10 năm xây dựng nông thôn mới ở Bình Tân

Bước chuyển mới trong nông nghiệp- nông dân- nông thôn

Cập nhật, 14:42, Thứ Tư, 31/07/2019 (GMT+7)

Qua chặng đường 10 năm (2010- 2020) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo nên bước chuyển mới trong nông nghiệp- nông dân- nông thôn tại huyện Bình Tân.

Việc đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, giúp nông dân giảm bớt chi phí, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong nông nghiệp.
Việc đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, giúp nông dân giảm bớt chi phí, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong nông nghiệp.

Đời sống nhiều thay đổi

Trở về xã Nguyễn Văn Thảnh, các cánh đồng chuyên canh lúa giờ được thay thế dần bằng những cánh đồng trồng đậu nành, rau, khoai lang, một số nơi còn phát triển mô hình 2 lúa- 1 cá, 2 lúa- 1 màu hoặc trồng xen canh lúa- màu.

Về kinh tế vườn, nhiều nông dân áp dụng mô hình VAC (vườn, ao, chuồng), VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng)… đem đến thu nhập vài trăm triệu đồng/ha đã góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân.

Sau nuôi thử nghiệm khoảng 1.000 con ếch trong 70m2 ao nhà chủ yếu “cho rắn hổ mèo ăn”, anh Nguyễn Văn Thảo (ấp Hòa Thuận, xã Nguyễn Văn Thảnh) đã nuôi khá thành công nên “có lời chút đỉnh”.

Đến nay, diện tích nuôi ếch của anh Thảo được mở rộng lên 2.700m2, với hàng chục vuông (2 vuông đạt chuẩn VietGAP), xuất bán 4- 5 tấn/tháng ếch thương phẩm, lợi nhuận 10- 15 triệu đồng/tấn.

“Lượng ếch thương phẩm hiện đủ cung cấp cho một công ty ở TP Cần Thơ nên chưa tính đến mở rộng ao nuôi thương phẩm nhưng dự kiến mở rộng ao ương để kinh doanh ếch giống”- anh Thảo cho biết.

Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời học hỏi kinh nghiệm thực tế và xem các thông tin trên báo, đài, ông Đặng Văn Nguyên (ấp An Thạnh, xã Tân An Thạnh) đã phát triển mô hình VACR trên 18 công đất canh tác (trồng cây ăn trái, trồng màu và chăn nuôi gà, cá) đã đem về cho ông doanh thu hơn 1,96 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 580 triệu đồng/năm.

Năm nay là năm thứ tư ông Nguyên phát triển mô hình trồng thanh nhãn và cam xoàn (13 công). Ngoài bán trái, ông còn chiết nhánh cam xoàn để bán.

Những năm qua, diện tích trồng màu không ngừng tăng cao, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Những năm qua, diện tích trồng màu không ngừng tăng cao, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Ông còn tận dụng diện tích đất vườn để nuôi gà thả vườn và tận dụng rau cỏ có sẵn trong vườn để nuôi cá phục vụ bữa ăn cho gia đình, phần còn dư thì đem bán. Diện tích đất còn lại ông trồng màu luân canh như ớt, hành, bắp…

Với vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất cây có múi, ông Nguyên thường xuyên xuống tận vườn và hướng dẫn kỹ thuật trồng cam xoàn cho bà con nông dân; hỗ trợ 4 hộ cải tạo vườn tạp với 350 nhánh cam giống; nhiệt tình hỗ trợ hộ nghèo và đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân.

Ông còn tích cực đóng góp công sức, tiền của để sửa chữa cầu đường và cho biết: “Đối với các tuyến đường nông thôn đi ngang qua đất, tôi sẵn sàng tự nguyện hiến để nhân dân đi lại được dễ dàng”.

Bước phát triển mới

Qua 10 năm xây dựng NTM đã tạo ra những bước phát triển mới trong nông nghiệp. Sản xuất lúa có nhiều đổi mới, mô hình cánh đồng mẫu lớn được phát triển và nhân rộng, việc cơ giới hóa trong thu hoạch chiếm gần 100% diện tích gieo sạ.

Diện tích trồng màu không ngừng tăng qua các năm do chuyển đổi luân canh màu xuống ruộng với tổng diện tích gần 21.000ha, tăng trên 8.600ha so năm 2010, màu chuyên canh cho lợi nhuận gấp 3 lần trở lên so trồng lúa, tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 1,092 lần.

* Phong trào thi đua “Bình Tân chung sức xây dựng NTM” đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, người dân tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động với tổng trị giá trên 162 tỷ đồng.

* Đến nay, toàn huyện Bình Tân có 5 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí đạt bình quân 15,5 tiêu chí/xã, tăng 9,2 tiêu chí so năm 2011. Hiện, toàn huyện không còn xã dưới 10 tiêu chí. Huyện phấn đấu đến năm 2022 đạt chuẩn huyện NTM; giai đoạn 2022- 2030 giữ vững và nâng chất 10/10 xã NTM và NTM nâng cao, có 5 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp qua từng năm, 100% xã có đường xe 4 bánh đến trung tâm xã; hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư; 100% hộ dân có điện sử dụng; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 76,13%...

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nhân dân luôn được quan tâm. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 43%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 5,9%.

Qua 10 năm có 3.210 hộ vươn lên thoát nghèo. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 34,6 triệu đồng/năm, tăng 20,4 triệu đồng.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 14 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 4 hợp tác xã mới thành lập; có 173 tổ hợp tác nông nghiệp chuyên sản xuất tiêu thụ khoai lang, hành lá, đậu bắp xanh…

Ông Lê Minh Đức- Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM huyện Bình Tân- cho biết: Thời gian tới, sẽ xây 1 hợp tác xã kiểu mẫu để nhân rộng toàn huyện. Bên cạnh, tiếp tục chỉ đạo xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác và các hình thức liên kết hợp tác gắn với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Đồng thời, chú trọng xây dựng NTM gắn với yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và gắn với quy hoạch chung.

Bà Vũ Thị Thanh Loan- Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh- lưu ý: Huyện cần chỉ đạo sát sao các công trình hạ tầng do huyện làm chủ đầu tư, tập trung tiêu chí nội lực để phấn đấu đạt huyện NTM. Trong đó, tiếp tục vận động cộng đồng cùng chung tay xây dựng NTM; chú trọng đẩy mạnh kinh tế tập thể để tổ chức sản xuất; tăng cường giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; vận động và tuyên truyền người dân tham gia BHYT; tiếp tục thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch” phân loại rác xử lý tại chỗ; tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, tuần tra canh gác để đảm bảo an ninh nông thôn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI