Nhận diện rõ để ứng phó tốt với thiên tai

Cập nhật, 06:18, Thứ Sáu, 02/08/2019 (GMT+7)

Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai (PCTT) tại Vĩnh Long vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT- ông Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên BCĐ Trung ương về PCTT đánh giá cao việc tỉnh Vĩnh Long đã nhận diện rõ sự ảnh hưởng của thiên tai đối với tỉnh, từ đó xác định khả năng ứng phó cũng như cải thiện năng lực dự báo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vĩnh Long hiện có 125 tuyến/điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến 292 hộ dân. Trong ảnh: Kiểm tra tại điểm sạt lở bờ kinh Hai Quý (xã Thành Lợi- Bình Tân).
Vĩnh Long hiện có 125 tuyến/điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến 292 hộ dân. Trong ảnh: Kiểm tra tại điểm sạt lở bờ kinh Hai Quý (xã Thành Lợi- Bình Tân).

Nhận diện thiên tai

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, các loại hình thiên tai ảnh hưởng rõ rệt nhất tại tỉnh Vĩnh Long là mưa lớn, giông, lốc xoáy, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn.

Đối với xâm nhập mặn, hạn hán, hiện năng lực của tỉnh chỉ ứng phó ở cấp tiểu vùng (ô bao) do các cống lớn ngăn mặn ở đầu các vàm sông, kinh, rạch nối với sông Cổ Chiên, sông Hậu và các kinh trục tiếp nước ngọt cho vùng nhiễm mặn Vũng Liêm, Trà Ôn chưa được triển khai xây dựng.

Nhờ các dự án thủy lợi, giao thông đã được đầu tư khá lớn nên cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trước những ảnh hưởng của lũ, triều cường.

Tuy nhiên, hàng năm Vĩnh Long vẫn còn khoảng 200- 300km đê bao, bờ bao kém an toàn để ngăn lũ lớn, còn trên 20.000- 30.000ha bị ngập úng nếu bị triều cường, lũ lớn.

Bên cạnh đó, năng lực ứng phó với ngập lụt các đô thị còn hạn chế, nhất là TP Vĩnh Long, do các công trình chống ngập theo quy hoạch chậm được triển khai thực hiện.

Tại Vĩnh Long, tình hình sạt lở bờ sông, kinh, rạch diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng.

Trong khi để xử lý khắc phục sạt lở phải tốn rất nhiều kinh phí. Nhưng do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sạt lở thời gian qua còn rất hạn chế.

Khó khăn phải kể đến hiện nay là ứng phó với giông, lốc xoáy do khó dự báo và nhà cửa chưa kiên cố hóa trong dân còn nhiều. Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 150- 200 căn nhà bị hư hỏng do loại hình thiên tai này.

Theo ông Nguyễn Thành Nam- Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam. So với các địa phương khác, Vĩnh Long là tỉnh ít chịu ảnh hưởng về thiên tai nhưng lại chịu thiệt hại nặng về sạt lở.

Thời gian gần đây, triều cường cũng ảnh hưởng rất nặng nên tỉnh cần rà soát cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai, nhất là triều cường và sạt lở.

Cần nâng cao năng lực dự báo, ứng phó

Vĩnh Long hiện có lực lượng huy động phòng, chống, ứng phó khi có thiên tai xảy ra: 4.479 người, trong đó lực lượng tỉnh là 277 người; huyện- thị- thành 4.202 người. 8.061 phương tiện, trang thiết bị các loại, trong đó có 33 tàu, thuyền, xuồng cứu hộ, 7.637 áo phao, phao cứu sinh, 46 xe máy, ô tô các loại, 181 nhà bạt dã chiến. Vật tư, lượng thực, nhu yếu phẩm được dự trữ tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại địa phương gồm: 3.354 tấn gạo, 213 thùng mì tôm, 167.276 thùng nước uống đóng chai, 6.264 viên lọc nước. Cơ sở dữ liệu, phần mềm phục vụ phòng chống thiên tai, hiện tại, hệ thống tin nhắn SMS của tỉnh với 271 đầu số đã phát huy hiệu quả rất tốt các thông tin chỉ đạo, điều hành, dự báo, cảnh báo thiên tai.

Ông Lê Minh Đức- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- cho biết toàn huyện hiện có 17 điểm sạt lở nghiêm trọng, gần 1.000 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng.

Hàng năm, huyện trích một phần kinh phí cùng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh để gia cố các điểm sạt lở nhưng chỉ là giải pháp tình thế. 

Về lâu dài, huyện cần được hỗ trợ đầu tư cụm tuyến dân cư để di dời dân đến nơi ở mới, đồng thời đầu tư gia cố sạt lở các điểm ở cửa sông, nhất là khu vực ven sông Hậu.

Ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng một trong những khó khăn của tỉnh hiện nay là việc ứng phó với những loại thiên tai xảy ra bất ngờ không trở tay kịp khi như lốc xoáy, sạt lở bờ sông, bởi rất khó đưa ra dự báo, cảnh báo sớm để chủ động phòng tránh.

Ngoài ra, do nguồn lực hạn chế nên công tác duy tu sửa chữa các công trình chỉ mang tính tạm thời, công trình xuống cấp nhanh cũng là yếu tố bất lợi cho việc nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai.

Ông Nguyễn Minh Tho kiến nghị BCĐ Trung ương hỗ trợ tỉnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT- ông Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên BCĐ Trung trương về PCTT, lưu ý tỉnh tiếp tục nêu cao vai trò người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành, xem công tác phòng là chính, chú trọng 4 tại chỗ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cũng như huy động tốt nguồn lực xã hội hóa trong PCTT.

Thứ trưởng đánh giá cao giải pháp phân cấp quản lý nguồn quỹ PCTT cho cấp huyện, cấp xã của Vĩnh Long là cách làm hay giúp địa phương chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời có hiệu quả.

Theo ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với ĐBSCL hiện nay, nếu diễn biến cao trình mực nước ngầm hạ thấp hơn tầng sinh phèn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Về góc độ xây dựng, thì trước nay khu vực Nam Bộ xây dựng nền móng sử dụng cừ tràm. Mà đặc điểm cây cừ tràm thì đầu cây phải bên dưới mực nước ngầm cừ mới tồn tại trên 50 năm, còn nếu cao hơn mực nước ngầm thì cừ tràm mau mục. Do đó, mực nước ngầm hạ thấp thì nhà ở thường bị sụt lún nên cần thiết phải giữ cho cao trình mực nước ngầm cao. Làm sao để tận dụng tất cả các kinh rạch, ao hồ ở đồng bằng thành nơi trữ nước để nuôi dưỡng mực nước ngầm sẽ khả thi hơn việc xây dựng hồ chứa nước ngọt.

Bài, ảnh: LÊ SƠN