Đã sẵn phương án ứng phó từng loại thiên tai

Cập nhật, 11:29, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

Hiện đang bước vào mùa mưa bão “chính vụ”, mọi công tác chủ động nhằm hạn chế mức độ thiệt hại do bão mạnh, lũ, triều cường gây ra- đặc biệt là tính mạng, tài sản, kết cấu hạ tầng và các công trình trọng yếu, di dời, sơ tán dân đến nơi trú bão kiên cố, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống người dân đang được chú trọng.

Vào mùa mưa bão với nhiều ảnh hưởng của các loại hình thiên tai bão mạnh, lũ, triều cường, sạt lở bờ sông sẽ gây thiệt hại rất lớn. Trong ảnh: Nuôi bè cá trên sông cặp khu vực sạt lở bờ sông (xã An Bình- Long Hồ).
Vào mùa mưa bão với nhiều ảnh hưởng của các loại hình thiên tai bão mạnh, lũ, triều cường, sạt lở bờ sông sẽ gây thiệt hại rất lớn. Trong ảnh: Nuôi bè cá trên sông cặp khu vực sạt lở bờ sông (xã An Bình- Long Hồ).

3.362 hộ cần sơ tán khi có bão mạnh

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Vĩnh Long, những năm gần đây, năm nào cũng có từ 3- 5 cơn ảnh hưởng đến Vĩnh Long.

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết xảy ra cực đoan hơn, bão mạnh và bão rất mạnh đã và đang có chiều hướng gia tăng và ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó có Vĩnh Long.

Riêng trong tháng 11 này, có khả năng xuất hiện khoảng 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 3.362 hộ với tổng số 11.870 người cần sơ tán (trong đó TP Vĩnh Long 791 người, Long Hồ 1.119 người, Mang Thít 6.562 người, Vũng Liêm 290 người, Tam Bình 597 người, Trà Ôn 701 người, Bình Tân 1.203 người, TX Bình Minh 607 người).

Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các địa phương, toàn tỉnh có 1.723 căn nhà tạm bợ cần chằng chống để đảm bảo an toàn trong bão (trong đó, Trà Ôn 469 căn, Long Hồ 304 căn, TX Bình Minh 289 căn, Tam Bình 241 căn, Mang Thít 187 căn, Bình Tân 169 căn và TP Vĩnh Long 64 căn).

Ngoài ra, các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của bão gồm 119 bến đò qua sông, 940 lồng, bè nuôi cá trên sông tập trung chủ yếu lở TP Vĩnh Long, Long Hồ và Vũng Liêm.

Theo phương án phòng chống, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ vừa được UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành, toàn tỉnh có khả năng huy động 15.255 người cùng 8.061 phương tiện, trang thiết bị tham gia sơ tán dân, đồng thời xây dựng công tác thực hiện đối với bão gần bờ, bão khẩn cấp, trong thời gian bão đổ bộ và sau khi bão đi qua.

1.285 cửa hàng lương thực, thực phẩm, nước sạch, 319 doanh nghiệp cung cấp vật tư xây dựng sẵn sàng tiếp ứng khi có tình huống xấu xảy ra cần huy động nguồn lực tại chỗ.

Triều cường đe dọa 37.546ha

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, hiện mực nước trên các sông, rạch trong tỉnh tiếp tục lên theo triều và có khả năng đạt mức cao nhất trong các ngày 8- 9/11 (nhằm ngày 2- 3/10 âl), ở mức trên báo động 3 từ 0,15- 0,35m.

Các vùng ven sông, trũng thấp cần đề phòng triều cường kết hợp mưa lớn cuối mùa có thể gây ngập lụt sâu.

Đã sẵn các phương án để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại sản xuất và dân sinh. Trong ảnh: Lốc xoáy khiến cho nhà dân thiếu kiên cố bị sập hoàn toàn.
Đã sẵn các phương án để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại sản xuất và dân sinh. Trong ảnh: Lốc xoáy khiến cho nhà dân thiếu kiên cố bị sập hoàn toàn.

Vĩnh Long là vùng ảnh hưởng lũ, triều cường và ngập nông của ĐBSCL. Vùng trọng điểm lũ và chịu ảnh hưởng lũ mạnh nhất của tỉnh là vùng Bắc QL1 (giáp tỉnh Đồng Tháp) và các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu chiếm diện tích khoảng 37.546ha (trong đó vùng Bắc QL1 26.840ha, các cù lao 10.700ha).

Phần lớn diện tích này trồng lúa, rau màu và vườn cây ăn trái. Hàng năm lũ về vào giữa tháng 8 và chịu ảnh hưởng khoảng 2- 3 tháng.

Lũ lụt tại Vĩnh Long do lũ thượng nguồn đổ về và triều cường gây ra tình trạng ngập lụt là chính, nếu thời gian lũ lớn trùng với kỳ triều cường và lượng mưa tại chỗ nhiều thì mức độ ngập lụt sẽ nghiêm trọng hơn. Lũ xuất hiện ở Vĩnh Long từ tháng 8- 12 hàng năm.

Nước lũ chảy vào nội đồng theo 2 hướng sông Tiền và sông Hậu và chảy vào theo các trục kinh chính. Riêng khu vực Bắc QL1, dòng chảy lũ trong thời kỳ đầu tập trung trong lòng dẫn kinh rạch, sau đó tràn qua bờ vào đồng. Tình trạng ngập lụt cũng xảy ra gần như hết diện tích.

Các khu vực còn lại tập trung ở những vùng trũng mà chủ yếu vùng giữa là vùng giáp nước của 2 sông Cổ Chiên và sông Hậu. Nước lũ cũng thoát theo 2 hướng sông này.

Đỉnh lũ hàng năm thường xuất hiện trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11, có năm kết hợp triều cường mức nước cao kéo dài tới tháng 12.

Tình hình thời tiết, thủy văn từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất lớn trong thời đoạn ngắn cùng với hoạt động xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong làm cho lũ ở ĐBSCL có thể xuất hiện cao hơn. Bên cạnh, sau những đợt triều cường, chênh lệch mực nước giữa đỉnh và chân triều cao dễ gây sạt lở bờ sông.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, đối với khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, kinh, rạch thì ngành chuyên môn tiếp tục theo dõi cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, tổ chức lực lượng xung kích chốt chặn các vị trí xung yếu đã xảy ra sạt lở, không để người dân quay lại khu vực sạt lở.

Kiểm tra theo dõi chặt chẽ việc nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Đối với lũ, triều cường, theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mưa lũ, mực nước trên các sông, kinh rạch, chủ động phương châm “4 tại chỗ” bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.

Bài, ảnh: THÀNH LONG