nên mưa không sợ ngập nhưng ông cũng trang bị sẵn máy bơm phòng khi mưa lớn để có thể bơm nước ra.

Gần đó, ông Nguyễn Thanh Cần cũng chuẩn bị xuống giống rau cải xà lách. Ông cho biết vụ này sản xuất khó vì thời tiết không thuận lợi. Nghe thông tin dự báo con nước triều cường rằm tháng 8 âl đang lên với nhiều khả năng xảy ra mưa lớn, ông Cần cũng đã tranh thủ gia cố lại đường ống thoát nước cho rẫy phòng khi mưa dài ngày.

Đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh, hệ thống thủy lợi, giao thông của tỉnh đã được đầu tư khá lớn, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, giao thông.

Tuy nhiên, hàng năm vẫn còn khoảng 200- 300km đê bao, bờ bao kém an toàn để ngăn lũ lớn, còn khoảng 22.570ha bị ngập úng nếu gặp triều cường, lũ lớn.

Năng lực ứng phó với ngập lụt các đô thị còn hạn chế, nhất là ở TP Vĩnh Long do các công trình chống ngập theo quy hoạch chậm được triển khai.

Để chủ động phòng chống, ứng phó với đợt triều cường rằm tháng 8 âl, vừa qua ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh ký ban hành công văn đề nghị ban chỉ huy PCTT- TKCN các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện- thị- thành theo dõi chặt diễn biến mực nước trong đợt triều cường này trên các sông, kinh, rạch trong tỉnh.

Qua đó, thông tin kịp thời đến xã- phường- thị trấn và người dân, nhất là vùng trũng thấp, ven sông và chủ đầu tư các công trình ven sông, kinh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng chống điện giật, đuối nước, tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các đoạn đường bị ngập,… tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại các khu vực đông dân cư, bị ngập nước.

64 vùng với 22.420ha kém an toàn với lũ lớn

Thống kê đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 4.397 tuyến kinh với chiều dài 5.326km. 405 tuyến đê bao, bờ bao có kết hợp làm đường giao thông với tổng chiều dài 3.642km, trong đó đê kết hợp giao thông nông thôn ngăn lũ ở mức báo động 3 chiếm 90% tổng chiều dài và đê ngăn lũ lớn (mức lũ năm 2019) chiếm 50%.

Riêng các tuyến đê ngăn lũ dưới báo động 3 chiếm 10% tổng chiều dài, trong đó gần 200km đê đã xuống cấp cần phải duy tu nâng cấp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, năng lực phục vụ của hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích đất nông nghiệp, trong đó khép kín chủ động tưới tiêu 94,24% diện tích (tương đương 112.855ha cây lâu năm và cây hàng năm).

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 64 vùng với 22.420ha kém an toàn với lũ lớn (mức lũ năm 2019).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, dưới báo động 1 và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10.

Đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 đến báo động 3, một số trạm trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.

Trong mùa khô 2021- 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 8- 15%.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019- 2020.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia khuyến nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần sớm triển khai các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn, cập nhật các thông tin dự báo hàng ngày, dự báo tháng, đề phòng tình hình khí tượng, thủy văn diễn biến phức tạp hơn.

Mùa mưa tại Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn. Trong mùa khô, nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Từ tháng 10- 12/2021, tổng lượng mưa tại Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 10- 25%, từ tháng 1- 3/2022, tổng lượng mưa cũng có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm do có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Bài, ảnh: LÊ SƠN